VnReview
Hà Nội

WHO: Hơn 1,4 tỷ người trên thế giới đang lười tập thể dục, bạn có trong số đó không?

Theo ước tính mới nhất của tổ chức Y tế thế giới (WHO), có khoảng 1,4 tỷ người trên thế giới đang lười tập thể dục. Điều này dẫn tới nguy cơ phát triển nhiều căn bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch, tiểu đường do lười vận động.

Trong suốt hơn 15 năm qua, số lượng người lười tập thể dục trên thế giới vẫn chưa có sự thay đổi. Theo báo cáo mới nhất WHO, mức độ hoạt động thể chất trên toàn cầu vẫn chưa có sự cải thiện kể từ năm 2001.

Tỷ lệ lười tập thể dục cao nhất trong năm 2016 chủ yếu từ các nước và vùng lãnh thổ như Cô-oét (67%), quần đảo Samoa – lãnh thổ Mỹ (53%), Ả Rập Xê-Út (53%) và I-rắc (52%). Tại các quốc gia này, có hơn một nửa dân số trưởng thành gần như không tập thể dục để tăng cường sức khỏe. Con số này tại các nước như Mỹ là 40%, tại Anh là 36% và Trung Quốc là 14%.

Nhà khoa học Regina Guthold, đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ: "Không giống các nguy cơ sức khỏe khác, nguy cơ lười hoạt động thể chất trên toàn cầu vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Trung bình 1/4 số người trưởng thành vẫn chưa đạt được mức vận động thể chất theo khuyến nghị tốt nhất cho sức khỏe".

WHO khẳng định, thiếu hoạt động thể chất là một trong những nguy cơ hàng đầu gây ra tình trạng tử vong sớm trên thế giới. Lười tập thể dục có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh không lây nhiễm, tim mạch, ung thư, tiểu đường hay mất trí nhớ.

Lối sống công nghiệp, lười vận động và tiêu thụ thức ăn nhanh là mầm mống cho nhiều căn bệnh nguy hiểm phát triển

Hoạt động thể chất liên tục và năng động không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tinh thần mà còn hỗ trợ cải thiện cơ bắp, tuần hoàn máu, nhịp tim, sức khỏe xương khớp, giảm cân,…

Khối lượng vận động do WHO khuyến nghị tới tất cả mọi người là 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải hoặc 75 phút hoạt động thể chất cường độ mạnh mỗi tuần. Bạn có thể áp dụng với mọi bài tập từ đạp xe tới đi bộ hay bơi lội.

Nghiên cứu của WHO cũng nhận thấy, tình trạng lười tập thể dục nhiều hơn gấp đôi ở các nước phát triển so với các nước nghèo hơn. Con số này thậm chí đã tăng 5% trong giai đoạn 2011-2016.

Theo nhóm nghiên cứu, việc chuyển đổi sang các công việc ít vận động và lối sống hưởng thụ đã khiến nhiều người tại các quốc gia phát triển lười vận động hơn. Trong khi đó ở các nước kém phát triển, người dân có xu hướng hoạt động tích cực và di chuyển nhiều hơn. Ngoài ra, có một thông tin khá bất ngờ khi WHO cho biết, nữ giới lười vận động hơn nam giới, trừ một số quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á.

Nếu theo đà này, nguy cơ thế giới có thể bỏ lỡ mục tiêu cắt giảm mức độ lười tập thể dục dưới 10% vào năm 2025 là rất cao. Tiến sĩ Melody Ding từ Đại học Sydney ở Úc gọi căn bệnh lười hoạt động thể chất là một "đại dịch toàn cầu". Bà kêu gọi các chính phủ trên thế giới phải sớm hành động để bảo vệ sức khỏe cho người dân nước mình.

Nghiên cứu đã được đăng tải trên tạp chí The Lancet Global Health mới đây.

Tiến Thanh

Chủ đề khác