VnReview
Hà Nội

Nhiều công ty đang chạy đua sản xuất thịt từ phòng thí nghiệm

Báo The Guardian ngày 29/11 đưa tin, hiện đang có nhiều công ty nghiên cứu để làm thịt từ phòng thí nghiệm mà không cần đến động vật, đồng cỏ, trại chăn nuôi cũng như không tạo ra các tác động môi trường như chất thải, khí gây hiệu ứng nhà kính.

Công ty khởi nghiệp của Israel là Memphis Meats trụ sở tại San Francisco đang tạo ra nhiều loại thịt từ tế bào nuôi trong phòng thí nghiệm. Thịt có mỡ và nạc do công ty sản xuất đã được các đầu bếp thử chế biến ở Jerusalem.

Ngoài Memphis Meats, một công ty khác là Just Inc, cũng có trụ sở tại San Francisco, đã tạo ra một dung dịch từ thực vật để nuôi các tế bào có thể làm ra thịt và cả hải sản. Công ty đã huy động được số tiền hơn 220 triệu USD cho việc nghiên cứu.

Với những người không thích tế bào thịt, Công ty Jet Eat, trụ sở ở Israel, đang nghiên cứu các loại thực phẩm từ thực vật trong phòng thí nghiệm từ nguyên liệu tự nhiên nhưng giống thịt về mùi vị. Jet Eat hoạt động từ đầu năm 2018 và đang kêu gọi vốn đầu tư từ những thành viên sáng lập.

;

Sản xuất thịt nhân tạo trong phòng thí nghiệm ngày càng phổ biến

Theo The Guardian, có rất nhiều công ty đang chạy đua trong ngành công nghiệp này và họ cũng gặp nhiều thách thức từ truyền thông đến công chúng và ghi nhãn sản phẩm. Còn theo báo Wired, Hiệp hội thịt bò quốc gia Mỹ đã gây áp lực để Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) có những quy định chặt chẽ với thịt thay thế, phải ghi rõ là "thịt mô phỏng" trên nhãn mác.

Gần đây, cả Bộ Nông nghiệp và Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) Mỹ thông báo họ sẽ cùng quản lý thịt từ "tế bào gốc".

Những nhà cung cấp thịt truyền thống tuy cảnh giác nhưng chọn cách hợp tác để đáp ứng xu hướng ngày càng có nhiều người mong muốn các sản phẩm thân thiện với môi trường. Mối quan hệ đối tác này có cơ sở vì không ai biết nhiều về thịt như các công ty thịt.

Những gã khổng lồ trong ngành thực phẩm như Tyson Foods và Cargill cũng như các tỉ phú Bill Gates và Richard Branson là các nhà đầu tư cho công nghệ này.

Sản xuất thịt nhân tạo thực chất không phải là thịt heo hay thịt bò nuôi đồng cỏ, và cũng không phải là thịt bò làm bằng đậu nành (đỗ tương) của các đơn vị sản xuất đồ chay. Thịt này sẽ có mùi vị và hình dáng giống như thịt thông thường, nhưng được "nuôi" trong phòng thí nghiệm chứ không phải ở trang trại.

Thịt trong phòng thí nghiệm sẽ được các nhà khoa học kiểm soát mức độ và loại chất béo (ví dụ như acid omega 3), protein và các chất khác, và sản xuất một sản phẩm ít bị ô nhiễm bởi các vi khuẩn độc hại như E.coli.

Thực tế, thịt là một loại mô phức tạp, gồm chất béo, dây thần kinh, mạch máu và mô liên kết. Mỗi loại tế bào đều có vai trò tạo ra mùi vị, cảm giác khác nhau như gà, bít tết hay phi lê cá. Thịt còn phải được vòm miệng chúng ta chấp nhận.

Để nuôi cấy thịt, các nhà khoa học cắt một miếng cơ bắp nhỏ từ heo hay cá, hay dùng vài tế bào nuôi cấy trong phòng thí nghiệm (những tế bào khởi động phổ thông gồm các mầm phôi thịt (embryonic myo-blasts), là những tế bào sẽ trở thành các tế bào cơ bắp, hay các "tế bào vệ tinh" cơ bắp trưởng thành, giúp cho cơ bắp phục hồi khi bị thương tích). Các tế bào được đặt vào đĩa hay một lò phản ứng sinh học (bioreactors) và được nuôi bằng một chất lỏng chứa một hỗn hợp sinh tố, khoáng chất, amino acid, đường, muối và các chất tăng trưởng.

Thịt nhân tạo đã xuất hiện từ năm 2002, khi Morris Benjaminson, giáo sư sinh học Đại học Touro báo cáo là "nuôi" được thịt cá trong phòng thí nghiệm. Ông và các đồng nghiệp nuôi cấy thịt tươi, sử dụng những miếng mô cơ bắp (khoảng 20 cm2) lấy từ cá vàng (gold fish) bị gây mê. Đổ đầy mầm sợi – fibrobiasts (tế bào làm ra mô liên kết) của các mô này, ấp và nuôi với huyết thanh bào thai bò, chất trích nấm maitake hay shiitake, bánh dầu cá. Trong vòng 1 tuần lễ, cơ bắp cá tăng thêm 80% kích thước. Các nhà nghiên cứu cũng đã thử hầm một mẻ cá giống như phi lê cá tươi trong dầu oliu, chanh và tỏi, trước khi đưa chúng vào bánh mì hay chiên mỡ sôi. Benjaminson nói: "Mùi rất thơm", nhưng không một nhà khảo cứu nào đưa các thành quả ra một ủy ban nếm thử. Họ không muốn vi phạm an toàn thực phẩm của FDA.

Từ năm 2002, nhiều phòng thí nghiệm khác cũng báo cáo thành quả hứa hẹn. Dù vậy, họ cũng đang nỗ lực đểm hạ giá thịt phòng thí nghiệm, hiện tốn từ 1.000 đến 5.000 USD một cân Anh.

L.T

Tổng hợp

Chủ đề khác