VnReview
Hà Nội

Ngày càng khó phát hiện người nghiện vì sử dụng các loại ma túy mới

Hiện nay, người nghiện chỉ bị phát hiện khi có biểu hiện ngáo đá, thậm chí đã gây ra những tội ác tày trời.

Suốt 20 năm qua, mỗi ngày của thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thủy, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương, là gắn liền với bệnh nhân nghiện ma túy. 20-30% trong số họ dương tính với HIV.

Theo nhận định của bác sĩ Thủy, trước đây người nghiện đa phần vì heroin, nên việc phát hiện các đối tượng này thường rất dễ dàng. 5 năm trở lại đây, số con nghiện đến với trung tâm ít hơn, khoảng 200 bệnh nhân/năm. Bởi người nghiện ít dùng heroin, chuyển sang sử dụng các loại ma túy dạng mới, điển hình là ma túy đá.

"Loại ma túy mới gây rối loạn tâm thần rất mạnh, nó có thể gây loạn thần ngay lần đầu sử dụng. Do đó, những bệnh nhân này được chuyển sang cấp cứu chống độc, tâm thần. Tuy nhiên, việc phát hiện người nghiện cũng khó hơn. Bởi họ chỉ bị phát hiện khi có biểu hiện ngáo đá, thậm chí đã gây ra những tội ác tày trời", bác sĩ Thủy lo ngại.

Khi bệnh nhân "lên cơn", tâm lý bất thường

Đối với những người như bác sĩ Thủy, điều khó hơn cả trong quá trình chữa trị là tâm lý bất thường của bệnh nhân. Điều đó đòi hỏi bác sĩ vừa phải tinh tế, vừa đủ bản lĩnh để đối phó. Bởi không phải bệnh nhân nào cũng hợp tác.

"Đặc biệt, trong những ngày đầu nhập viện, con nghiện lên cơn vật vã, chống đối trong khi người nhà khóc lóc, van xin là điều khiến chúng tôi luôn ám ảnh", bác sĩ Thủy chia sẻ.

Thậm chí, nhiều bệnh nhân được đưa vào trung tâm tới 5-6 lần, bởi sau khi cắt cơn thành công, trở về nhà, họ lại tái nghiện. Thấy con tiếp tục đắm chìm trong ma túy, gia đình chỉ biết đưa vào viện và cậy nhờ bác sĩ.

Bác sĩ Thủy cho biết ma túy khiến những con nghiện không còn là chính mình. Khi thèm thuốc, họ không còn biết điều gì khác ngoài thỏa mãn cơn nghiện của mình. Nhưng sau khi vào viện, được cắt cơn, tỉnh táo trở lại, sự ân hận lại hiện hữu trong mỗi người.

Nhiều bệnh nhân đã nói trong nước mắt với bác sĩ Thủy: "Cứu em với, em muốn quay trở lại làm con người". Những câu nói đó đã tạo động lực cho các bác sĩ tiếp tục cuộc chiến đấu cắt cơn nghiện cho bệnh nhân.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Thủy, Phó giám đốc Trung tâm nghiên cứu Cai nghiện, Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Ảnh: HQ.

Nhiều năm trong công tác cai nghiện, bác sĩ Thủy chia sẻ những bệnh nhân đến với trung tâm rất đa dạng. Trong số đó, không phải ai cũng là những đối tượng ăn chơi, lêu lổng. Nhiều người là người trí thức, quan chức. Hầu hết bệnh nhân có nghề nghiệp đặc biệt sẽ khai khống hồ sơ. Trung tâm rất tôn trọng và giữ kín thông tin cá nhân, song để tìm căn nguyên vấn đề dẫn họ đến con đường nghiệp ngập, các bác sĩ vẫn cần thông tin cơ bản để phục vụ cho công tác cai nghiện.

Trong số các bệnh nhân trung tâm từng tiếp nhận, nhiều trường hợp vô tình nghiện ma túy do đặc trưng công việc. Thậm chí, một số bệnh nhân còn bị đầu độc đến mức nghiện ma túy lúc nào mà bản thân không hề hay biết.

Bệnh nhân cai nghiện tại trung tâm có liệu trình 10 ngày . Ảnh: HQ.

Liệu trình điều trị không dùng thuốc cho bệnh nhân cai nghiện

Bệnh nhân cai nghiện tại trung tâm thường có liệu trình 10 ngày. Họ được chữa bằng điện châm - phương pháp không dùng thuốc mà chỉ bằng tác dụng bồi bổ nguyên khí, điều hòa ngũ tạng, thông khí huyết giúp người bệnh cắt cơn nghiện ma túy. Sau 10 ngày, bệnh nhân có thể hoàn thành đợt cai nghiện và trở về sinh hoạt bình thường như mọi người.

Bác sĩ Thủy giải thích cơ chế cai nghiện của châm cứu khá đơn giản. Khi dùng ma túy, cơ thể sẽ ngừng sản xuất morphine. Khi cắt cơn đột ngột nguồn từ ngoài vào, cơ thể chưa thích ứng, khiến lượng morphine nội sinh thiếu hụt gây hiện tượng lên cơn. Châm cứu sẽ kích thích để cơ thể tự sản xuất đủ morphine nội sinh đáp ứng các chức năng sinh lý.

Vì vậy, từ ngày 4-5 trở đi, bệnh nhân sẽ không còn các biểu hiện của nghiện ma túy như trước điều trị. Người nghiện bắt đầu ăn ngon miệng và tăng cân, không còn cảm giác nhớ thuốc, lấy lại được giấc ngủ sinh lý.

Tuy nhiên, điều kiện duy nhất để áp dụng biện pháp điều trị này là người nghiện phải tự nguyện và mong muốn bỏ ma túy. Nhiều trường hợp dù đã cắt cơn, cai nghiện thành công ở cơ sở y tế, nhưng khi quay trở lại cộng đồng, do không vượt qua được cám dỗ vẫn tái nghiện và phải mất rất nhiều thời gian điều trị tiếp.

Theo Zing

Chủ đề khác