VnReview
Hà Nội

Chúng ta có còn cần đến Liên Hiệp Quốc không?

Phiên họp lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 18/9 đến ngày 5/10 tại Mahattan sẽ đưa ra nhiều vấn đề nổi cộm và thảo luận những quyết định ảnh hưởng đến toàn cầu.

Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần thứ 73 (UNGA — United Nations General Assembly) đã trở lại tại thành phố New York. Từ 18/9 đến 5/10, các nhà lãnh đạo trên thế giới, các nhà hảo tâm, nhà hoạt động xã hội và những người có tầm ảnh hưởng sẽ tề tựu quanh trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Mahattan để quyết định số phận phần còn lại của thế giới, ít nhất về mặt lý thuyết là như vậy.

Donald Trump mô tả về Liên Hiệp Quốc "chỉ là một câu lạc bộ để mọi người gặp gỡ và giao lưu vui vẻ." Tại UNGA, điều này cũng có phần đúng - rất nhiều những bữa sáng, trưa, tối trong tuần họp, các bài thuyết trình, những cuộc tranh luận, gala và các buổi lễ trao giải sẽ không tạo ra nhiều thay đổi hữu hình hay cải thiện được thế giới này. Sự cống hiến của Liên Hiệp Quốc thể hiện sâu sắc qua những bài phát biểu, thông báo, nhưng khả năng thực thi của họ thì lại rất hạn chế.

Được thành lập năm 1942, mục tiêu của Liên Hiệp Quốc vẫn phù hợp với thực tế ngày nay: hòa bình thế giới, tình hữu nghị giữa các quốc gia thành viên, phát triển và bảo vệ nhân quyền. Nhưng Liên Hiệp Quốc cũng là một bộ máy cũ kỹ mang tầm vóc toàn cầu, quan liêu và ảm đạm, nơi các chính trị gia, giới truyền thông, và chính nhân viên của nó đã chỉ trích là tốn kém và không hiệu quả (thuế toàn cầu đóng góp cho Liên Hiệp Quốc được điều chỉnh 13 tỷ USD mỗi năm). Các nước nhỏ thành viên cũng nói rằng Liên Hiệp Quốc phụ thuộc quá nhiều vào tiền tại trợ từ các nước lớn để đưa ra quyết định công bằng cho tất cả. Năm nay, nhiều quốc gia từ nước nhỏ Myanmar cho đến cường quốc như Mỹ đã từ chối dứt khoát quyền hạn của Liên Hiệp Quốc.

Khi chủ nghĩa hoài nghi đang dần bao vây lấy bộ máy đắt đỏ 76 tuổi này, và những vị thủ lĩnh như thủ tướng Đức Angela Merkel, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Canada Justin Trudeau đang bỏ qua Đại hội đồng, câu hỏi đặt ra là: Chúng ta liệu có còn cần đến Liên Hiệp Quốc?

Có hai Liên Hiệp Quốc

Điều đầu tiên, bạn cần biết là không chỉ có một Liên Hiệp Quốc, ít nhất là hai. Một là đấu trường ngoại giao cấp cao, không gian để các nhà lãnh đạo thế giới thảo luận và bảo vệ quan điểm, đưa ra những quyết định liên quan đến xung đột, gìn giữ hòa bình hay trừng phạt. Loại thứ hai là cỗ máy lớn nhất thế giới, sử dụng hàng chục nghìn người lao động nhằm cải thiện phúc lợi của trẻ em, hỗ trợ người tị nạn, sức khỏe toàn cầu và vô số các trường hợp khác.

Về mặt chính trị, giới hạn lớn nhất đối với hiệu quả của Liên Hiệp Quốc là sự mất cân bằng quyền lực giữa các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An (bao gồm Anh, Mỹ, Trung Quốc, Nga, Pháp) và các nước thành viên còn lại. Thành viên của Hội đồng Bảo An có thể phủ quyết bất cứ quyết định về bất cứ điều gì, từ các lệnh trừng phạt cho đến công tác gìn giữ hòa bình, đồng thời, bảo vệ bản thân và các đồng minh khỏi sự giám sát của Liên Hiệp Quốc.

Chẳng hạn, Hội đồng Bảo An chưa bao giờ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc, mặc dù quốc gia này đã có không ít những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và giam giữ trái luật hàng triệu công dân Hồi giáo. Liên Hiệp Quốc chỉ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt nếu Trung Quốc cũng bỏ phiếu áp đặt lên chính họ. Tương tự như vậy, đề xuất của Liên Hiệp Quốc can thiệp vào Syria năm 2014 đã bị Nga, vốn rất thân với chế độ Assad, phủ quyết.

Các nước giàu cũng có quyền thương lượng nhiều hơn, vì những đóng góp tài chính cho Liên Hiệp Quốc được thực hiện theo GDP của từng nước thành viên tham gia và các biện pháp khác như ghi nợ. Mỹ hiện đang là nhà tài trợ lớn nhất của Liên Hiệp Quốc, hỗ trợ 22% ngân sách chính và 25% ngân sách gìn giữ hòa bình. Nếu triển khai, những đe dọa gần đây của Trum nhằm cắt giảm sự có mặt của Mỹ, đồng thời, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, John Bolton, cam kết xóa bỏ Văn phòng Cao ủy Nhân quyền sẽ khiến cho tổ chức gần như không thể tiếp tục được công việc của họ.

Điều này có nghĩa là sở thích chính trị các nước đôi khi có thể đe dọa đến hoạt động của Liên Hiệp Quốc và gây quỹ theo cách đó tác động tiêu cực đến phần dân số dễ bị tổn thương. Ví dụ, chính quyền Trump gần đây đã cắt giảm ngân quỹ từ Chương trình Hỗ trợ người tị nạn Palestine ở Cận Đông (UNRWA), chương trình này vận hành hoạt động các trường học và phòng khám sức khỏe cùng các dịch vụ thiết yếu. Tương tự, Ngoại trưởng Italia, Matteo Salvini từng đe dọa cắt giảm tất cả ngân sách (liên quan đến Italia) tại Liên Hiệp Quốc sau khi tổ chức này cử các điều tra viên tiến hành đánh giá bạo lực đối với người di cư trong nước.

Về mặt nội bộ, bộ máy quan liêu của Liên Hiệp Quốc cũng làm giảm những nỗ lực của họ. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều cơ quan đơn vị có cùng mục tiêu hành động; các sáng kiến mới phải trải qua nhiều vòng hồ sơ với thủ tục giấy tờ phức tạp; việc phân cấp quản lý có thể gây cản trở cả về kết quả đạt được lẫn trách nhiệm giải trình.

Như vẫn thường xảy ra với các bộ máy quan liêu, hệ thống quy tắc nặng nề được thiết lập nhằm đảm bảo tính công bằng, chống lạm dụng chức quyền và ngăn chặn tham nhũng – nhưng nó lại đồng thời bảo vệ và trao quyền lại cho một số người biết cách điều hướng các nghi thức ngoại giao. Rất khó để xử phạt Các quan chức chính thức của Liên Hiệp Quốc, trong khi đó, những nhân viên hợp đồng ngắn hạn thì lại nhận được ít sự bảo đảm an toàn trong công việc. Điều này góp phần tạo nên một nền văn hóa không chịu trách nhiệm trước những sai lầm, quấy rối và lạm dụng quyền lực. Thông tin được chuyển qua lại mà không có giải pháp nào được đưa ra. Chỉ tính riêng trong năm 2016, đã có hơn 300 vụ bạo lực được báo cáo bởi các nhân viên gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc chống lại những người yếu thế.

Đầu năm nay, sau nhiều vụ bê bối lạm dụng tình dục, Tổng thư ký António Guterres và quan chức nhân quyền cấp cao, Michelle Bachelet đã công bố bản kế hoạch cải cách. Những thay đổi được đề xuất thiết kế nhằm đưa ra phương án giải trình tốt hơn, đồng thời cung cấp thêm sự bảo đảm cho người tố cáo.

Liên Hiệp Quốc làm tốt điều gì

Tất nhiên, sự vận động chính trị không ngừng nghỉ và thói quan liêu không hoàn toàn ngăn cản được Liên Hiệp Quốc thực hiện công việc của mình. Nhiều cơ quan và chương trình của Liên Hiệp Quốc vẫn quản lý để hoàn thành công việc thúc đẩy và điều phối phát triển quốc tế.

Năm 2000, Tổng thư ký Kofi Annan đã đưa ra các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ. Chương trình đã đạt được những kết quả đáng chú ý trên toàn cầu, giúp giảm một nửa tình trạng đói nghèo cùng cực, giảm tỷ lệ tử vong ở mẹ và trẻ em. Nó đã được mở rộng thành một chương trình mới: 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDG), chú trọng giải quyết các vấn đề như phòng chống dịch bệnh, giáo dục và bình đẳng giới. Những mục tiêu này nhận được sự hỗ trợ của tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc, và đưa ra một tầm nhìn chung về cách thế giới nên cải thiện vào năm 2030.

John Weiss, giáo sư lịch sử trường đại học Cornell, lập luận rằng Liên Hiệp Quốc vẫn có sức mạnh để hoàn thành công việc thông qua công tác "ngoại giao cổ điển" (good old diplomacy). Trong khi Liên Hiệp Quốc có thể không bao giờ vượt qua được những quyết định phủ quyết của Trung Quốc hoặc các thành viên khác của Hội đồng Bảo An về các nghị quyết nhắm tới họ hoặc các nước đồng minh, nó vẫn có thể giúp nâng cao nhận thức dư luận về những hành vi xấu xa.

Quay lại ví dụ về Trung Quốc: Trong khi các lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc chưa bao giờ được áp dụng, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã công khai lên án cuộc đàn áp bạo động của Bắc Kinh vào năm 1989, thu hút sự chú ý của quốc tế. Điều này cuối cùng đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt cá nhân từ Mỹ và các lệnh cấm vận từ các quốc gia Liên minh châu Âu.

Thậm chí ngay cả khi không thể thực thi các nghị quyết về nhân quyền, việc thu thập dữ liệu của Liên Hiệp Quốc cũng giúp các quốc gia thành viên đưa ra được các chính sách phù hợp. "Nếu chúng ta kỳ vọng Liên Hiệp Quốc là cảnh sát trưởng của thế giới này, chúng ta sẽ phải thất vọng. Nhưng Liên Hiệp Quốc đang thực hiện tốt việc quan trọng là thu thập thông tin đáng tin cậy, tiến hành điều tra, và sau đó yêu cầu trách nhiệm giải trình", Jacqueline Bhabha, giáo sư Thực hành Y tế và Nhân quyền tại Đại học Harvard, nói với Quartz.

Có lẽ quan trọng nhất, mọi người trên thế giới dường như vẫn muốn có một tổ chức dành riêng cho hòa bình và sức khỏe toàn cầu. Mặc dù Liên Hiệp Quốc nhận được nhiều lời chỉ trích phê bình, nhưng cũng có rất nhiều ý kiến ủng hộ: Ngay tại Mỹ, một trong những quốc gia có sự đồng thuận thấp nhất về Liên Hiệp Quốc, khảo sát cho thấy 55% công dân trong khoảng 17 đến 35 tin vào tầm quan trọng của phối hợp hợp tác quốc tế.

Trớ trêu thay, mất đi sự hỗ trợ tài chính của Mỹ (như Donald Trump đã nhiều lần đe dọa) lại có thể tăng cường uy tín của Liên Hiệp Quốc đối với phần còn lại của thế giới. Như Weiss đã chỉ ra, mặc dù tổn thất về tài chính sẽ hạn chế các hoạt động của Liên Hiệp Quốc, nhưng đây sẽ là cơ hội để cải tổ tổ chức, giúp nó đại diện cho các quốc gia thành viên một cách dân chủ hơn.

Shirley

Chủ đề khác