VnReview
Hà Nội

Hơn 5.000 người vẫn mất tích sau thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng ở Indonesia

Các quan chức Indonesia đang lo ngại có ít nhất 5.000 người nữa vẫn đang mất tích sau trận động đất và sóng thần khiến 1.763 người tử vong và tàn phá hòn đảo phía bắc Sulawesi tối 28/9 vừa qua.

Hôm qua (7/10), các quan chức Indonesia đã cập nhật con số thương vong. Cơ quan thiên tai của Indonesia tuyên bố việc tìm kiếm những người sống sót sẽ kết thúc vào thứ Năm (11/10), dù lo sợ vẫn còn nhiều người bị chôn vùi dưới đống đổ nát và bùn đất.

Hàng ngàn người vẫn còn mất tích được cho là đến từ các thị trấn Baleroa và Petobo, bị cuốn trôi sau trận động đất mạnh 7,5 độ richter và sóng thần. Các quan chức quốc gia này đang xem xét làm mộ tập thể vì thiệt hại quá nặng nề.

Theo nhiều nguồn tin, việc sử dụng máy móc hạng nặng vẫn không khả thi do một quá trình gọi là "đất hóa lỏng";đã biến khu vực thành nhiều lớp đất mềm gây sụt lún.

Nhiều người tử vong đã phải chôn trong các ngôi mộ tập thể vì số lượng nạn nhân quá lớn. Các quan chức tỏ ra lo lắng việc chậm chôn cất thi thể sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng sức khỏe mới.

Rất nhiều các gia đình đã phải tìm kiếm người thân qua những túi đựng thi thể. Đa số những người hiện đang mất tích đều được coi là đã thiệt mạng, bởi đã 2 tuần kể từ khi thảm họa xảy ra. Theo đó, quan chức Indonesia cho biết những nỗ lực cứu hộ bây giờ sẽ tập trung vào cung cấp viện trợ và cứu trợ cho những người sống sót của các khu vực bị ảnh hưởng.

62.000 người vẫn còn phải sơ tán và sống tạm bợ, số lượng đồ viện trợ vẫn còn quá ít và đến quá chậm.

Các báo cáo cho thấy hệ thống cảnh báo phát hiện sớm của Indonesia đã không hoạt động trước khi sóng thần xảy ra. Trong khi đó, giới chức Indonesia khẳng định với hãng tin BBC rằng một mạng lưới gồm hơn 20 đơn vị chuyên trách nghiên cứu và phát hiện các biến động, được kết nối với các cảm biến dưới nước để truyền các cảnh báo sóng thần tới cơ quan địa vật lý khí tượng Indonesia đã bị hư hại hoặc bị đánh cắp. Hệ thống này đã không hoạt động từ năm 2012, và tình trạng thiếu kinh phí đã khiến chúng không được sửa chữa kịp thời.

"Nếu nhìn vào kinh phí, chỉ thấy ngân sách cho hoạt động này đã giảm đi mỗi năm", phát ngôn viên của cơ quan thiên tai Sutopo nói với truyền thông địa phương.

Trên thực tế, cơ quan nghiên cứu vẫn phát ra cảnh báo sóng thần, song cảnh báo dường như đã đánh giá quá thấp quy mô của thảm họa. Cơ quan địa vật lý của Indonesia cảnh báo về một cơn sóng thần cao gần 10 feet (trên 3 mét), nhưng lại dỡ bỏ cảnh báo ngay sau khi ban hành.

Hoàng Lan

Chủ đề khác