VnReview
Hà Nội

Tại sao vị vua đại diện cho quân Cơ trong bộ bài "tú lơ khơ" lại là người duy nhất không có râu?

Bí ẩn về nguyên nhân khiến vị vua đại diện quân Cơ trong bộ bài Tây là ông vua duy nhất không có râu chắc chắn sẽ khiến bạn không khỏi bất ngờ.

Chắc hẳn nhiều người đã quen với bộ bài Tây (tú lơ khơ) từ khi còn nhỏ. Chúng xuất hiện ở nhiều nơi và trong mọi nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên có rất nhiều chi tiết trên bộ bài Tây đó mà chúng ta ít khi để ý.

Bạn có bao giờ thắc mắc rằng tại sao vị vua trong quân Cơ của bộ bài Tây tại sao là quân duy nhất không có ria mép không? Hay tại sao ông ta lại cầm dao đâm vào đầu và rồi cách vẽ trên xuất phát từ đâu?

Theo Technology, mặc dù bài có nguồn gốc do người Trung Quốc cổ đại phát minh ra. Nhưng nó đã nhanh chóng theo con đường tơ lụa tới Ba Tư rồi sau đó là châu Âu. Ban đầu trò chơi liên quan đến các lá bài có tên gọi Ganjifa. Trò chơi sử dụng thẻ bài nhiều màu sắc với những con số khác nhau. Ganjifa thường được chơi chủ yếu tại Ba Tư và Ấn Độ.

Trong thực tế, lá bài vua là quân lâu đời nhất trong bộ bài Tây. Cũng bởi vậy mà nó đã trải qua một quá trình dài thay đổi về hình vẽ lẫn cách thể hiện.

Vị vua đại diện cho quân Cơ là ông vua duy nhất không có râu trong bộ bài Tây

Đã từng có một thời gian dài, các vị vua trong bộ bài của châu Âu ở tư thế ngồi nhưng tới thế kỷ 15, các vị vua lại chuyển sang tư thế đứng trong bộ bài của người Tây Ban Nha. Nước Pháp sau đó sử dụng lại thiết kế của người Tây Ban Nha một thời gian dài trước khi phát minh ra cách thiết kế của riêng mình vào cuối thế kỷ 15.

Nước Anh cũng sử dụng bộ bài của nước Pháp thông qua giao thương và nhập khẩu từ tỉnh Rouen, Pháp. Nhưng tới thế kỷ 17, việc nhập khẩu bài đã bị cấm. Sự phổ biến của bài Pháp dần dần lan ra khắp thế giới thông qua các thuộc địa lúc bấy giờ của Đế quốc Anh ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ.

Đó là lý do tại sao cho đến nay bộ bài Tây của Pháp vẫn là phổ biến nhất trên thế giới. Tất nhiên các quốc gia khác vẫn có cách thiết kế quân bài khác nhau. Ví dụ như trong các lá bài của Nga, tất cả các vị vua đều có ria mép và không ai tự sát cả.

Nguyên nhân nào khiến vị vua đại diện cho quân Cơ không có râu?

Quay trở lại với câu hỏi ban đầu về lý do tại sao vị vua trong quân Cơ của bộ bài Tây lại là người duy nhất không có ria mép. Trước hết hãy cùng tìm hiểu vị vua đó là ai và chân dung của ông như thế nào.

Vào thế kỷ 15, những người chế tạo bộ bài Tây ở Pháp đã sử dụng hình ảnh nhân vật lịch sử để minh họa cho các quân bài. Trong đó vua Charles Đại đế của triều đại La Mã hay Charlemagne (742-814), một trong những vị vua kiệt xuất nhất lịch sử nhân loại, thậm chí tên tuổi của ông còn sánh ngang Alexander Đại đế, đã được chọn in trên quân Cơ của bộ bài Tây.

Chân dung vua vua Charles Đại đế

Thực tế theo các bức chân dung còn để lại của vua Charles Đại đế đã ghi nhận, ông có ria mép. Đặc biệt trong những bản vẽ và điêu khắc lá bài đầu tiên, ông cũng có ria mép. Tuy nhiên vì lý do khách quan mà nó đã dần biến mất theo thời gian.

Thời đó, người ta in hình lá bài bằng cách sử dụng con dấu làm bằng gỗ. Chúng thường được chạm khắc rất tỉ mỉ bằng tay. Nhưng theo thời gian, những con dấu bằng gỗ này dần bị mòn đi và biến mất. Thêm vào đó, bản vẽ ban đầu cũng không còn chính xác như trước. Sau này khi sao chép lại khuôn làm lá bài, các nhà sản xuất đã vô tình bỏ qua chi tiết về ria mép của vua Charles Đại đế.

Đặc biệt chi tiết về vũ khí cầm trên tay vua đã có sự thay đổi rất khác biệt. Ban đầu vua Charles được cho cầm trên tay một cái rìu. Nhưng theo thời gian, nó dần biến đổi trở thành một con dao găm lúc nào không hay.

Thiết kế quân Cơ trong bộ bài Tây đã thay đổi theo thời gian

Mặc dù vậy vẫn có một giả thuyết khác cho rằng, người thợ làm khuôn gỗ khắc hình ảnh vua Charles đã vô tình bị trượt tay, dẫn tới bộ ria mép bị biến mất.

Bài Tây là một trò tiêu khiển rất thú vị và nó cũng đã trở thành một biểu tượng văn hóa tại nhiều quốc gia. Còn rất nhiều bí ẩn thú vị khác liên quan đến bộ bài Tây mà bạn vẫn chơi ngày nay. Nhưng mới chỉ có một số ít được giải thích cặn kẽ do lỗi liên quan đến quá trính sản xuất.

Mai Huyền

Chủ đề khác