VnReview
Hà Nội

Thung lũng Silicon kiểu Trung Quốc - làm việc điên cuồng và nhiều camera

Các công ty công nghệ tại Trung Quốc có thời gian làm việc từ 9-21h và điều đó diễn ra liên tục 6 ngày một tuần.

Một giám đốc công nghệ người Trung Quốc nói với New York Times rằng mình thường xuyên làm việc 14-15 giờ mỗi ngày, ít nhất 6 ngày một tuần. Một người khác cũng chia sẻ anh ta gần như làm việc mọi lúc khi thức và đã buộc bản thân phải xem phim để có thể thư giãn.

Khi biết điều này, một nhóm các giám đốc điều hành tại thung lũng Silicon đã thốt lên "wow". "Tại Mỹ, chúng tôi thật lười biếng", Wesley Chan, một nhà đầu tư mạo hiểm đã chia sẻ sau chuyến đi kéo dài một tuần tới thăm giới công nghệ tại Trung Quốc.

Thói quen làm việc không phải khác biệt duy nhất giữa những công ty ở thung lũng Silicon và ở Trung Quốc. Ngành công nghệ tại đây giống như một phiên bản sơ khai của thung lũng Silicon. Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ hơn, nó đang dần phát triển trở thành một nơi bí ẩn, cách biệt với thế giới bên ngoài.

Họ khám phá ra rằng những giám đốc công nghệ Trung Quốc có thể làm bất cứ điều gì để giành phần thắng. Tuy nhiên, những người này không có được tiếng nói riêng và sức ảnh hưởng trong xã hội. Thêm vào đó, công nghệ họ phát triển đang được chính phủ sử dụng vào một số mục đích riêng như giám sát, kiểm duyệt.

Tốc độ phát triển đáng kinh ngạc và thời gian làm việc điên rồ

Khoảng;tháng 8, ông Chan, Goldberg và 11 nhà đầu tư khác từ thung lũng Silicon đã có chuyến đi đến Bắc Kinh và Thâm Quyến, hai thành phố đang cạnh tranh danh hiệu "thung lũng Silicon" của Trung Quốc. Trên thực tế, cuộc đua tranh này được tổ chức với mục đích giúp nhà đầu tư hiểu hơn về cách các công ty Trung Quốc phát triển trong hai thập kỷ qua.

Xiaoyu Zaijia, robot trợ lý gia đình tích hợp AI mà Sinovation Ventures đang đầu tư và cụm camera do Face++ sản xuất.

Trung Quốc từng được xem như bản sao của thung lũng Silicon nhưng giờ đây nó đã có một số công ty Internet lớn và mạnh nhất thế giới. Thậm chí, nơi đây có nhiều công ty trị giá 1 tỷ USD hơn so với Mỹ. 

Khi các thành viên trong nhóm bước vào một phòng tại khách sạn Park Hyatt ở khu trung tâm thương mại của Bắc Kinh, họ nhận được mảnh giấy ghi rõ một số trang web không thể truy cập "do các quy định về kiểm duyệt Internet của Trung Quốc" bao gồm Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, Google, Bloomberg và New York Times.

Các hình thức thanh toán trực tuyến cũng được triển khai phổ biến ở nhiều thành phố lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo The New York Times, công nghệ này cũng đang được sử dụng cho mục đích lấy dữ liệu người dùng. Việc thiết lập tài khoản thanh toán sẽ yêu cầu số điện thoại di động nội địa và tài khoản ngân hàng ở Trung Quốc.

"Internet tại Trung Quốc là một khu vườn có tường bao quanh," ông Chan nói. "Không ai có thể đột nhập vào trong trừ khi bạn ở đây."

Tại khu vườn đó, mọi thứ dường như đang phát triển với tốc độ phi thường. Trong khi các công ty khởi nghiệp ở thung lũng Silicon phải tốn một khoảng thời gian trung bình 18 - 24 tháng để huy động vốn, các công ty Trung Quốc hoàn thành việc đó chỉ sau 6 tháng.

"Mỗi khi đến Mỹ, tôi nhận thấy mình cần phải phát triển nhanh hơn gấp 10 lần", Alexander Weidauer, người sáng lập của một công ty phát triển trí tuệ nhân tạo tại Berlin cho biết. "Bây giờ tôi cảm thấy mình cần phải phát triển nhanh gấp 100 lần. Tốc độ ở Trung Quốc thật điên rồ".

Các công ty Trung Quốc cũng có nhiều lợi thế hơn khi phát triển trí tuệ nhân tạo. Với dân số lớn và sự quản lý lỏng lẻo về quyền riêng tư, những công ty này có thể truy cập vào nhiều dữ liệu hơn, đồng thời họ cũng nhận được sự hỗ trợ từ chính phủ.

Máy tự phục vụ dùng camera để nhận diện các loại thức ăn.

Những người đến từ thung lũng Silicon được giới thiệu một khái niệm của các công ty khởi nghiệp tại Trung Quốc là 996. Thuật ngữ này ám chỉ thời gian làm việc điên rồ của con người nơi đây, nó diễn ra từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối và kéo dài liên tục 6 ngày mỗi tuần.

"Tôi không lo lắng nhiều khi các công ty mà tôi đầu tư không làm việc chăm chỉ như các công ty Trung Quốc", ông Chan nói. "Tôi chỉ lo lắng khi họ kém sáng tạo và làm việc kém hiệu quả".

Một số công ty công nghệ Trung Quốc khác cũng đang cố gắng học theo các doanh nghiệp ở thung lũng Silicon với việc thiết kế khuôn viên nhiều màu sắc, có trang bị phòng ăn, phòng tập thể dục và phòng ngủ.

Tuy nhiên, đó chỉ là hình thức bên ngoài, điểm cốt lõi nằm ở phong cách quản lý của họ vẫn rất áp đặt. Không giống như ở thung lũng Silicon, những công ty nhỏ tại đây có ít cơ hội hơn để bắt đầu một cái gì đó mới mẻ.

Camera giám sát xuất hiện mọi nơi

Một vấn đề khác là sự giám sát. Các công ty Trung Quốc không có nhiều lựa chọn và một trong số chúng là hợp tác với chính quyền Bắc Kinh để theo dõi cuộc sống hàng ngày của chính những người ở đó.

Camera giám sát xuất hiện ở mọi nơi.

Nhóm các giám đốc từ thung lũng Silicon cho biết họ không muốn công nghệ nhận dạng khuôn mặt được áp dụng rộng rãi trong đời sống tại Trung Quốc như hiện nay.

Những công ty mà nhóm đến thăm đều trang bị camera trên lối vào văn phòng và các quầy bán lẻ bên trong. Hệ thống giám sát này cũng được cảnh sát Trung Quốc sử dụng để theo dõi nghi phạm.

Sau khi hiểu được mức độ phổ biến của camera giám sát, họ bắt đầu quan sát và bắt gặp chúng nhiều hơn. Thậm chí, ngay cả chiếc xe họ thuê từ khách sạn ở Thâm Quyến cũng có một số camera được cài đặt sẵn, chúng thường xuyên nhấp nháy để gửi các thông báo về vị trí của họ. Tuy nhiên, giống như nhiều người ở Trung Quốc, sau một khoảng thời gian họ đã quen với điều này như thể những chiếc máy ảnh không còn tồn tại.

Theo Zing

Chủ đề khác