VnReview
Hà Nội

Nhà máy điện mặt trời đầu tiên được chính thức vận hành tại Gia Lai

Với công suất 49MW, cung cấp sản lượng 103 triệu kWh/năm đáp ứng nhu cầu sử dụng điện tương đương khoảng 47.000 hộ dân, Nhà máy điện mặt trời Krông Pa (Gia Lai) đã chính thức vận hành thương mại sau 9 tháng xây dựng.

Nhà máy điện mặt trời đầu tiên được chính thức vận hành tại Gia Lai

Toàn cảnh Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa. Ảnh: Báo Đầu tư

Theo báo điện tử baochinhphu.vn, đây là nhà máy điện mặt trời đầu tiên trên địa bàn tỉnh Gia Lai chính thức đi vào hoạt động và mở ra hướng phát triển năng lượng tiềm năng của vùng đất Tây Nguyên nhiều nắng gió.

Nằm trên diện tích 70,23 ha đất đồi thuộc xã Chư Gu (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai), nhà máy được lắp đặt 209.100 tấm pin năng lượng mặt trời, với công nghệ và thiết bị hiện đại.

Việc khánh thành Nhà máy Điện mặt trời Krông Pa là bước tiến lớn trong việc tận dụng năng lượng tái tạo, góp phần bảo vệ môi trường, làm giảm phát thải CO2 khoảng 29.000 tấn/năm trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Tại huyện Krông Pa, nhiệt độ trung bình hàng năm hơn 25 độ C, số giờ nắng trung bình trong ngày gần 6 giờ, tương đương khoảng 2.500 giờ/năm. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư các dự án điện mặt trời trên địa bàn.

Krông Pa là một trong những địa phương khó khăn nhất của tỉnh Gia Lai nên việc định hướng phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo phù hợp với thế mạnh của địa phương là hướng đi phù hợp nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất, tối ưu hiệu quả kinh tế, hướng đến xây dựng vùng "chảo lửa" phát triển bền vững trong tương lai, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân bản địa.

Theo ông Tô Văn Chánh - Chủ tịch UBND huyện Krongo Pa, tính đến tháng 7-2018, đã có 17 doanh nghiệp đến khảo sát và lập quy hoạch đưa vào đầu tư dự án phát triển điện mặt trời tại Krông Pa với 19 dự án có tổng công suất trên 1.000 MWp.

Còn trên địa bàn toàn tỉnh Gia Lai đã có hàng chục nhà đầu tư đang tìm hiểu, khảo sát, lập dự án đầu tư với quy mô khoảng 3.000 MW (1 MW có mức đầu tư khoảng 25 tỷ đồng) đối với lĩnh vực điện mặt trời, điện gió. Điều này sẽ mang lại giá trị công nghiệp cao, giải quyết việc làm cho người dân, tạo diện mạo mới cho bộ mặt nông thôn, đồng thời tạo ra nguồn thu ngân sách lớn trong tương lai (dự kiến 1 MW sẽ đóng thuế 150 triệu đồng/năm).

Ông Bùi Khắc Quang, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai cho biết: Tiềm năng điện mặt trời của tỉnh được đánh giá rất cao, có quy mô công suất lớn nhất. Theo các nguồn dữ liệu từ cơ quan chuyên môn, Gia Lai có số giờ nắng trung bình 1.900-2.200 giờ/năm, bức xạ tổng cộng 335-380 kcal/cm3… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án điện mặt trời trên địa bàn, quy mô công suất có thể đạt khoảng 7.500 MW trong khi tiềm năng thủy điện chỉ khoảng 2.500 MW, điện gió 1.800 MW, điện sinh khối 850 MW.

Nếu các dự án được triển khai, Gia Lai sẽ là thủ phủ phát triển năng lượng tái tạo mà huyện Krông Pa là nơi các nhà đầu tư tập trung các dự án này. Đây cũng là lĩnh vực mà tỉnh mong muốn phát triển trong thời gian tới nhằm tạo sự bứt phá cho việc phát triển kinh tế của địa phương ở lĩnh vực này.

Bùng nổ các dự án điện mặt trời tại Việt Nam

Theo báo Nhà đầu tư, từ đầu năm 2017 đến nay, các dự án điện mặt trời bùng nổ tại Việt Nam, có thể điểm qua như sau:

Tỉnh Bình Thuận, hiện nay dự án điện năng lượng mặt trời lớn nhất của tỉnh nằm ở xã Sông Bình (huyện Bắc Bình) có công suất 200 MW, chiếm diện tích đất tới 282 ha, do EVN làm chủ đầu tư. Toàn bộ vùng tiềm năng điện mặt trời của tỉnh là trên 8.400 ha, với công suất được quy hoạch 5.000 MW. Ngoài 37 nhà đầu tư đã được tỉnh cho phép nghiên cứu, khảo sát và chấp thuận đầu tư, hiện vẫn có khá nhiều nhà đầu tư đang đề nghị được tỉnh cho nghiên cứu, đo nắng và lập dự án.

Tỉnh Ninh Thuận cũng thu hút được nhiều dự án điện mặt trời. Theo Sở Công Thương Ninh Thuận, toàn tỉnh có 8 dự án đã được chấp thuận đầu tư, khoảng 40 nhà đầu tư khác đến từ Hàn Quốc, Thái Lan, Đức, Trung Quốc..đang nộp hồ sơ dự án với quy mô 30 – 100 MW.

Nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đang xúc tiến nhiều dự án điện mặt trời công suất từ 20 MW đến 300 MW tại các tỉnh khác như Tây Ninh, Hậu Giang, Đồng Nai, Quãng Ngãi, Thanh Hóa, Hà Tĩnh… Chỉ riêng tâp đoàn Thành Thành Công (TTC) đã dự kiến đầu tư khoảng 20 dự án điện mặt trời vốn tổng vốn khoảng 1 tỷ USD, và tháng 10/2017 khởi công 02 dự án đầu tiên tại Gia Lai và Huế. Các dự án còn lại ở Tây Ninh, Bình Thuận, Ninh Thuận đang hoàn thiện hồ sơ để khởi công và có thể phát điện từ tháng 5/2019.

Theo dự báo của các chuyên gia, trong vài năm tới đây Việt Nam sẽ lên cơn sốt ‘điện mặt trời', khi đó sẽ có trăm nhà đầu tư nước ngoài dòm ngó vào lĩnh vực này. Đồng thời dự báo sẽ có khoảng 12 tỷ USD sẽ chảy vào các dự án điện mặt trời.;

V.A (tổng hợp)

Chủ đề khác