VnReview
Hà Nội

Cơ hội thể hiện của Esports Việt Nam, Đông Nam Á tại ASIAD 2018

Thể thao điện tử (Esports) sẽ lần đầu trở thành môn thi đấu biểu diễn tại Đại hội thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18 ở Indonesia.

Esport và chặng đường gian nan tìm kiếm sự công nhận của thế giới

Đây được xem là cuộc "chạy đua" trong việc đưa Esports vào bộ môn thi đấu giành huy chương chính thức của ASIAD lần thứ 19 năm 2022, xa hơn là Olympic Paris 2024. Tuy vẫn còn nhiều thời gian, nhưng các công ty và nhà cung cấp viễn thông xem đây chính là cơ hội giúp phát triển Esports Đông Á và Đông Nam Á, nơi mà sự cổ vũ cuồng nhiệt đến mức vé vào cửa xem các giải đấu chỉ vài phút đã… hết veo.

Theo thống kê của Niko Partners, Đông Nam Á là thị trường Esports phát triển nhanh nhất thế giới với doanh thu game PC và di động năm 2017 đạt 2,2 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào năm 2021. Số người chơi ước tính cũng tăng từ 300 triệu lên hơn 400 triệu.

"ASIAD sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp Esports tại Đông Nam Á và châu Á", Johnson Yeh, giám đốc quản lý Riot Games (thuộc Tencent) khu vực Trung Quốc và Đông Nam Á cho biết. Tựa game đình đám của họ là League of Legends (Liên Minh Huyền Thoại) cũng sẽ xuất hiện trong giải đấu.

Các nhà phân tích dự đoán doanh thu cho 6 tựa game tranh tài tại ASIAD cũng sẽ tăng đáng kể, trong đó Liên Minh Huyền Thoại, Arena of Valor (Liên Quân Mobile) và Crash Royale được phát hành bởi Tencent, Hearthstone và Starcraft II của Activision Blizzard (Mỹ) còn Pro Evolution Soccer do Konami (Nhật Bản) phát hành.

Liên đoàn Thể thao điện tử châu Á (Asian Electronic Sports Federation, AESF) công bố lý do chọn 6 tựa game này vì chúng mang đến "sự toàn diện, đạo đức và công bằng". Ủy ban Olympic Quốc tế cho biết các trò chơi có hành động bạo lực, bắn súng sẽ không được chọn.

Nhiều game thủ chuyên nghiệp Đông Nam Á cho biết thi đấu tại ASIAD mang đến sức mạnh, động lực để tiếp tục hoàn thiện mình, mang đến niềm tự hào cho đất nước. Đây cũng là cơ hội xóa bỏ định kiến từ nhiều người rằng chơi game không mang lại lợi ích.

Trong những ngày đầu, nhiều game thủ phải chịu cảnh thức đêm tập luyện để tránh bị bố mẹ phát hiện dù biết có hại cho sức khỏe. Mãi đến khi bước chân lên thi đấu dưới màu áo đội tuyển quốc gia, họ mới hiểu và thông cảm.

Ảnh: Garena

Nói với hãng tin;Reuters về Esports Đông Nam Á, Alan Hellawell, giám đốc chiến lược SEA cho biết Thái Lan là một trong những nước đầu tiên nắm bắt cơ hội phát triển của Esports, Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất còn Indonesia cũng đang bước vào ngành game di động.

SEA (Garena trước đây) là một trong những nhà cung cấp nền tảng chơi game lớn nhất khu vực khi mang về nhiều tựa game đình đám như Liên Minh Huyền Thoại, FIFA Online, Liên Quân Mobile,…

"Với sự bùng nổ của smartphone, mọi người đều có thể tham gia. Trong khi Trung Quốc mất từ 15 đến 20 năm để xây dựng cơ sở hạ tầng thì Đông Nam Á chỉ mất chưa đến một thập kỷ", Hellawell cho biết.

"Phần lớn những nước Đông Nam Á đã công nhận Esports là môn thể thao chính thức. Chúng tôi thực sự xem đây là thị trường đầy tiềm năng", Paul Chen, giám đốc Activision Blizzard khu vực Đông Nam Á cho biết.

Nhưng để trở thành môn thi đấu giành huy chương tại ASIAD, Esports phải được đại diện bởi một tổ chức duy nhất. Dù AESF tự nhận là "cơ quan có thẩm quyền duy nhất của Esports châu Á" nhưng Liên đoàn thể thao điện tử quốc tế Hàn Quốc lại tổ chức giải vô địch thế giới riêng biệt, không có một cơ quan đại diện chung.

Cũng nói thêm về đội tuyển Việt Nam. Sau khi xuất sắc đánh bại những đối thủ trong vòng loại khu vực, chúng ta là 1 trong 2 đại diện duy nhất của Đông Nam Á, kể cả châu Á (bên cạnh Indonesia, chủ nhà nghiễm nhiên có 1 suất) tham gia tranh tài trong cả 6 tựa game Esports tại ASIAD.

Các quốc gia và tựa game tham gia tranh tài ở ASIAD 2018 - Ảnh: Wikipedia

Thời gian diễn ra các trận thi đấu Esports tại ASIAD 2018

Với việc có bản quyền phát sóng chính thức, nhiều khả năng các môn thi đấu có tuyển Esports Việt Nam cũng sẽ truyền hình trực tiếp trên TV.

Sau những thành công trong khu vực, đã đến lúc để Esports Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vươn tầm châu lục, có thể là cả thế giới trong tương lai không xa.

Phúc Thịnh

Chủ đề khác