VnReview
Hà Nội

Đại kế hoạch “Made in China 2025” không hề đáng sợ, thực chất chỉ là “hổ giấy” mà thôi!

Bloomberg báo cáo, đại kế hoạch bá quyền mang tên "Made in China 2025" của chính quyền Bắc Kinh có thể bị hoãn lại đến 10 năm, tức 2035. Lộ trình vạch ra con đường đưa đất nước Trung Hoa dẫn đầu ở một số ngành nghề quan trọng, vốn là trọng tâm cuộc chiến thương mại do ngài Trump phát động nhằm kìm chế Bắc Kinh, giữ vững vị thế Hoa Kỳ. Một số báo cáo khác chỉ ra ông Tập thậm chí có thể thay thế hoàn toàn, trao quyền cho các công ty nước ngoài xâm nhập sâu hơn vào thị trường nội địa.

Tuy nhiên vào cùng ngày, Quốc vụ viện Trung Quốc cũng cho biết về quyết định cơ giới hóa và nâng cấp máy móc phục vụ nông nghiệp (nông dân sẽ có trợ cấp bất kể nông cụ là của Trung Quốc hay công ty nước ngoài). Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông Tin Trung Quốc cũng công bố chính sách kiện toàn ngành sản xuất bằng cách ứng dụng các công nghệ hiện đại hơn. Cả hai điều này đều phù hợp với tham vọng "Made in China 2025".

Như vậy, chính quyền ông Tập Cận Bình rõ ràng sẽ không từ bỏ các mục tiêu đã vạch ra, nhưng cũng cho thấy họ không thể hoàn thành nó sớm như kì vọng ban đầu.

Công bố năm 2015, "Made in China 2025" cho thấy rõ tại sao và bằng cách nào Trung Quốc cần phải đi lên nấc thang công nghệ cao, thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển khác trong hoạt động sản xuất hiện đại hơn.

Trung Quốc muốn dẫn đầu ở nhiều ngành nghề như dịch vụ y tế, công nghệ thông tin, vật liệu mới,... cho đến 2025

Đại kế hoạch đã chỉ ra 10 ngành nghề cấp thiết, cùng các mục tiêu phấn đấu để gia tăng yếu tố nội địa của các thành phần, thiết bị cốt lõi. Quy mô tài chính của nó khiến người ta phải sửng sốt, với hàng trăm tỉ USD được rót bởi các quỹ do ngân hàng nhà nước đứng sau, hoặc các nguồn vốn khác của chính phủ. Nhiều thứ phải nhập từ nước ngoài trước đây, bây giờ đã có thể tự sản xuất ở ngay chính Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bloomberg nói rằng chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển của họ dù đang tăng, nhưng vẫn bị bỏ xa bởi Nhật và Mỹ. Trong khi đó, mức độ R&D - mức độ hiệu quả của việc chi tiền R&D của một quốc gia - hầu như không tăng đáng kể hai năm qua. Một báo cáo khác của tổ chức PwC do Nikkei trích dẫn gần đây cũng có kết quả tương tự, mặc dù vượt Hàn Quốc, nhưng ngân sách R&D của các công ty Trung Quốc vẫn không bằng Nhật, Mỹ.

Tại một diễn đàn kinh tế gần đây, một quan chức cấp cao cảnh báo, Bắc Kinh có thể bỏ lỡ các mục tiêu chi tiêu R&D như một phần của GDP trong bản kế hoạch 5 năm kết thúc vào 2020. Chi tiêu hiệu quả cuối cùng sẽ đạt ít hơn 100 tỷ USD so với ngân sách.

Nói chuyện với các CEO của doanh nghiệp chế tạo máy đến từ Đức, họ sẽ cho bạn biết về trình độ chuyên môn của Trung Quốc có thể đạt đến hạng 2 hoặc 3, nhưng "còn khuya" mới đạt tới tầng cao nhất. Các công ty hóa chất miền nam Trung Quốc cho biết, doanh nhân địa phương đều muốn làm ra những hợp chất nhưng mỗi khi nhắc đến loại cao cấp, họ không thể xử lý nó trọn vẹn. Các công thức sản xuất thường kém ổn định.

Hiệu quả trong chi tiêu R&D của Trung Quốc vẫn không có đột phá kể từ khi "Made in China 2025" được thông báo;

Năm 2017, chế tạo công nghệ cao ước tính chỉ chiếm dưới 13% tổng giá trị thặng dư công nghiệp. Quá nửa các tiêu chuẩn công nghệ của Trung Quốc cho ngành sản xuất thông minh đều không bắt kịp được tiêu chuẩn toàn cầu.

Thử nhìn vào lĩnh vực xe năng lượng mới (new energy vehicle: NEV). Mục tiêu là sản phẩm nội địa sẽ nắm 80% thị phần NEV năm 2025. Kể cả đang có hàng triệu chiếc NEV Trung Quốc chạy ngoài đường bây giờ, nhưng vẫn chưa đủ để tạo ra một công ty dẫn đầu dù ở thị trường nội hay trên toàn cầu. Những khoản trợ cấp nhằm kích thích các "Tesla killer" chỉ tạo ra nhiều chiếc xe chất lượng thấp. Cuối cùng, Trung Quốc đành để "nhà vô địch" Tesla tự sản xuất xe ở đây.

Bất chấp chiến tranh thương mại, hàng rào bảo hộ được dựng lên, đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc vẫn rất mạnh mẽ. Mười một tháng đầu năm, đạt 120 tỉ USD, con số các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài được cấp phép mới bùng nổ 78%.

Các quỹ đầu tư quốc tế chẳng quan tâm mấy đến đại kế hoạch "Made in China 2025". Sau tất cả, quốc gia nào mà chẳng có chính sách riêng về phát triển công nghiệp. Ấn Độ đánh thuế cao ngất ngưởng, thúc đẩy sáng kiến "Make in India" của Thủ tướng Modi. Ủy ban Mỹ đưa tất cả các ngành nghề trong bản kế hoạch "Made in China 2025" của Bắc Kinh vào tầm ngắm.

Không từ bỏ, nhưng Bắc Kinh sẽ thay đổi cách làm và cách nói để đạt được mục tiêu cho mình

Việc mở cửa rộng rãi hơn cho các công ty nước ngoài cũng có lợi cho chính Trung Quốc. Những công ty như BMW, Apple,... đều có thể kiếm thêm lợi nhuận từ đây, trong chiều ngược lại, họ tạo ra môi trường cạnh tranh ác liệt hơn cho các doanh nghiệp địa phương. Đương đầu với những đối thủ mang đẳng cấp quốc tế là "liều thuốc kích thích" thực sự chứ không phải một chiến lược nặng về hùng biện khoa trương, trong khi thực chất lại nhạt nhòa.

Ambitious Man

Chủ đề khác