VnReview
Hà Nội

Chiều nay, Bộ TT&TT sẽ họp báo công bố chuyển mạng giữ nguyên số từ 16/11/2018

Chiều nay, 13/11/2018, Bộ TT&TT sẽ họp báo công bố chuyển mạng giữ nguyên số từ 16/11/2018. Chính sách này đã được rất nhiều nước trên thế giới áp dụng để thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường viễn thông và bảo vệ người dùng.

Hiện các mạng di động lớn đều tuyên bố đã sẵn sàng chuyển mạng giữ nguyên số.

Cục Viễn thông cho biết, từ 16/11/2018 các nhà mạng sẽ chính thức cung cấp dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số. Trước mắt, các nhà mạng cung cấp dịch vụ này cho thuê bao trả sau. Sau đó, tiến đến cung cấp dịch vụ cho các thuê bao trả trước.;Như vậy, kể từ ngày 16/11/2018, thuê bao VinaPhone, Viettel và MobiFone sẽ chính thức được chuyển mạng giữ nguyên số. 

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải nhấn mạnh đây là chính sách bắt buộc để thúc đẩy cạnh tranh, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp viễn thông và đảm bảo quyền lợi của người dùng dịch vụ. Do đó, Thứ trưởng khẳng định quan điểm của Bộ là phải kiên quyết triển khai vì đã muộn hơn so với nhiều nước. "Chỉ cần 2 doanh nghiệp cũng thực hiện chứ không phải đợi đủ 5 doanh nghiệp. Doanh nghiệp nào chưa kịp triển khai ngay có thể làm đề xuất báo cáo", Thứ trưởng nói.

Cục Viễn thông cho biết, trong bối cảnh thị trường viễn thông di động tại Việt Nam phát triển mạnh mẽ, trên cơ sở tiếp thu khuyến nghị từ các tổ chức viễn thông thế giới mà Việt Nam là thành viên và đặc biệt là việc đàm phán ký kết hiệp định TPP sắp đi đến hồi kết, Bộ TT&TT đã chỉ đạo Cục Viễn thông và các doanh nghiệp viễn thông di động phối hợp, tổ chức triển khai Đề án Chuyển mạng giữ nguyên số để sớm cung cấp dịch vụ này cho người dân.

Khi triển khai chuyển mạng giữ nguyên số sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường: thứ nhất, đem lại quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ có chất lượng dịch vụ và lợi ích phù hợp hơn cho khách hàng; người sử dụng khi đã giữ các mối liên hệ thông qua số điện thoại di động của mình sẽ có tâm lý ngại thay đổi số điện thoại khi chất lượng dịch vụ, chất lượng chăm sóc khách hàng, các dịch vụ gia tăng chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của mình; dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số là giải pháp duy nhất khắc phục những trở ngại này và ngày càng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người sử dụng.

Trước đó, Cục Viễn thông cho rằng, chuyển mạng giữ nguyên số sẽ thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường viễn thông, bảo vệ người dùng. Khi dịch vụ chuyển mạng giữ nguyên số được triển khai sẽ khiến các nhà mạng đứng trước nguy cơ bị mất thuê bao vào tay đối thủ nếu chất lượng dịch vụ họ cung cấp không đảm bảo hoặc chỉ chất lượng dịch vụ không phù hợp với nhu cầu của người dùng. Ví dụ, người di chuyển hay phải đi công tác ở các tỉnh sẽ ưu tiên chọn mạng có vùng phủ sóng rộng; khi người dùng hay phải sử dụng thiết bị cầm tay thông minh vào mạng sẽ chọn nhà mạng có chất lượng dịch vụ truy cập Internet tốt. Điều này khiến các nhà cung cấp dịch vụ phải đưa tiêu chí chất lượng và công tác chăm sóc khách hàng lên hàng đầu, họ phải thực sự đầu tư thiết bị, cải tiến công nghệ để cải thiện chất lượng, đa dạng hóa dịch vụ cung cấp, liên tục đưa ra các thông báo, số liệu chứng minh chỉ tiêu kỹ thuật mạng lưới của mình đạt và vượt mức quy chuẩn, thông qua đó chứng minh được dịch vụ do họ cung cấp có chất lượng cao. Như vậy, người được hưởng lợi chính là các thuê bao di động, họ được sử dụng dịch vụ với chất lượng tốt hơn, phù hợp hơn với nhu cầu của mình.

Hiện các mạng di động lớn đều tuyên bố sẵn sàng chuyển mạng giữ nguyên số. Còn những mạng di động nhỏ tham gia chậm hơn như Vietnamobile sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2019 hoặc chưa tuyên bố tham gia chính sách này như Gmobile.

Thật ra không phải thời điểm này, Gmobile mới tuyên bố không tham gia chuyển mạng giữ nguyên số mà ngay từ cuối năm 2017 nhà mạng này cũng tuyên bố như vậy. Để thực hiện chuyển mạng giữ nguyên số, các nhà mạng phải đầu tư hệ thống này. Nhưng đây không phải nguyên nhân chính dẫn đến việc các nhà mạng nhỏ như Gmobile  trì hoãn việc áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số mà Bộ TT&TT đưa ra để thúc đẩy cạnh tranh trong một thị trường việc phát triển thuê bao mới ở mức bão hòa.

Tại cuộc họp giữa các nhà mạng với Bộ TT&TT để bàn lộ trình thực hiện chính sách chuyển mạng giữ nguyên số từ năm 2014, Gtel và Vietnamobile đã muốn lùi thời hạn áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số. Theo Đề án triển khai dịch vụ chuyển mạng thông tin di động giữ nguyên số thuê bao tại Việt Nam ở thời điểm đó, Bộ TT&TT muốn chính sách này được áp dụng từ ngày 1/1/2017 các thuê bao di động ở Việt Nam sẽ được phép chuyển đổi dịch vụ từ nhà mạng này sang dùng dịch vụ của nhà mạng khác nhưng vẫn được giữ nguyên số thuê bao đang dùng.

Trên thực tế, những nhà mạng có lợi thế để áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số gồm 3 yếu tố chính là hạ tầng, giá cước và chăm sóc khách hàng. Thế nhưng, những nhà mạng nhỏ thì chỉ có được chính sách về giá cước trong khi gặp khó khăn lớn về yếu tố hạ tầng.

Một chuyên gia viễn thông cho hay: "Việc đầu tư cho hệ thống chuyển mạng giữ nguyên số cũng là một khó khăn cho các nhà mạng nhỏ trong bối cảnh cách nhà mạng này vẫn khá chật vật tại thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, đây không phải nguyên nhân chính dẫn đến việc các nhà mạng nhỏ chưa tham gia áp dụng chính sách này, mà có lẽ họ lo ngại thuê bao của họ sẽ chuyển sang các nhà mạng lớn khi tham gia cuộc chơi này".

Một nhà mạng lớn cho ICTnews hay, thông thường trên thế giới số lượng thuê bao nhảy mạng khi áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số khoảng 8%. Lãnh đạo nhà mạng này cũng khẳng định "cuộc chơi" chuyển mạng giữ nguyên số tới đây nhà mạng nhỏ không có nhiều lợi thế. Vì vậy, việc các nhà mạng nhỏ chưa áp dụng chính sách này cũng là điều dễ hiểu.

Theo ICTnews

Chủ đề khác