VnReview
Hà Nội

Trung Quốc lập cơ quan chuyên xem xét rủi ro đạo đức của video game

Theo;SCMP, Trung Quốc đã thành lập một cơ quan mới để đánh giá các vấn đề đạo đức trong trò chơi điện tử. Đây là nỗ lực mới nhất của đất nước này nhằm thắt chặt kiểm soát thị trường game lớn nhất trên thế giới.

Trung Quốc thành lập cơ quan mới để xem xét rủi ro đạo đức của trò chơi video

Ủy ban đạo đức trò chơi trực tuyến (Online Games Ethics Committee) được thành lập gần đây đã đánh giá một danh sách gồm 20 game video. Thông tin này được phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), là lần đầu tiên công khai sự tồn tại của ủy ban cộng đồng này.

CCTV cho biết Ủy ban đạo đức đã từ chối cho phép 9 trò chơi được phát hành tại Trung Quốc. Ủy ban này cũng yêu cầu xem xét sửa đổi một số nội dung trong 11 game khác.

Báo cáo không tiết lộ bộ phận chính phủ nào trực tiếp quản lý Ủy ban này và danh sách các game bị xử lí trong đợt đầu tiên.

Việc thành lập Ủy ban đạo đức trò chơi trực tuyến đã xuất hiện trong bối cảnh có nhiều lo ngại về nghiện internet, cận thị sớm và nội dung không phù hợp trong thị trường trò chơi video trị giá 38 tỷ USD của Trung Quốc. Chính mối lo ngại này đã khiến Bắc Kinh thắt chặt kiểm soát ngành công nghiệp game và đóng băng phê duyệt các tựa game mới trong năm nay.

Với việc tạm dừng phê duyệt trò chơi cũng như cải tổ các bộ phận chịu trách nhiệm điều tiết ngành, tổng doanh thu nửa đầu năm của ngành trò chơi trong nước tăng 5% lên 15 tỷ USD - tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 10 năm gần đây (theo số liệu thống kê của công ty nghiên cứu CNG).

Trung Quốc thành lập cơ quan mới để xem xét rủi ro đạo đức của trò chơi video

Các nhà sản xuất game ở Trung Quốc phải đăng ký các trò chơi để chính quyền kiểm duyệt trước khi phát hành. Quá trình này thường mất vài tháng và các trò chơi có nội dung bạo lực hoặc có yếu tố tình dục có thể bị từ chối.

Cơ quan Quản lý Báo chí và Xuất bản Nhà nước (SAPP), cơ quan quản lý trò chơi video của đất nước, không đưa ra bình luận về Ủy ban đạo đức mới. Cơ quan quản lý vẫn chưa thiết lập một trang web hoặc công khai các liên hệ kể từ khi nó được thành lập vào tháng Tư.

Tencent Holdings, công ty điều hành doanh nghiệp trò chơi video lớn nhất thế giới về doanh thu, đã từ chối bình luận về cơ quan đạo đức trò chơi mới.

NetEase và Perfect World, công ty trò chơi video số 2 và 3 tại Trung Quốc, đã không trả lời ngay lập tức các yêu cầu bình luận.

Vào tháng 10, Tencent tuyên bố sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phát hiện trẻ vị thành niên chơi các trò chơi của mình để xoa dịu những lo ngại của chính phủ đối với chứng nghiện game video. Gã khổng lồ internet có trụ sở ở Hồng Kông cũng bắt buộc phải xác minh độ tuổi đối với những người đăng nhập vào trò chơi di động bom tấn Honor of Kings và giới hạn thời gian chơi cho trẻ vị thành niên.

Trong bối cảnh bị siết chặt trong nước, các nhà phát triển trò chơi Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực xuất bản các tựa game mới ra nước ngoài. Một số nhãn hiệu độc lập đã tìm cách tiếp cận khán giả trong nước thông qua nền tảng phân phối trò chơi máy tính cá nhân Steam của Mỹ (nền tảng này có khoảng 30 triệu người dùng tại Trung Quốc).

Bạch Đằng

https://www.scmp.com/tech/policy/article/2176954/china-forms-new-body-review-ethics-risks-video-games?fbclid=IwAR2dzL-3da2YTPWfSIxKQGcNxeEO7v4HgOVURfEMUWUZPzfTF_MICCmgFG4

Chủ đề khác