VnReview
Hà Nội

Silicon Valley Trung Quốc đang lột xác

Tại chợ Hoa Cường Bắc (Huaqiangbei) thuộc thành phố Thâm Quyến (Shenzhen), Trung Quốc, người ta có thể dễ dàng chế tạo một chiếc smartphone từ những chi tiết nhỏ nhất.

Được xây dựng với nhiều tầng và trải rộng khắp hàng trăm nghìn bộ vuông, khu chợ cung cấp toàn bộ các vật liệu, thành phần để làm nên một chiếc điện thoại theo tiêu chuẩn, gồm camera, bo mạch chủ, bộ khung, màn hình…Tất cả những gì khách hàng cần làm là mua những chi tiết phù hợp và biết cách lắp đặt chúng lại với nhau.

Không chỉ dừng lại ở smartphone, tại đây, người ta có thể tìm thấy bất kỳ bộ phận cho bất kỳ thiết bị điện tử có thể nghĩ đến, từ sạc dự phòng cho đến thiết bị bay không người lái.;

Bên trong chợ Hoa Cường Bắc.

Không thể tránh khỏi thực trạng sao chép ở đây. Những thiết kế từ Apple hay các thiết bị của Samsung đều thường xuyên bị "ăn trộm". Quyền sở hữu trí tuệ, mối quan ngại lớn nhất của Hoa Kỳ dành cho Trung Quốc, không hề tồn tại tại khu chợ này. Tuy vậy, vẫn có những phát minh được sáng tạo ở Hoa Cường Bắc. Một số người đang cố gắng để cải tiến lên các phiên bản mới từ những thiết bị có sẵn.

Thị trường hỗn loạn đặt nặng việc sáng tạo đôi khi vẫn diễn ra ở Trung Quốc. Nhiều chuyên gia cho rằng nói về Trung Quốc như một công xưởng rộng lớn chỉ chuyên sản xuất các sản phẩm được thiết kế từ các quốc gia khác là một quan niệm sai lầm và lỗi thời.

Christian Grewell, giáo sư kinh doanh tại ĐH New York cơ sở Thượng Hải, trả lời CNN: "Có rất nhiều cải tiến quy mô lớn diễn ra ở Trung Quốc. Chúng đang phát triển rất nhanh chóng và hoàn toàn nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta".

Giáo sư còn chỉ ra cách mà các nhà sản xuất điện thoại Xiaomi đã cập nhật phần mềm dựa trên ý kiến phản hồi từ người dùng và nhanh chóng áp dụng thanh toán kỹ thuật số thông qua ứng dụng WeChat của Tencent và Alipay của Ant Financial.

Trung tâm cung cấp phần cứng

Từ một làng chài nhỏ núp dưới bóng của Hồng Kông, Thâm Quyến giờ đây đã trở thành đô thị lấp lánh của hơn 12 triệu dân.

Cùng với các thành phố khác trải dài trên khắp Đồng bằng Châu Giang, Thâm Quyến nổi lên từ những năm 80, 90 như một công trường thế giới, bơm hàng công nghiệp, tiêu dùng ra thị trường. Nhưng ngày nay, nó cũng được biết đến rộng rãi như câu trả lời của Trung Quốc đối với Thung lũng Silicon, là ngôi nhà của những gã khổng lồ công nghệ như Tencent và Huawei.

Thâm Quyến đã trở thành nam châm, hút những doanh nhân trẻ tham vọng đến tận dụng vị thế đắc địa nơi đây – trung tâm chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Nó đồng thời cũng kiến tạo nên nhiều start-up, tiêu biểu là DJI – công ty sản xuất thiết bị bay không người lái hàng đầu thế giới.

Thâm Quyến được ví như thung lũng Silicon của Trung Quốc.

"Nếu bạn có ý tưởng, bạn sẽ nhanh chóng đánh giá nó và tìm ra nhà máy phù hợp để làm nên sản phẩm.", Jasen Wang, CEO của Makeblock cho biết. Công ty của Wang chế tạo ra những bộ công cụ cho trẻ em để chúng có thể tự lắp ráp xe đua hay robot. Bên cạnh đó, sản phẩm của Makeblock còn được thiết kế để dạy cho trẻ nhỏ ngôn ngữ lập trình trên máy tính theo một phương pháp vui vẻ.

Tròng vòng gọi vốn cuối cùng của mình tại Thâm Quyến, Wang nhận được nguồn cung cấp có trị giá khoảng 350 triệu USD. Không chỉ sung túc về tài chính, Thâm Quyến còn hội tụ đầy nhân tài.

"Có rất nhiều công ty lớn ở đây. Do đó rất dễ dàng khi tuyển dụng những kỹ sư phát triển phần cứng. Lợi thế này không xuất hiện ở Thượng Hải hay Bắc Kinh", Wang nói.

Mọi công đoạn đều nhanh chóng

Thâm Quyến cũng hoàn thiện mọi thứ một cách nhanh chóng.

"Nếu bạn thực sự muốn phát triển sản phẩm với tốc độ nhanh, tôi nghĩ bạn phải đến Trung Quốc, và thực tế là phải ở Thâm Quyến. Ở những nơi khác, bất cứ điều gì bạn cần nhiều ngày hay thậm chí nhiều tuần để xong xuôi đều có thể được giải quyết chỉ trong vài giờ đồng hồ tại đây.", Steven Yang, CEO của Anker Innovations chia sẻ.

Yang, 36 tuổi, một nhân viên cũ của Google, đã gây dựng Anker trở thành một trong những nhà sản xuất sạc dự phòng hàng đầu. Năm ngoái, công ty đạt doanh thu hơn 500 triệu USD. Các sản phẩm của nó được bày bán trên Amazon và tại Walmart.

Steven Yang - sáng lập và CEO của Anker Innovations.

Cũng theo ý kiến của Yang, 10 năm trước, Thâm Quyến là sự kết hợp của 90% sao chép và 10% đổi mới. Nhưng giờ đây, tỷ lệ đó lần lượt là 30% và 70%.

Doanh nghiệp từ các quốc gia khác cũng đồng ý rằng các công ty Trung Quốc đang "lên level" trong cuộc chơi của họ.

Trong cuộc khảo sát hàng năm của Phòng Thương mại Liên minh châu Âu tại Trung Quốc, đây là lần đầu tiên mà hầu hết đối tượng được hỏi cho rằng các công ty Trung Quốc "ngang bằng hay thậm chí còn sáng tạo hơn các tập đoàn châu Âu".

Hàng giả vẫn còn tràn lan

Mặc dù sự đổi mới, cải tiến đang diễn ra mạnh mẽ ở Thâm Quyến, nhưng vi phạm bản quyền hay "trộm cắp" thương hiệu vẫn còn hiện hữu. Ngành công nghiệp đồ giả còn rất lớn, với những chiếc iPhone và giày Nike hàng nhái nổi bật trên thị trường.

Rất dễ dàng để chế tạo smartphone tại đây.

Yang kể rằng Anker đã gặp khó khăn từ những ngày đầu tiên bởi nạn sao chép, nhưng chính quyền đang giải quyết triệt để vấn đề này. "Tôi nghĩ tình hình đang tốt hơn qua từng năm.", Yang nói.

Nhưng có vẻ như từng đó vẫn chưa thể thuyết phục chính quyền Donald Trump. Vị tổng thống vẫn cho rằng hành vi ăn cắp bản quyền trí tuệ của Mỹ từ phía Trung Quốc là một trong những nguyên do chính dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế khổng lồ.

Các chuyên gia cho rằng chính phủ Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa nếu muốn trở thành cường quốc công nghệ.

"Trung Quốc muốn một số tập đoàn của mình tham gia vào thị trường thế giới. Và họ đang đánh cược vào nhiều địa điểm khác nhau.", giáo sư Grewell nhận định.

"Để Trung Quốc có thể đưa những cải tiến của mình ra nước ngoài, tôi nghĩ họ phải tham gia hoàn toàn vào cộng đồng quốc tế nhằm bảo vệ một số tài sản trí tuệ đó.", giáo sư cho biết thêm.

Theo Zing

Chủ đề khác