VnReview
Hà Nội

Công nghệ mới đe doạ làm 7,5 triệu người Việt trong các lĩnh vực này mất việc

Nếu lực lượng lao động ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng không sớm thay đổi và trang bị cho mình những kỹ năng quan trọng, chính họ có thể bị máy móc và công nghệ "đào thải" khỏi thị trường lao động trong tương lai gần.

Khi công nghệ tự động hóa xuất hiện, các nhà phân tích đã nghi ngờ về khả năng thị trường việc làm sẽ có sự xáo trộn nghiêm trọng. Cụ thể khi công nghệ và máy móc có thể làm thay con người trong một số khâu hoặc thậm chí toàn bộ công việc, sự đóng góp của người lao động dường như trở nên thừa thãi, dẫn tới việc các ông chủ phải cắt giảm nhân lực để tối ưu hóa dây chuyền sản xuất.

Điều này đúng với hầu hết mọi quốc gia và khu vực trên thế giới nhưng với Đông Nam Á, một khu vực vẫn có tỷ trọng nông nghiệp khá lớn thì nguy cơ thất nghiệp do công nghệ và máy móc càng trở nên cao hơn bao giờ hết.

Kênh CNBC của Mỹ trích dẫn dự báo của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) trong vòng 4 năm tới sẽ có khoảng 75 triệu việc làm bị thay thế và 133 triệu việc làm mới được tạo ra trên toàn cầu. Và đó chính là hệ quả của việc áp dụng công nghệ vào mọi dây chuyền sản xuất.

Trong số các khu vực sẽ chứng kiến sự chuyển dịch việc làm mạnh mẽ nhất phải kể đến là Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Một báo cáo mới đây từ công ty nghiên cứu Oxford Economics và công ty công nghệ Mỹ Cisco chỉ ra, sự chuyển đổi việc làm từ thuần tay chân sang áp dụng công nghệ tự động hóa sẽ khiến khoảng 28 triệu nhân viên làm full-time bị mất việc tại 6 nền kinh tế hàng đầu của khu vực này trong thập kỷ tới.

Con số này tương đương với khoảng 10% tổng dân số đang tham gia thị trường lao động ở 6 quốc gia bao gồm: Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Sự chuyển dịch từ công việc tay chân sang tự động hóa là điều cần thiết và nó cũng sẽ tạo ra nhiều ngành nghề mới. Tuy nhiên nó cũng sẽ khiến nhiều người lâm vào cảnh thất nghiệp. Nghiên cứu trên cũng chỉ ra, hiện có khoảng 6,6 triệu lao động tại Đông Nam Á đang thiếu đi các kỹ năng cần thiết để chuyển sang một vị trí mới.

CNBC Make it đã có cơ hội nói chuyện với chủ tịch Cisco khu vực Đông Nam Á, ông Naveen Menon để nắm bắt các cơ hội việc làm có triển vọng trong tương lai tại đây.

Cơ hội việc làm dành cho ngành công nghệ thông tin, tài chính, sản xuất, xây dựng và giao thông

Như đã nói ở trên, dù khiến nhiều người lâm vào tình cảnh thất nghiệp nhưng công nghệ và tự động hóa cũng mở ra cơ hội việc làm cho nhiều người. Cơ hội việc làm sẽ đến từ những ngành nghề có thể tận dụng được sự giàu có ngày một lớn mạnh của khu vực với hơn 600 triệu dân và nhu cầu của người dân với các sản phẩm.

Các ngành bán lẻ, bán buôn, vận tải... có nhiều cơ hội

Khi công nghệ mới được áp dụng, năng suất sẽ gia tăng và giảm chi phí sản xuất. Điều này sẽ giúp giảm giá thành của hàng hóa, dịch vụ qua đó làm tăng nhu cầu chi tiêu khi mức thu nhập ngày một tăng. Như vậy công nghệ mới cũng sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm trong xã hội và tạo ra nhiều việc làm mới trong lĩnh vực bán lẻ.

Cụ thể, các ngành như bán lẻ, bán buôn, sản xuất, xây dựng, vận tải sẽ được hưởng lợi lớn từ sự chuyển dịch công nghệ. Đặc biệt ngành bán lẻ ước tính có thể tạo ra được khoảng 1,8 triệu việc làm. Trong khi đó các, lĩnh vực như công nghệ thông tin, tài chính và nghệ thuật cũng được hưởng lợi phần nào.

Một số nghề nổi lên có thể kể đến như phân tích và phát triển phần mềm ứng dụng, phân tích dữ liệu, chuyên gia nhân sự,…

Phần lớn các ngành nghề này đều cần kỹ năng và thường xuyên phải giao tiếp với khách hàng. Do đó ngay từ bây giờ nhiều công nhân đã sớm học cách cải thiện kỹ năng để đón đầu các xu hướng công việc mới. Quá trình tiếp cận công việc mới cần kết hợp giữa đào tạo chuyên môn và kỹ năng mềm, ví dụ như giao tiếp, tư duy phản biện,…

Nhóm lao động chân tay sẽ sớm thất nghiệp

Các ngành nghề sớm chịu tổn thất lớn từ sự chuyển dịch công nghệ, đó là nghề lao động chân tay. Đặc biệt những người có tay nghề thấp càng dễ bị mất việc hơn. Có thể kể đến một số nghề nghiệp lao động chân tay như dọn dẹp, vận hành máy móc, công nhân làm thuê hay người làm nông nghiệp.

Tuy sự chuyển đổi tác động tới hầu hết các quốc gia trên thế giới nhưng người lao động tại Đông Nam Á là những người sẽ phải hứng chịu tác động nhiều nhất.

Ngành nông nghiệp hiện chiếm khoảng 76 triệu việc làm trong 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á. Có 1/3 trong số đó là công nhân và họ là những người dễ chịu tác động nhất do cuộc chuyển giao công nghệ gây nên.

Việt Nam đứng thứ hai về số lao động có nguy cơ mất việc do sự dịch chuyển công nghệ

Thống kê của Cisco cho thấy, Indonesia là quốc gia phải chịu nạn thất nghiệp khủng khiếp nhất do công nghệ khi có tới 9,5 triệu người dân nước này có nguy cơ mất việc làm.

Kịch bản số lao động bị mất việc làm do công nghệ thay thế tại 6 nền kinh tế hàng đầu Đông Nam Á từ nay tới năm 2028

Xếp sau Indonesia là Việt Nam với 7,5 triệu người (chiếm 13,8% số lao động) và thứ ba là Thái Lan với 4,9 triệu người (chiếm 11,9% số lao động) Nguyên nhân khá rõ ràng bởi đây là nhóm lao động nông nghiệp và có tay nghề thấp nên dễ dàng bị công nghệ thay thế.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, Singapore là quốc gia có lượng lao động thất nghiệp vì chuyển dịch công nghệ thấp nhất với chỉ 0,5 triệu người. Có lẽ cũng vì dân số ít nên tỷ lệ quy đổi lên tới 20,6%. Ngoài ra, Singapore cũng nổi tiếng có hạ tầng kỹ thuật, công nghệ phát triển bậc nhất khu vực.

Có triển vọng nào khả quan hơn cho lực lượng lao động ở Đông Nam Á?

Những thay đổi trong cuộc dịch chuyển công nghệ được dự đoán sẽ tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp và cả lực lượng lao động trong nhiều năm tới. Nhưng bên cạnh thách thức, nó cũng mở ra những cơ hội vô cùng lạc quan.

Menon cho biết: "Kết quả từ cuộc chuyển dịch này sẽ giúp mọi người lao động ở khu vực ASEAN có cơ hội nhận các nhiệm vụ, công việc phức tạp, hàm lượng giá trị cao hơn so với hiện nay".

Đó sẽ là những tiền đề quan trọng thúc đẩy một khu vực ASEAN năng động và phát triển mạnh mẽ hơn, qua đó duy trì sự tăng trưởng trong dài hạn.

Tiến Thanh

Chủ đề khác