VnReview
Hà Nội

MacBook 2021 sẽ ra sao: không bàn phím, cũng chẳng có chip Intel

Hãy tưởng tượng đây là năm 2021, chúng ta đang sử dụng chiếc iPhone X2 (đọc là iPhone 12), và Apple vừa tung ra một chiếc MacBook mới. Nó sẽ trông ra sao? Liệu nó có gì độc đáo khác biệt với các laptop khác trên thị trường?

Nếu bạn thường xuyên theo dõi các tin đồn và thông tin về các bằng sáng chế của Apple, bạn hẳn biết rằng hãng đang ấp ủ một dự án gì đó lớn hơn rất nhiều so với chiếc MacBook Air vừa ra mắt. Đằng sau cánh cửa khép hờ đó, Apple đang phát triển một chiếc laptop mới đầy bí ẩn với tên mã nội bộ "Project Star". Gọi nó là "chiếc MacBook tiếp theo" có vẻ không đúng lắm, bởi nhiều báo cáo cho thấy nó là một "dòng thiết bị mới" tách biệt với các nhãn hiệu sản phẩm hiện tại.

Dưới đây, VnReview sẽ tổng hợp mọi tin đồn, bằng sáng chế, và giúp bạn hình dung ra chiếc MacBook 2021 sẽ trông như thế nào. Nhưng hãy chú ý, bài viết này chỉ mang tính phỏng đoán thôi nhé, bởi như đã nói ở trên, tất cả thông tin về chiếc MacBook mới đều dừng lại ở mức "tin đồn".;

Touch Bar sẽ nuốt trọn bàn phím vật lý

Khi mở chiếc MacBook 2021 lần đầu tiên, bạn sẽ chú ý một vài thứ lạ lẫm. Nó không hề có phím bấm. Nằm ở vị trí bàn phím và trackpad cổ điển là một màn hình đen. Bạn sẽ lập tức lo lắng nhìn chằm chằm vào khoảng không tối mù đó và tự hỏi "làm thế quái nào để gõ chữ đây?". Màn hình này về cơ bản chính là dải màn hình OLED mang tên "Touch Bar" vốn nằm trên đỉnh bàn phím MacBook Pro hiện tại, nay đã kéo dài và chiếm luôn cả phần bàn phím bên dưới. Bạn có thể không thích Touch Bar như bao người khác, nhưng nay nó lại là một trong những thay đổi lớn nhất mang tính cách mạng trên MacBook.

Khi bắt đầu hoàn hồn, bạn sẽ thấy việc thiếu vắng bàn phím hoá ra không đáng ngạc nhiên như suy nghĩ ban đầu. Gần đây, một loạt các thiết bị mới đã xuất hiện, từ Lenovo Yoga Book đến Asus Project Precog, đều tìm nhiều cách khác nhau để cắt bớt bàn phím. Chiếc laptop trước đây của bạn, MacBook Pro đời 2016 đến nay, cũng đã có một bàn phím mà khi nhấn xuống hầu như chẳng mang lại chút cảm giác vật lý nào!

Ngay khi bạn khởi động máy, các ô vuông nổi sẽ bắt đầu xuất hiện trên màn hình thứ hai, hình thành nên một bàn phím ảo ngay dưới các ngón tay bạn. Khi bạn chạm vào bề mặt kính, bạn sẽ cảm nhận được những cú rung ở đầu mỗi ngón tay. Cảm giác nó mang lại không giống như gõ trên các bàn phím cũ mà bạn vẫn sử dụng trước đây, nhưng bạn vẫn có thể gõ chính xác và thoải mái nhờ hiệu ứng phản hồi rung này. Dù trông như Touch Bar, nhưng bàn phím ảo này mang đến cảm giác phản hồi như trên trackpad của MacBook Pro đời cũ.

Bây giờ bạn mở phần cài đặt của máy (System Preferences), bạn sẽ phát hiện ra rằng mình có thể sắp xếp lại bố cục bàn phím theo ý muốn, bao gồm kích cỡ từng phím bấm và các chức năng được gán cho các ứng dụng nhất định. Bạn mở Mac App Store và thấy nó đầy các ứng dụng đã có trước đó trên iPhone. CEO Tim Cook nói rằng Apple không hứng thú với việc sáp nhập iOS và MacOS, nhưng về khoản phần mềm thì mọi thứ đang diễn ra theo hướng ngược lại. Quá trình này bắt đầu vào năm 2018 khi Apple thay đổi cấu trúc API để giúp các nhà phát triển port ngày càng nhiều ứng dụng iOS lên Mac. Đó chỉ là bước đầu tiên. Còn ở thời điểm mà chúng ta đang tưởng tượng trong bài viết - năm 2021 - cả hai nền tảng đã dùng chung một kiến trúc xương sống rồi.

Bạn tìm cách gập màn hình ra sau, nhưng máy lại chẳng có bản lề 360 độ. Thay vào đó, mọi tương tác trong các ứng dụng trên màn hình phía trên sẽ diễn ra trên màn hình thứ hai. Thái độ khinh bỉ của Steve Jobs đối với các laptop màn hình cảm ứng vẫn được Apple thực hiện nghiêm túc dù đã sang năm 2021!

Bạn cài Photoshop, mở nó lên, và bàn phím ảo biến mất hoàn toàn. Thay vào vị trí của nó là một loạt các nút xoay, vặn, cần gạt, và nút bấm tuỳ biến được thiết kế bởi Adobe. Vì là lần đầu sử dụng nên chiếc MacBook sẽ hướng dẫn bạn sơ qua về bàn phím mới, và bạn biết được rằng hầu hết mọi phím lệnh và nút bấm đã được thay thế bởi các thao tác vuốt, trượt, và chạm. Ban đầu thì khá lạ đấy, nhưng bạn sẽ lập tức chú ý cách mà nội dung mình đang làm việc hay đang xem hiển thị tràn toàn bộ màn hình, giúp bạn tập trung tốt hơn vào công việc.

Khi đã quen với chiếc laptop mới, bạn bắt đầu để ý thấy một số thứ hấp dẫn về nó. Đầu tiên, bạn không thể tải ứng dụng trực tiếp từ Safari. Bạn tìm "Google Chrome" trong khung tìm kiếm, nhưng kết quả đầu tiên lại dẫn về Mac App Store. Sau khi tìm hiểu một chút, bạn nhận ra rằng phiên bản MacOS này không cho phép tải về ứng dụng ngoài Mac App Store!

Chip dòng A của Apple đã được mang từ iPhone lên chiếc MacBook này, và cùng với nó là những giới hạn nhất định về những thứ bạn có thể và không thể cài đặt. Apple luôn muốn kiểm soát nhiều hơn các sản phẩm của mình, và vi xử lý cùng sự lựa chọn ứng dụng là bước tiếp theo của nỗ lực này. Một khi chip ARM T2 được mang lên iMac Pro để hỗ trợ Siri và bảo mật, đó chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi.

Điều thứ hai bạn chú ý là chiếc MacBook mới luôn kết nối với Internet. Nó được tích hợp sẵn 5G LTE, tự động ghép nối với iPhone khi ngoài vùng phủ sóng Wi-Fi. Trong ngày đầu vọc chiếc laptop mới, bạn đã mang nó ra công viên để vừa ăn trưa vừa làm việc, và thậm chí là dùng máy ngay trên xe bus. LTE đã trở nên phổ biến trên laptop nhờ sự ảnh hưởng nhanh chóng của Qualcomm, nhưng cách mà chiếc Mac tự động kết nối thông qua hotspot trên điện thoại của bạn mới thực sự choáng ngợp.

Kết thúc ngày đầu tiên với chiếc MacBook mới, bạn cảm thấy không thể vui vẻ hơn. Thế là bạn quyết định xem Netflix trước khi đi ngủ. Bạn bấm vào tập đầu tiên của phim Stranger Things mùa thứ 5 và rút headphone ra. Ngón tay bạn sờ quanh các viền máy để tìm jack headphone, nhưng chẳng thấy nó đâu. Chiếc máy này chỉ có một cổng USB-C duy nhất!

Bạn quyết định ném chiếc headphone vào một góc và mò mẫm lôi ra cặp AirPods đang nằm trong balo. Có mỗi một bên tai, cái còn lại đâu nhỉ?

Chà...đúng là có một số thứ chẳng bao giờ thay đổi.

Minh.T.T

Chủ đề khác