VnReview
Hà Nội

Trung Quốc tham vọng “có phần” trong miếng bánh béo bở ở... Bắc Cực

Bắc Kinh đang nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tại Bắc Cực trong bối cảnh nhiều cường quốc khác đang có lợi thế lớn tại đây.

Trong nỗ lực trở thành môt siêu cường quốc, Trung Quốc thường xuyên khơi mào những cuộc tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng bất chấp luật pháp quốc tế. Giờ đây, Trung Quốc còn tham vọng làm điều đó ở cả Bắc Cực, vùng đất ở cực bắc của Trái Đất, nơi tưởng chừng chẳng ai quan tâm đến.

Theo CNN, Trung Quốc đã nhìn thấy những cơ hội về tài nguyên trong thềm băng Bắc Cực nên đã tích cực mở rộng các hoạt động nghiên cứu khí hậu, khai thác dầu khí, mở tuyến du lịch,… tại đây.

Về mặt địa lý, Trung Quốc rõ ràng không gần vòng Bắc Cực như các quốc gia Bắc Âu hay Châu Mỹ. Điều này khiến Trung Quốc gặp bất lợi lớn so với tám quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực.

Các quốc gia trong Hội đồng Bắc Cực

Tuy nhiên, rõ ràng các thành viên trong hội đồng rất quan ngại sự nhòm ngó của Trung Quốc. Một số nền kinh tế nhỏ như Iceland hay Na Uy nhìn thấy cơ hội từ sự có mặt của Trung Quốc nhưng các nền kinh tế lớn khác như Nga, Mỹ, Canada lại vô cùng cảnh giác.

Trung Quốc muốn xây dựng một "con đường tơ lụa" nối tới Bắc Cực của riêng mình

Hồi tháng 1/2018, Bắc Kinh đã xuất bản sách trắng chiến lược Bắc Cực đầu tiên. Trong đó, Trung Quốc tuyên bố có quyền lợi tại khu vực này đồng thời dùng những ngôn từ mang tính quy chụp để đưa mình vào thế liên quan tới Bắc Cực.

Cụ thể, Trung Quốc tự định nghĩa là "một quốc gia gần Bắc Cực" đồng thời khẳng định những thay đổi môi trường ở Bắc Cực cũng sẽ "tác động trực tiếp đến hệ thống khí hậu và môi trường sinh thái của Trung Quốc".

Sách trắng cũng nêu chi tiết kế hoạch của nước này về "Con đường tơ lụa Bắc Cực" nằm một phần trong chương trình cơ sở hạ tầng Vành đai và Con đường trị giá hàng ngàn tỷ đô. Đây là đại dự án của Trung Quốc nhằm mở rộng hành lang thương mại trên khắp thế giới.

Mặc dù vậy, sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc vấp phải khá nhiều chỉ trích từ giới chức phương Tây do lo ngại nước này đang khiến các quốc gia đang phát triển lâm vào cảnh nợ nần.

Ý tưởng về mối quan hệ đôi bên cùng có lợi với Trung Quốc tương phản khá rõ rệt với những lo ngại của hội đồng Bắc Cực trước khi quyết định kết nạp thêm Trung Quốc. Trước đó, các thành viên đều lo ngại rằng, Trung Quốc sẽ lặp lại hành vi xâm chiếm lãnh thổ như ở Biển Đông.

Theo các chuyên gia, tình hình ở Bắc Cực tương đối hòa bình và chưa có các cuộc tranh chấp lãnh thổ nghiêm trọng. Hơn hết, các quốc gia đang khai phá Bắc Cực cũng muốn giữ mọi thứ như vậy.

Trung Quốc tham vọng "có phần" trong nguồn lợi kinh tế khổng lồ của Bắc Cực

Trong sách trắng, Trung Quốc nêu rõ mối quan tâm chính của họ đối với Bắc Cực là nghiên cứu khoa học và tìm hiểu tác động của biến đổi khí hậu ở nơi đây. Tuy nhiên, rõ ràng những người hoài nghi có quyền tin rằng, Trung Quốc chỉ mượn cớ nghiên cứu khoa học để phục vụ cho tham vọng kinh tế và chính trị ở Bắc Cực.

Giới khoa học ước tính, Bắc Cực nắm giữ tới gần 1/3 lượng khí đốt tự nhiên của thế giới và 13% trữ lượng dầu toàn cầu.

Khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên và băng dần tan ra, con người sẽ có cơ hội tiếp cận gần hơn với nguồn tài nguyên nằm sâu dưới thềm băng Bắc Cực. Không chỉ Trung Quốc mà Mỹ, Nga hay các cường quốc khác đều rất quan tâm đến nguồn tài nguyên này.

Nhà khoa học Rachael Gosnell thuộc ĐH. Maryland chia sẻ: "Bắc Cực có tiềm năng kinh tế cực lớn". Ông cũng ước tính giá trị kinh tế tạo ra từ vùng cực Bắc của Trái Đất có thể lên tới 450 tỷ USD/năm.

Tàu phá băng Xue Long của Trung Quốc

Theo NASA, một số mô hình dự báo khí hậu dự đoán Bắc Cực sẽ không còn băng trong những tháng mùa hè. Đây là điều kiện quan trọng để hình thành các tuyến vận tải quan trọng giúp con người khai thác tài nguyên tại đây.

Lanteigne, chuyên gia nghiên cứu vùng cực tin rằng: "Trung Quốc thực sự muốn đặt mình là một thành viên trong đó, nếu có xảy ra sự tranh giành hoặc phân chia nguồn lợi tài nguyên ở Bắc Cực".

Để biến kế hoạch thành sự thật, Trung Quốc đang không ngừng tăng cường sự có mặt tại đây. Vào tháng 9/2018, Trung Quốc đã giới thiệu tàu phá băng thứ hai có tên Snow Dragon 2 và dự kiến sẽ bắt đầu chuyến hành trình lên Bắc Cực trong nửa đầu năm 2019. Sự có mặt của tàu phá băng sẽ giúp Trung Quốc dễ dàng tiếp cận và xây dựng tiềm trạm ở nơi đây.

Trung Quốc ngày càng quan tâm còn Mỹ thì thờ ơ với Bắc Cực

Sự tích cực của Trung Quốc trong nỗ lực mở rộng tầm ảnh hưởng tại Bắc Cực gần như tương phản với Mỹ, quốc gia đang dần không còn quan tâm đến vùng cực Bắc.

Hồi năm 2017, Cựu Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã cho một đặc phái viên và đại diện khu vực Bắc Cực nghỉ việc. Bên cạnh đó, vấn đề biến đổi khí hậu dần trở thành thứ yếu trong hàng loạt các chương trình nghị sự của tổng thống Donald Trump.

Sau thế chiến thứ 2, Mỹ có 7 tàu phá băng trong hạm đội nhưng đến năm 2018, con số giảm xuống chỉ còn 2. Một trong số hai tàu phá băng cũng đã khá cũ kỹ và chưa được nâng cấp.

Trước đó, chính quyền của Obama đã tích cực theo đuổi chiến lược Bắc Cực với kỳ vọng giúp nước Mỹ có tiếng nói quan trọng nhất ở Bắc Cực. Ông từng ban hành kế hoạch thay thế tàu phá băng hạng nặng vào năm 2020, nhưng không rõ sau khi ông Trump lên nắm quyền, kế hoạch đó giờ đang như thế nào.

Lanteigne khẳng định: "Bắc Cực không phải là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Trump. Điều này đã tạo cơ hội cho Trung Quốc vượt lên nhờ các chính sách Bắc Cực rõ ràng của họ".

Ngoài Mỹ, Nga cũng là quốc gia muốn có tiếng nói lớn nhất ở vùng cực. Hơn hết, một quốc gia hoạt động tích cực với hơn 40 đội tàu phá băng như Nga không hề muốn các nước ngoài vùng cực như Trung Quốc tham gia khai phá khu vực này.

Tuy nhiên, trong bối cảnh phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của phương Tây, thái độ của Nga với Trung Quốc đã dần có sự thay đổi theo chiều hướng tốt lên. Nga nhận ra rằng, Trung Quốc là một trong số ít các quốc gia còn lại có thể giúp phát triển kinh tế ở Bắc Cực. Bằng chứng là hai nước đã hợp tác mở một số liên doanh dầu khí tại Bắc Cực.

Mặc dù Bắc Cực vẫn là vùng đất khó tiếp cận với Trung Quốc và Bắc Kinh vẫn còn hàng tá cơ hội "ngon ăn" hơn tại Châu Phi và Nam Á, nhưng rõ ràng tiềm năng phát triển của Bắc Cực lớn hơn rất nhiều. Khi nguồn lợi ở các quốc gia khác dần suy giảm, việc tìm đến Bắc Cực sẽ là lựa chọn khả dĩ hơn nhiều cho Bắc Kinh.

Mai Huyền

Chủ đề khác