VnReview
Hà Nội

30 tuổi mà vẫn "ế", đó không phải là xui xẻo, mà là một hiện tượng toàn cầu

Tại Indonesia, một quốc gia mà hôn nhân gần như là điều bắt buộc, nơi chỉ 2% phụ nữ ngoài 40 chưa từng lập gia đình, ngày càng có nhiều phụ nữ trẻ cho biết họ muốn hoàn thành việc học và theo đuổi sự nghiệp trước khi yên bề gia thất.

Nhà nghiên cứu Nancy Smith-Hefner đã để ý thấy xu hướng này trong một buổi nói chuyện với các sinh viên Đại học tại thành phố Yogyakarta, Indonesia. Bà đã bị ấn tượng mạnh khi nghe những nữ sinh viên trải lòng về những vấn đề họ phải đối mặt khi đi theo con đường mình chọn. Những người phụ nữ này đang cố hết sức để lách qua một khe cửa hẹp chất đầy những cơ hội mà đôi lúc dường như bất khả thi. Phải tập trung hết sức vào việc học và làm việc, họ tự hỏi làm thế nào để có thể tìm một đối tác và lập gia đình. Đôi lúc, tình trạng này có thể tiếp diễn, trở thành nguồn cơn của những stress và thất vọng. Họ lo lắng rằng, có phải chỉ mình họ như vậy?

Hóa ra là không. Trên thực tế, những người trẻ tuổi ở Yogyakarta đang trải qua một hiện tượng toàn cầu, diễn ra từ Brooklyn đến Paris, Rwanda đến Nhật Bản. Hiện tượng này được gọi là "thời kỳ chờ đợi" (waithood), và nó có thể dẫn đến một thay đổi cơ bản trong cách chúng ta nghĩ về tình yêu và bạn đời.

Smith-Hefner, một Phó giáo sư ngành Nhân chủng học tại Đại học Boston, đã nghiên cứu về xã hội châu Á trong nhiều năm trời, nhưng khi nói đến waithood, bà mới bắt đầu nhận ra sự tương đồng rõ rệt giữa những người trẻ ở Indonesia - những người thuộc đối tượng nghiên cứu của bà - và những sinh viên trẻ tuổi người Mỹ nơi quê nhà của bà. "Họ đều đang đối mặt với vấn đề tìm một bạn đời" - bà nói.

Một xu hướng đang tăng cao

Marcia Inhorn, một giáo sư ngành Nhân chủng học và Quan hệ quốc tế tại Đại học Yale, đã triệu tập một hội thảo về chủ đề waithood vào tháng 9 vừa qua. Thuật ngữ "thời kỳ chờ đợi" có thể dùng để ám chỉ việc trì hoãn nhiều quyết định khác, ví dụ như dọn ra khỏi nhà bố mẹ, hay bước vào những cạm bẫy khác của tuổi trưởng thành như... vay vốn mua nhà chẳng hạn.

"Một trong nhiều xu hướng toàn cầu được đề cập đến trong các nghiên cứu là sự trì hoãn hôn nhân, đặc biệt trong số những lớp người được giáo dục chu đáo, và đặc biệt là phụ nữ" - bà nói. Xu hướng này xuất hiện trong nhiều nghiên cứu đến từ Jordan, Trung Quốc, Mỹ, Rwanda, và Guatemala - tất nhiên danh sách không chỉ dừng ở đó.

Diane Singerman, phó giáo sư tại Đại học Mỹ, Washington DC, lần đầu đưa ra thuật ngữ "waithood" vào năm 2008 sau khi nghiên cứu về những người trẻ tuổi ở Trung Đông. Theo bà, thuật ngữ này liên quan đến cả hai giới và khởi nguồn từ kinh tế học. Ở nhiều nơi - như Ai Cập, nơi bà thực hiện một vài phần nghiên cứu - hôn nhân đơn giản là quá đắt đỏ đối với những người trẻ, trong khi có con ở nước ngoài vẫn chưa được xã hội chấp nhận. Loại "waithood" này có thể có những tác động mạnh lên các nam thanh niên: sự gia tăng đột biến dân số trẻ tại nhiều phần của thế giới, tỉ lệ thất nghiệp cao, và mức lương thấp, tất cả kết hợp lại, níu giữ đàn ông khỏi các mối quan hệ (đặc biệt tại những nơi có tục lệ của hồi môn rất cao) và ngăn trở việc lập gia đình của họ. Ngay cả ở những nơi họ có thể trở thành những bậc cha mẹ mà không cần một đám cưới đắt đỏ, tỉ lệ sinh sản cũng đang giảm đi: Hy Lạp, Tây Ban Nha, và Pháp đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về khả năng sinh sản xuất phát từ nguyên nhân tuổi tác, một phần vì những người trẻ không thể chi trả cho những nhu cầu của tuổi trưởng thành, như nơi ở của chính mình.

"Tại sao người ta lại lơ là hôn nhân, tại sao độ tuổi kết hôn đang tăng lên, và tại sao lại có hiện tượng trì hoãn sinh con? Có nhiều lý do khác nhau tại nhiều nơi khác nhau, nhưng đó là một xu hướng toàn cầu" - Inhorn nói - "Đặc biệt khi mà phụ nữ ngày nay đang có điều kiện được giáo dục ngày càng tăng trên thế giới và đạt được những thành tựu vượt trội so với các đồng nghiệp nam giới".

Tại nhiều khu vực nơi phụ nữ có thể tiếp nhận những nền giáo dục và theo đuổi sự nghiệp, họ tập trung toàn lực cho điều đó và thường vượt mặt các đồng nghiệp nam. Một tiêu chí quan trọng là việc học Đại học: trên toàn thế giới, phụ nữ đang dần chiếm đa số trong lực lượng sinh viên Đại học, tham gia các trường với số lượng lớn hơn (như ở Thụy Điển), và đạt nhiều bằng cấp hơn (như ở Nam Phi). Dù cả nam giới và nữ giới đều trải nghiệm "waithood", tình trạng độc thân đối với nữ giới áp lực hơn vì những bổn phận sinh học. Hầu hết mọi người trên toàn thế giới muốn có con, và nam giới có thể làm cha khi đã lớn tuổi. Nhưng ngay cả khi nền y học đã tiên tiến, vẫn có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy nữ giới càng lớn tuổi càng gặp nhiều khó khăn khi mang thai.

Trong một nghiên cứu của mình, Inhorn đã tìm hiểu tại sao nữ giới lại đông lạnh trứng của họ. Bà đã trích dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy những phụ nữ được đào tạo bài bản sẽ đạt được những thành tựu vượt trội so với nam giới như thế nào.

Biểu đồ cho thấy % số phụ nữ học tại các bậc học cao hơn Đại học so với nam giới từ năm 2012 - 2016

Nhưng học Đại học không phải là điều duy nhất khiến phụ nữ phải chờ đợi. Một nghiên cứu đa quốc gia mới đây được thực hiện tại vùng châu Phi hạ Sahara đã phát hiện ra rằng, thậm chí khi bản thân những người phụ nữ không nhận được nền tảng giáo dục chính thống, họ cũng sẽ có xu hướng trì hoãn hôn nhân nếu xung quanh họ có nhiều phụ nữ được giáo dục bài bản làm điều đó. Nhiều trong số những người phụ nữ này không chờ đến tận những năm 30 tuổi; nhưng họ đang đi ngược lại với mẫu hình hôn nhân truyền thống ở độ tuổi teen và muốn có được những trải nghiệm cuộc sống trước khi thực hiện những việc theo đúng nghĩa vụ đó.

Trò chơi chờ đợi

Đối với phụ nữ, việc thay đổi hành vi và bổn phận sinh học sẽ dẫn đến sự mất cân bằng vật chất, cảm nhận rõ nhất khi họ sẵn sàng bắt đầu gia đình hoặc không thể làm việc đó. Một phần nguyên do của nó là bởi một số kỳ vọng và hành vi không thay đổi. Từ Indonesia tương đối bảo thủ, chủ yếu theo Đạo Hồi, đến nước Mỹ tự do, người ta thường nghĩ rằng phụ nữ sẽ cưới những người đàn ông có học thức tương đương hoặc cao hơn họ; đàn ông sẽ kiếm được nhiều tiền tương đương hoặc hơn người phụ nữ, và sẽ là người kiếm cơm chính trong gia đình. Điều này không nhất thiết phải đúng, nhưng đã ăn sâu và gắn kết với suy nghĩ truyền thống về nam quyền, rằng người nam giới có trách nhiệm nuôi sống và bảo vệ gia đình, và rất khó để thay đổi suy nghĩ đó (thậm chí người ta còn có một cụm từ để miêu tả điều này: hypergamy).

Dù là bởi chọn lựa, bất khả kháng, hay kết hợp cả hai, ngày càng nhiều phụ nữ được giáo dục bài bản và đầy tham vọng nhận thấy họ không thể tìm thấy người bạn đời mà họ muốn ở thời điểm tìm kiếm. Không phải họ không cố gắng. Nhưng loại đàn ông mà họ tìm kiếm - những người sẵn sàng tham gia vào cuộc sống gia đình, sẵn sàng trợ giúp họ, và có trình độ giáo dục và tham vọng tương đương - đơn giản là không nhiều. Phóng viên Jon Birger - đồng tác giả nghiên cứu về đông lạnh trứng của Inhorn - đã đề cập đến sự chênh lệch trong số những phụ nữ Mỹ trong cuốn sách Date-onomics của mình. Trong tổng thể dân số Mỹ, lần đầu tiên khi nghiên cứu đông lạnh trứng được thực hiện, có khoảng 7,4 triệu phụ nữ được giáo dục Đại học độ tuổi từ 30 đến 39, nhưng chỉ có 6 triệu nam giới có trình độ đại học tương ứng. "Tỉ lệ này là 5:4" - nghiên cứu nêu rõ.

Chờ đợi hay không chờ đợi?

Phụ nữ sẽ làm gì với sự chênh lệch nêu trên?

Nhiều người làm những gì họ có thể. Ở phương Tây, người ta tìm đến hẹn hò qua Internet: vào năm 2016, Trung tâm Nghiên cứu Pew phát hiện ra rằng 15% người trưởng thành Mỹ từng sử dụng các ứng dụng hẹn hò, và việc gặp gỡ trực tuyến từ chỗ chỉ là một hành vi lãng mạn của số ít nay trở thành một trào lưu phổ biến. Ở các quốc gia Hồi giáo như Indonesia, một số nhờ cậy đến những người mai mối, hay các sự kiện được tổ chức nhằm giới thiệu cho người tham gia những bạn đời tiềm năng.

Nhưng một giải pháp lớn hơn để giải quyết vấn đề có lẽ là một sự chuyển dịch ý thức hệ - theo đề xuất của các học giả. Cả phụ nữ lẫn nam giới cần bắt đầu nghĩ thực sự khác biệt về vai trò của cả hai giới và những gì họ muốn từ một cuộc hôn nhân.

Một giải pháp hiển nhiên cho phụ nữ, đàn ông, và cả xã hội xung quanh họ (bao gồm những người có ảnh hưởng như cha mẹ) là chấp nhận việc phụ nữ đang trở thành người lao động chính trong gia đình, Smith-Hefner nói. Một sự thay đổi như vậy có thể bao gồm việc phụ nữ kết hôn với những nam giới trẻ tuổi hơn họ, hoặc những nam giới có trình độ giáo dục thấp hơn. Để điều này có thể thực hiện được, xã hội sẽ cần phải vượt qua định kiến. Nhưng tất nhiên, có nhiều vấn đề khác đáng quan tâm hơn sự đánh giá của xã hội. Người ta ghép cặp với nhau vì rất nhiều lý do, và sẽ cực kỳ khó để thay đổi ai là người bị hấp dẫn đơn giản thông qua nỗ lực hay ý chí.

Và chúng ta cũng phải nói đến "thời kỳ chờ đợi": một giai đoạn lấp lửng, kéo dài, trong đó phụ nữ và đôi lúc là nam giới đặt phần tiếp theo của cuộc đời mình vào trạng thái "chờ" bởi họ không thể tìm thấy đối tác mong muốn, hoặc bị níu kéo bởi những bổn phận về tài chính. Hôn nhân chính thống không phải là cấu trúc duy nhất để có một gia đình, và người ta chắc chắn đang thử nghiệm nhiều phương thức khác nhau để tiến đến giai đoạn tiếp theo của cuộc đời, bao gồm việc chấp nhận không sinh con đẻ cái, hoặc có con và nuôi dưỡng chúng trong những bối cảnh ít truyền thống hơn.

Nhưng cũng có nhiều người muốn, nếu không phải là hôn nhân, thì ít nhất là "một mối quan hệ sinh sản rất an toàn, hết sức cam kết, một vợ một chồng" trước khi mang những đứa trẻ đến với thế giới, Inhorn nói. "Cho đến khi quan điểm đó thay đổi, và cho đến khi người ta cảm thấy an toàn hơn trong việc trở thành cha mẹ đơn thân... Tôi nghĩ vấn đề này sẽ là một vấn đề toàn cầu".

Minh.T.T

Chủ đề khác