VnReview
Hà Nội

Những điểm du lịch hấp dẫn vào dịp Tết Nguyên đán 2019 sắp tới

Bạn đang lên kế hoạch du lịch dịp Tết 2019? Và bạn băn khoăn về điểm dừng chân sắp tới? Hãy để chúng tôi bật mí những điểm du lịch trong và ngoài nước đầy hấp dẫn hứa hẹn đem đến cho bạn chuyến du lịch mùa xuân trọn vẹn nhất.

Địa điểm du lịch Tết nguyên đán 2019 tại Miền Bắc

Vào dịp đầu năm mới, người miền Bắc thường thích thưởng hoa, ngắm phong cảnh mùa xuân, chúc Tết họ hàng hay đi chùa cầu an lành. Nếu muốn dành kỳ nghỉ Tết để tham quan các ‘thiên đường hoa' thì du khách nên về Mộc Châu, Hà Giang và Sapa. Nếu thích không gian trầm mặc chốn tâm linh thì Yên Tử hay Tràng An - Bái Đính chính là lựa chọn lý tưởng.

1. Mộc Châu - Xuân rất bình yên

Xuân Mộc Châu có khí hậu mát mẻ, nắng chan hòa nhè nhẹ trải vàng khắp bản làng, làm những màu hoa đào, hoa mận thêm sặc sỡ. Du lịch Mộc Châu vào những ngày giáp Tết Nguyên đán, du khách có dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp nao lòng của sắc đào hồng và mận trắng xen lẫn nhau khắp từ quốc lộ 6 đến tận các bản làng xa xôi. Để những nếp nhà tường trình ẩn hiện giữa thung lũng lũng hoa, cuốn hút vô cùng. Du xuân Mộc Châu, du khách còn được tham gia vào các lễ hội Khai Hạ đầu năm, hòa nhịp cùng điệu nhảy tiếng khèn của người Thái, H'Mông và thưởng thức chén rượu ngô ấm nồng.

Xuân Mộc Châu đẹp nao lòng người

2. Hà Giang - Rực rỡ màu áo mới

Một trong những điểm du lịch mùa xuân hấp dẫn ở miền Bắc nhất định không thể bỏ qua chính là Hà Giang. Hà Giang đón xuân bằng màu hoa đào nhuốm hồng cả cao nguyên đá, đâu đó là những cành mận cũng bắt đầu bung nở khoe sắc trắng tinh khôi giữa nắng xuân ấm áp. Dù đã vào xuân, cánh đồng cải vàng ở Hà Giang vẫn còn nở rộ cùng điểm tô cho bức tranh những ngày đầu năm thêm bừng sáng. Lên Hà Giang dịp Tết, du khách có dịp tham gian vào các trò chơi dân gian và ăn những món ngon truyền thống của người Mông bên bếp lửa hồng ấm cúng.

Xuân về trên cao nguyên đá

3. Sapa - "Nàng thơ Tây Bắc" quyến rũ khi xuân về

Sapa;những ngày đầu năm mới mang nhiều vẻ đẹp riêng của mùa xuân phương Bắc, rực rỡ như chiếc áo váy mà cô gái Mông đang khoác lên người. Ngoài hoa đào, hoa mận, Sapa ngỏ lời chào xuân với vô vàn màu hoa khác như đỗ quyên, hoa bất tử, lay ơn, hoa lê, hoa cúc, hoa hồng,... để du khách như bước vào ‘vương quốc các loài hoa' vậy. Sapa nổi tiếng với nhiều resort đem cả thị trấn trong mây thu nhỏ vào khuôn viên xinh đẹp như Victoria Sapa Resort & Spa, Sapa Legend, Topas Ecolodge Sapa, Sapa Paradise View,... giúp du khách tận hưởng chuyến du lịch với các dịch vụ chăm sóc tốt nhất.

Sapa - mùa xuân về

4. Yên Tử - Non thiêng những ngày đầu năm

Núi Yên Tử thuộc dãy Đông Triều vùng núi phía Bắc, nằm giáp ranh giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Bắc Giang. Không chỉ là danh lam thắng cảnh hấp dẫn, Yên Tử còn được xem là nơi bắt nguồn của đạo Phật tại Việt Nam, trên núi có ngôi chùa Đồng nổi tiếng linh thiêng, thu hút nhiều người đến thăm viếng. Dịp đầu năm mới, Yên Tử như chốn non thiêng để du khách vãn cảnh du xuân, chiêm nghiệm về một năm cũ và cầu nguyện năm mới an lành hạnh phúc hơn.

Lên Yên Tử cầu phúc đầu năm

5. Tràng An - Bái Đính - Bức họa hữu tình và linh thiêng

Quần thể danh thắng Tràng An - Bái Đính ở Ninh Bình là sự kết hợp giữa khung cảnh vừa hùng vĩ vừa thơ mộng của tự nhiên và văn hóa tâm linh, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Mỗi dịp đầu năm mới, Tràng An - Bái Đính thu hút khách du lịch xa gần ghé thăm để thưởng ngoạn phong cảnh và tìm về chốn thiền viện cầu ước bình an cho năm tới. Các hang động kỳ ảo, những dải núi uốn lượn và thảm lúa xanh mướt ở Tràng An cùng không gian huyền bí ở Bái Đính chắc chắn sẽ mang lại nhiều trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.

Du xuân ở Tràng An

Địa điểm du lịch Tết nguyên đán 2017 tại miền Trung

Người miền Trung có nền văn hóa giao hòa giữa miền Bắc lẫn miền Nam, thích vãn cảnh du xuân và tìm đến những nơi tâm linh để cầu nguyện. Thế nên Huế, Đà Nẵng - Hội An là những điểm đến hot nhất vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

6. Huế - Ngọt ngào trong sắc xuân

Mùa xuân ở Huế rất đặc biệt, có cả màu hồng đào phơn phớt và cành mai vàng rực rỡ đẹp hơn cả nắng mai, xen lẫn là màu cúc đại đóa xinh tươi khắp các khu chợ. Huế vốn dĩ là nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống nên đi đâu, người ta cũng cảm nhận rõ ràng không khí Tết đang lan tỏa. Đến Huế những ngày đầu năm, du khách có dịp vui hội trên sông Hương, vãn cảnh chùa Thiên Mụ, thăm Đại nội Huế, lăng Tự Đức,... và thưởng thức những món ăn ngon đặc trưng xứ Huế như bún bò, cơm hến, chè Huế,...

Huế trầm mặc và nên thơ

7. Đà Nẵng - Hội An - bức tranh muôn màu

Đà Nẵng - Hội An là điểm du lịch Tết 2019 tiếp theo mà chúng tôi gợi ý cho du khách bởi những nét hấp dẫn của bức tranh muôn màu ở phố cổ và thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Nếu Đà Nẵng ấn tượng với những màn pháo hóa tuyệt đẹp vào đêm giao thừa và các địa danh nổi tiếng lúc nào cũng nhộn nhịp đông vui như Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, biển Mỹ Khê, cầu sông Hàn,... Thì Hội An lại đem đến không gian trầm mặc, nhẹ nhàng với đường phố lồng đèn, với dòng sông Hoài bình yên và di sản chùa Cầu.

Có một Hội An rất thanh bình

Địa điểm du lịch Tết nguyên đán 2019 tại miền Nam

Người miền Nam sống phóng khoáng, thích tự do, ưa khám phá nên khi có cơ hội, mọi người thường đi du lịch để trải nghiệm đó đây, và Tết Nguyên đán và một dịp lý tưởng để thực hiện mong muốn đó. Một Nha Trang sôi động, một Phú Quốc thiên đường hay Đà Lạt ngàn hoa là những điểm dừng chân được Mytour dự đoán sẽ ‘cực hot' vào dịp Tết 2019 này.

8. Nha Trang - vui chơi thỏa thích với biển

Nha Trang có nhiều bãi biển đẹp với cát trắng, biển xanh và sóng nhẹ như Hòn Mun, Hòn Tằm, vịnh Ninh Vân, vịnh Vân Phong, bãi biển Đại Lãnh,... để khách du lịch tham gia các hoạt động dưới nước. Du khách cũng có cơ hội trải nghiệm nhiều trò chơi hấp dẫn ở Vinpearl Land, mua sắm tại chợ Đầm, chiêm ngưỡng thế giới đại dương ở Viện hải dương học hay ghé tháp Bà Ponagar - dấu ấn của người Chăm. Nha Trang chắc chắn sẽ giúp kỳ nghỉ Tết của du khách trở nên hoàn hảo hơn.

Nhiều trải nghiệm mới mẻ ở Vinpearl Nha Trang

9. Phú Quốc - Tết ở thiên đường

Phú Quốc được mệnh danh là đảo thiên đường, không chỉ biển đẹp mà các điểm tham quan khác cũng hấp dẫn chẳng kém. Đến Phú Quốc vào dịp Tết, khách du lịch như trút bỏ mọi lo toan của năm cũ, tận hưởng trọn vẹn niềm vui những ngày đầu năm mới. Một số điểm đến nổi tiếng ở Phú Quốc mà du khách có thể ghé thăm là bãi Dài, bãi Sao, bãi Khem, mũi Dinh Cậu, mũi Gành Dầu, Hòn Thơm, làng chài cổ Hàm Ninh, suối Tranh, suối Đá Bàn, vườn tiêu, bảo tàng Cội Nguồn, nhà tù phú Quốc, đền thờ Nguyễn Trung Trực,...

Phú Quốc đẹp như tranh vẽ

10. Đà Lạt - rực rỡ sắc hoa

Thiên nhiên Đà Lạt đẹp như một bức tranh, và bức tranh đó càng quyến rũ hơn vào mùa xuân. Và dịp Tết Nguyên đán chính là thời điểm thích hợp nhất để du khách thực hiện kế hoạch du xuân Đà Lạt. Vào giữa tháng 1 năm 2019, Đà Lạt sẽ tổ chức lễ hội hoa anh đào quy mô lớn nhất từ trước đến nay, du khách sẽ có cơ hội thưởng ngoạn không gian ngập tràn sắc đào thơ mộng. Dốc Đa Quý, hồ Xuân Hương, hồ Tuyền Lâm, đường Trần Hưng Đạo là những nơi du khách được ngắm một ĐàLạt đang ‘khoác áo hồng'.

Đà Lạt ‘khoác áo hồng' khi xuân về

11. Phú Yên

Điểm đặc sắc nhất của Phú Yên vào dịp Tết Nguyên Đán chính là lễ hội. Chao ôi, cái xứ gì đâu mà nhiều lễ hội ngày Tết đến như thế. Nào là lễ hội truyền thống vào sáng sớm mùng 6 Tết, hai bên bờ sông Tam Giang tưng bừng người chen chân, háo hức chờ mong những cuộc thi lắc thúng chai, bắt vịt, câu cá, leo cột, đập ấm, kéo co; nào là lễ hội chèo thuyền vào sáng mùng 7 Tết; mùng 8 Tết thì có lễ hội dâng hương đập Đồng Cam; đến mùng 9 lại tiếp diễn với lễ hội lễ hội đua ngựa Gò Thì Phùng; mùng 10 thì lễ hội chùa Đá Trắng; rằm tháng giêng thì có đêm hội thơ Nguyên tiêu trên núi Nhạn... Ôi thôi chắc là chẳng kể hết nổi.

12. Vũng Tàu

Thực ra Vũng Tàu là một điểm du lịch ngày Tết phù hợp hơn đối với những du khách ở miền Nam. Sau khi đến thăm bà con họ hàng và đi lễ chùa, người dân miền Nam thường ra Vũng Tàu để tắm biển và nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe sau những ngày Tết chìm ngập trong đồ ăn, bia rượu.

Địa điểm du lịch Tết Nguyên Đán ở nước ngoài

1. Đài Loan

Đài Loan là đất nước có ngày Tết Nguyên Đán trùng với Tết Nguyên Đán của nước ta. Về phong tục tập quán đón Tết của 2 nước có nhiều điểm giống nhau, như đều có ngày Tết Ông Công Ông Táo, dọn dẹp, trang trí nhà cửa, đi chùa, cúng đêm giao thừa...

Đường phố Đài Loan được trang hoàng rực rỡ mỗi dịp Tết đến xuân về

Một điểm giống nhau nữa là thời tiết. Vào những ngày Tết Nguyên Đán, nhiệt độ ở Đài Loan khoảng 10 – 15 độ C, khá giống với thời tiết ở Hà Nội những ngày Tết. Tuy nhiên, ở Đài Loan ngày Tết có 2 điều thú vị mà du khách rất thích vào ngày Tết, đó là tục lệ thả đèn trời và đốt pháo, pháo hoa.

Lễ hội thả đèn trời được tổ chức ở Bình Khê, với mục đích cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới. Còn lễ hội đốt pháo được tổ chức ở Diêm Thủy – Đài Nam và một vài nơi khác ở Đài Đông. Tục lệ đốt pháo có mục đích xua đuổi những điều đen đủi, xấu xa của năm cũ và chào đón những điều tốt đẹp hơn trong năm mới.

2. Nhật Bản

Khác với nước ta, ở Nhật Bản, ngày Tết cổ truyền chính là Tết Tây hay Tết Dương Lịch, nó còn có tên gọi khác là lễ hội Oshougatsu.

Không khí vui vẻ và cảnh quan rực rỡ ở Nhật Bản vào dịp Tết

Vào ngày này, người Nhật sẽ dọn dẹp và trang trí nhà cửa thật lộng lẫy, sau đó treo Shimenawa (Cây Nêu theo quan niệm của người Nhật) trước cửa để đón thần linh, những điều may mắn và xua đuổi tà ma. Người Nhật cũng có tục lệ thờ cúng tổ tiên vào ngày Tết như chúng ta nữa.

Người Nhật cũng rất thích đi chùa và ăn uống vào dịp Tết. Nếu đến Nhật Bản vào đúng ngày Tết, bạn sẽ thấy các ngôi chùa lúc nào cũng đông đúc người đến thắp hương. Ngoài ra, họ cũng tổ chức nhiều hoạt động vui chơi, lễ hội vào ngày Tết như lễ hội thả diều Takoage, đánh cầu lông Hanetsuki, chơi quay Komamawashi...

Ngoài ra, dịp Tết cũng là lúc hoa anh đào bắt đầu nở ở Nhật Bản, bạn có thể vừa tranh thủ đi khám phá phong tục ngày lễ của người Nhật và dạo chơi, chụp ảnh tại những con đường phủ kín hoa anh đào tại thành phố Tokyo.

3. Hàn Quốc

Cũng giống như chúng ta, người Hàn Quốc có 2 ngày Tết là Tết dương lịch và Tết âm lịch (Tết truyền thống).

Vào ngày Tết âm lịch, tất cả người Hàn Quốc đều mặc những bộ Hanbok truyền thống, sau đó quây quần bên gia đình đề trò chuyện, ăn uống và hành lễ trước tổ tiên.

Về cơ bản, phong tục ngày Tết ở Hàn Quốc cũng khá giống với Việt Nam. Vào đêm giao thừa, người Hàn Quốc cũng làm một mâm cơm cúng tổ tiên, sau đó lì xì cho nhau và đi thắp hương tại chùa.

Những em bé Hàn Quốc sẽ được mặc Hanbok để làm lễ cùng gia đình

Vào ngày đầu tiên của năm mới, mọi người sẽ đi chúc Tết họ hàng, bạn bè, sau đó đi du xuân và vui chơi tại các khu vui chơi trong thành phố.

Nếu đi Hàn Quốc vào dịp Tết, bạn hãy ghé thăm các khu công viên để xem bọn trẻ chơi trò chơi dân gian truyền thống. Bạn cũng có thể thử sức mình với bộ môn trượt tuyết hay leo núi, vì thông thường dịp Tết ở Hàn Quốc, không khí rất lạnh, và nhiệt độ trung bình cũng chỉ khoảng (-8) độ C mà thôi.

4. Campuchia

Nhiều người nghĩ rằng Campuchia là đất nước gần với Việt Nam nên họ cũng sẽ đón Tết Nguyên Đán trùng với ngày Tết của người Việt, tuy nhiên đó là một quan niệm sai lầm.

Tết của người Campuchia còn có tên gọi khác là ngày Chol Chnam Thmay, diễn ra vào giữa tháng 4 dương lịch và kéo dài trong 3 ngày. Trong 3 ngày Tết, việc đầu tiên họ làm là đi lễ chùa, sau đó ra đường và tham gia lễ hội té nước và bôi bột màu.

Người Campuchia và lễ hội té nước dịp Tết

Trong ngày Tết, bạn cũng sẽ được tận mắt chứng kiến điệu múa Apsara quyến rũ ở khắp mọi nơi, cùng với đó là các hoạt động chào đón ngày lễ hội lớn nhất trong năm như ca hát, kịch nói, các lễ hội và trò chơi dân gian.

Nếu bạn muốn đi du lịch Campuchia vào đúng ngày Tết của họ thì nhớ là đi vào giữa tháng 4 dương lịch nhé! Còn nếu đi vào ngày Tết Nguyên Đán của Việt Nam thì sẽ vào ngày thường của người Campuchia, bạn sẽ chỉ được tham quan những hoạt động du lịch thường ngày mà thôi.

5. Singapore

Singapore có tới hơn một nửa dân số là người Trung Quốc, vì thế họ cũng đón Tết cổ truyền (Tết Nguyên Đán) giống như người Việt Nam.

Trong phong tục ngày Tết của Singapore, điểm độc đáo nhất là múa lân và Lễ hội mùa xuân. Vào ngày Tết, các chú lân sẽ diễu hành trên khắp các con đường ở Singapore từ sáng đến tối, còn Lễ hội mùa xuân sẽ bao gồm 3 hoạt động chính là Lễ hội Hoa đăng, Lễ hội Singapore River Hongbao và Lễ hội đường phố Chingay.

Trẻ em Singapore sẽ được nhận phong bao lì xì rực rỡ trong năm mới

Lễ hội hoa đăng thường được diễn ra trước ngày Tết cổ truyền. Vào ngày này, hàng ngàn hoa đăng với hình 12 con giáp được thả xuống sông ở khu Chinatown để cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới.

Lễ hội Singapore River Hongbao thường được tổ chức ở công viên Esplanade với rất nhiều trò chơi, hoạt động thú vị dành cho trẻ em như bắn pháo hoa, cuộc thi viết thư pháp, làm món ăn Singapore truyền thống và hàng loạt các trò chơi dân gian cổ truyền.

Lễ hội Đường phố Chingay bắt đầu diễn ra từ ngày thứ Bảy đầu tiên của năm mới ở khu vực Vịnh Marina và kết thúc vào ngày rằm tháng Giêng cũng là kết thúc tết. Tên gọi Chingay theo tiếng Hoa có nghĩa là "nghệ thuật trang phục và hoá trang".

Nếu đi du lịch Singapore vào Tết Nguyên Đán, bạn sẽ có cơ hội được trải nghiệm và khám phá những phong tục, tập quán hết sức độc đáo của người Singapore ở trên.

6. Thái Lan

Ở Thái Lan, ngày Tết cổ truyền của họ cũng chính là ngày sinh nhật của Đức Phật, chính là vào ngày 13/4 dương lịch hàng năm, và kéo dài 3 ngày, đến ngày 15/4 dương lịch là chính thức kết thúc Tết.

Vào dịp Tết, người Thái Lan sẽ dọn dẹp, trang trí nhà cửa, sau đó nấu cơm, bày biện thức ăn để dâng lên chùa làm lễ. Sau khi làm lễ xong, người Thái sẽ dùng nước thơm lau tượng Phật để tỏ lòng thành kính và cầu mong những điều may mắn trong năm mới.

Ngày Tết ở Thái Lan cũng vô cùng rực rỡ

Ngày Tết cũng là ngày diễn ra lễ hội té nước nổi tiếng của người Thái Lan. Vào lễ hội té nước, mọi người sẽ dùng tất cả những vật dụng có thể chứa nước để múc nước và tạt vào người nhau. Theo quan niệm của người Thái, ai tạt được càng nhiều nước thì trong năm mới, người đó sẽ gặp được càng nhiều điều may mắn.

Du khách Việt Nam thường sang Thái Lan vào ngày Tết Nguyên Đán để đi lễ chùa và cầu mong những điều may mắn ở các ngôi chùa nổi tiếng của Thái Lan. Còn nếu bạn muốn khám phá phong tục ngày Tết truyền thống của Thái Lan thì hãy đi vào ngày 13, 14, 15/4 dương lịch hàng năm nhé!

7. Hong Kong

Ngày Tết truyền thống của người Hong Kong cũng trùng với ngày Tết Nguyên Đán của người Việt Nam mình.

Tết Nguyên Đán ở Hồng Kông cũng trùng với Tết ở Việt Nam

Vào ngày Tết, rất nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc của người Hong Kong được tổ chức như:

  • Lễ hội diễu hành vào mùng 1 Tết: Tối mùng 1 Tết, tất cả người dân Hong Kong sẽ xuống đường diễu hành chào đón năm mới. Ngoài diễu hành, họ còn tổ chức ca nhạc, tạp kỹ, nhảy nhót... tạo thành một không gian hoạt náo vô cùng ấn tượng.

  • Lễ hội bắn pháo hoa vào mùng 2 Tết: Vào tối ngày mùng 2 Tết, tại cảng Victoria, Hong Kong sẽ diễn ra màn bắn pháo hoa lớn và đẹp nhất Thế Giới kéo dài tới 30 phút.

  • Lễ hội đua ngựa vào mùng 3 Tết: Vào ngày mồng 3 Tết, người dân Hồng Kông sẽ đến trường đua và xem đua ngựa. Đây là một sự kiện đặc biệt với những màn đua ngựa, múa lân và trình diễn nghệ thuật. Người tham gia sẽ đặt cược cho những chú ngựa mà họ yêu thích để hi vọng bản thân sẽ có một năm mới tràn ngập may mắn.

Ngoài ra, vào những ngày Tết, người dân Hong Kong cũng rất thích đi chùa và tham gia Lễ hội đèn lồng mùa xuân, cùng nhau làm những chiếc đèn lồng đủ hình dáng sau đó vào 6h30 phút tối, tất cả được thả xuống sông để cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới.

8. Myanmar

Ngày Tết truyền thống của người Myanmar diễn ra từ ngày 13 đến 17/4 dương lịch hàng năm, trùng với lễ phục sinh của người phương Tây.

Tết của người Myanmar còn được gọi với tên khác là ngày Thingyan, và cũng có những phong tục gần giống với Tết của người Campuchia hay Thái Lan như dâng lễ phật, lau tượng phật và lễ hội té nước truyền thống.

9. Lào

Tết truyền thống của Lào hay còn được gọi là lễ Bunpimay, diễn ra vào ngày 13, 14 và 15/4 dương lịch hàng năm (trùng với Tết cổ truyền của người Campuchia).

Tết ở Lào cũng cực vui nhộn với lễ hội té nước

Lễ hội Bunpimay với ý nghĩa đem lại sự mát mẻ, phồn vinh cho vạn vật, thanh khiết hóa cuộc sống của con người. Vào những ngày này, mọi người thường té nước vào nhau để chúc phúc, cầu mong mưa thuận gió hoà, cầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc.

10. Malaysia

Người Malaysia đón Tết cổ truyền trùng với Tết âm lịch của người Việt Nam, nhưng họ gọi ngày Tết này là Chinese New Year.

Ngoài các hoạt động truyền thống như mua sắm, lau dọn nhà cửa, đi lễ chùa thì múa lân sư và pháo hoa là hai hoạt động độc đáo thu hút khách du lịch đến với Malaysia vào ngày Tết truyền thống.

Nếu đến Malaysia vào Tết Nguyên Đán, bạn sẽ được chứng kiến lễ hội pháo hoa sẽ được tổ chức tại tòa tháp đôi Petronas, với những màn bắn pháo hoa rực rỡ kéo dài khoảng 15 phút chắc chắn sẽ làm bạn choáng ngợp.

Hy vọng với những gợi ý trên đây của chúng tôi, các bạn sẽ có chuyến du lịch Tết 2019 trọn vẹn.

Tổng hợp

Chủ đề khác