VnReview
Hà Nội

Nóng trên mạng: Tuần của xóa mọi tin đồn

Tuần qua (27-31/8) có thể nói là một tuần của giải tỏa tin đồn, tranh cãi trên mạng: Các "đại gia" xuất hiện bác tin mình bị bắt hoặc bị công an "sờ gáy" vì có liên quan đến "bầu" Kiên; Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam cực chẳng đã phải thông tin chi tiết vụ Vương Thu Phương.

Trên mạng, vụ "bầu" Kiên bị bắt hầu như đã lắng xuống vì báo chí đã hết đề tài khai thác xung quanh nhân vật này, mặt khác, những tin đồn liên quan cũng không còn đất sống do các nhân vật bị đồn xuất hiện. Nổi bật là ông Trầm Bê - Phó Chủ tịch Ngân hàng Sacombank và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Công ty CP tập đoàn Masan kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Techcombank. Sau khi "bầu" Kiên và cựu Tổng giám đốc Ngân hàng ACB Lý Xuân Hải bị bắt, trên mạng đồng thời cũng loan ra tin ông Trầm Bê và ông Nguyễn Đăng Quang "bị bắt", "bị công an điều tra", "trốn sang Mỹ"… Những tin đồn này đã ngay lập tức bị dập tắt khi ông Nguyễn Đăng Quang, rồi đến ông Trầm Bê xuất hiện tại các sự kiện ở TP.HCM với sự chứng kiến của nhiều nhà báo.

Liên quan đến xuất hiện xóa tin đồn ngoài ra còn có ông Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT. Trước đó, FPT ra thông cáo ông Trương Đình Anh xin nghỉ phép hai tháng do lý do sức khỏe và để giải quyết việc gia đình. Có thể nói, đây là một việc làm lạ thường trong giới kinh doanh bởi ít khi có một vị tổng giám đốc doanh nghiệp nào "dám" rời bỏ chiếc ghế chỉ huy của mình – trừ phi mắc phải trọng bệnh. Do đó, trên mạng dấy lên tin ông Trương Đình Anh đã từ chức, thậm chí còn bị miễn nhiệm do kết quả kinh doanh của FPT không đạt kỳ vọng. Tin đồn này kéo dài cho đến khi ông Trương Đình Anh khẳng định sẽ trở lại làm việc vào ngày 17/9 tới đây. Đồng thời, FPT cũng công bố giảm các chỉ tiêu kinh doanh năm 2012:; Doanh thu dự kiến đạt 26.072 tỷ đồng, tăng 0,4% so với 2011 (kế hoạch doanh thu ban đầu là 31.300 tỷ); Lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 2.547 tỷ đồng, tăng 1,8% so với 2011 (kế hoạch lợi nhuận trước thuế ban đầu là 3.000 tỷ).

Với những tin đồn thất thiệt kiểu như thế này cho thấy mạng Internet là nơi dung dưỡng tin đồn mà cho đến nay không có cách gì kiểm soát được; Nó cũng là nơi không dành cho những kẻ yếu tim và nhẹ dạ cả tin và quan trọng nhất, nó cũng rất dễ bị dập tắt khi những bên liên quan đến tin đồn có phản ứng nhanh chóng.

Câu chuyện về "bầu" Kiên coi như tạm kết thúc trên mạng thì tranh cãi quanh vụ Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2012 loại thí sinh Vũ Thu Phương ngay trước khi đêm Chung kết diễn ra có đúng hay không càng nóng hơn khi Vương Thu Phương cáo buộc "bạn trai cũ" của mình tung hình đám cưới hai người ra cho bàn dân thiên hạ biết. Còn người bạn trai sau khi thấy cô tuyên bố "tình người quá nhạt nhẽo" và buộc tội mình cuối cùng đã phải lên tiếng khẳng định anh không làm việc đó.

Từ đây, trên mạng chia làm hai phe. Phe thiểu số tỏ ra thông cảm với Vương Thu Phương và chê trách anh chồng cũ là hèn hạ, ghen tức, thậm chí không xứng mặt đàn ông. Phe này – trong đó có cả ý kiến một vài luật sư - đồng thời chỉ trích Ban tổ chức cuộc thi đã không công bằng, không "chơi đúng luật" vì xét theo luật, Vương Thu Phương vẫn là người độc thân vì mới tổ chức cưới hỏi nhưng chưa đăng ký kết hôn.

Trong khi đó, phe đa số phê phán Vương Thu Phương quá ham hố danh vọng, len chân vào giới giải trí, rằng cô không chỉ lừa dối người thân, bạn bè hai họ đến dự đám cưới của mình mà còn tất cả công chúng. Ban Tổ chức cũng được khen ngợi là đưa ra quyết định tuy hơi muộn nhưng là chính xác bởi vấn đề ở đây không phải là Vương Thu Phương trước pháp luật đã kết hôn hay chưa? Hay ai là người cung cấp ảnh cưới của Vương Thu Phương mà là tư cách đạo đức của cô: không trung thực.

Trước những đôi co kéo dài của cư dân mạng, cuối cùng, ông Lê Xuân Sơn, Tổng biên tập báo Tiền phong, đã lên tiếng, giải thích chi tiết tại sao Ban tổ chức buộc phải quyết định loại Vương Thu Phương. Theo đó, Ban tổ chức đã làm việc với Vương Thu Phương nhiều lần về vấn đề cưới xin của cô nhưng cô một mực từ chối, nói đó là hình cô bị ghép, còn tiệc cưới chỉ là một "party" ra mắt họ hàng hai bên. Sau khi có kết quả xác minh cuối cùng, Ban tổ chức đã kiên trì, thuyết phục Vương Thu Phương cân nhắc rút lui khỏi cuộc thi để tránh cho cô việc phải công bố toàn bộ kết quả điều tra cho thấy sự không trung thực của cô, để cô tự sửa chữa và tiếp tục hành nghề người mẫu. Tuy nhiên, Vương Thu Phương kiên quyết "đi đến cùng" nên buộc Ban tổ chức phải ra quyết định loại cô khỏi đêm Chung kết vì không trung thực.

Sự việc Vương Thu Phương lẽ ra không ầm ĩ đến như vậy nếu như không có người không nhìn/ dám nhìn thẳng vào sự thật: Vương Thu Phương ngay từ đầu chối bay chối biến đám cưới của mình; những cư dân mạng ủng hộ Vương Thu Phương chỉ thấy cô "chơi đúng luật" – có quyền thi Hoa hậu Việt Nam vì cô chưa kết hôn mà không hiểu rằng bản chất việc cô bị loại không phải là kết hôn hay chưa mà là sự thiếu trung thực ở cô.

Tuy nhiên, như nói ở trên, mạng Internet là nơi mọi người bày tỏ ý kiến cá nhân một cách tự do nhất. Những ý kiến đó có thể là sự thể hiện quan điểm, nhưng cũng có thể chỉ là mong muốn đối chọi với số đông hoặc tạo sự khác biệt… Đó chính là lý do luôn có tranh cãi trên mạng, chủ đề này bị chìm đi khi có một chủ đề khác "nóng" hơn như lớp lớp sóng sau xô sóng trước.

Thanh Xuân

Chủ đề khác