VnReview
Hà Nội

Gần Tết, tội phạm thẻ tấn công lừa đảo người bán hàng trên mạng

Với chiêu thức cũ là yêu cầu làm theo hướng dẫn để nhận tiền chuyển khoản, các tay lừa đảo đang nhắm đến những người bán hàng online do sức mua nhộn nhịp dịp Tết.

Theo phản ánh của nhiều người bán hàng online, một số người đã dính phải "cái bẫy" của các đối tượng lừa đảo này, kết quả là tài khoản ngân hàng bỗng dưng… không còn một đồng, trong khi hàng thì vẫn còn trong tay.

Chiêu cũ soạn lại dịp Tết

Chị N.Ngọc, một người bán yến sào qua mạng cho biết vì nhẹ dạ cả tin mà toàn bộ số tiền hơn 20 triệu đồng trong tài khoản của chị đã bị kẻ gian chiếm đoạt một cách dễ dàng.

Đối tượng lừa đảo tự nhận là người nước ngoài, thông báo đường link giả là đã chuyển khoản và yêu cầu "con mồi" thực hiện theo để nhận được tiền.;Ảnh chụp màn hình.

Cụ thể, đối tượng lừa đảo này đã chủ động nhắn tin mua hàng với số lượng lớn, tổng giá trị đơn là khoảng hơn 5 triệu đồng. Tuy nhiên, người này cho biết đang sống ở nước ngoài, mua số tổ yến trên để làm quà biếu Tết người thân ở Việt Nam.

"Kẻ lừa đảo giải thích do ở nước ngoài nên thủ tục chuyển khoản thông qua Western Union khá rắc rối, yêu cầu tôi phải thực hiện theo hướng dẫn, đặc biệt phải làm nhanh bởi hiệu lực của các thao tác rất ngắn", chị Ngọc nói.

Ngoài ra, nạn nhân cũng cho biết thêm thủ đoạn của đối tượng này là gửi một tin nhắn chụp ảnh là đã chuyển số tiền mua hàng kèm đường link (liên kết), yêu cầu điền mật khẩu… Ngay khi làm xong thì phía ngân hàng nhắn tin tài khoản của chị bị rút sạch theo từng đợt. Sau khi lừa đảo, tài khoản Facebook kia cũng "mất tích".

Trong khi đó, chị H.D. một người bán quần áo trên mạng cho hay thời gian gần đây, đã có đến 3-4 đối tượng lừa đảo sử dụng cách thức như trên để tiếp cận chị.

Chị Dương cho biết do được nhiều người cùng kinh doanh online mách nhau "mánh" của các đối tượng này nên đặc biệt cảnh giác.

"Chúng lợi dụng việc mua bán nhộn nhịp cuối năm, ngoài ra, đặt hàng với số lượng lớn có giá trị cao để dụ dỗ người bán. Đã nhiều người mắc bẫy của chúng nên hiện các hội nhóm những người bán hàng qua mạng đều chia sẻ với nhau, tránh những trường hợp tương tự", chị D. nói.

Thực tế, "chiêu" lừa đảo này đã có vài tháng trở đây, khiến nhiều người không còn một đồng trong tài khoản. Thời điểm cận Tết, các đối tượng này đã hoạt động tích cực hơn nhằm giăng bẫy, chiếm đoạt tiền của những người bán hàng online.

Ngân hàng đồng loạt lên tiếng cảnh báo

Trước bẫy lừa đảo có phần lộng hành dịp cận Tết, mới đây, các ngân hàng cũng đã đồng loạt lên tiếng cảnh báo người dùng, đặc biệt là những chủ cửa hàng chuyên kinh doanh online thường phải giao dịch chuyển khoản cho nhiều đối tượng.

Phía Vietcombank cho hay đặc điểm chung của các đối tượng lừa đảo là giả mạo đang ở nước ngoài cần mua hàng hóa, dịch vụ cho người thân.

Hàng loạt ngân hàng lên tiếng cảnh báo người bán hàng online vì có thể bị lừa đảo dịp cận Tết Nguyên Đán. Ảnh: V.D.

Sau khi chủ cửa hàng đồng ý, chúng sẽ yêu cầu thanh toán bằng cách chuyển tiền qua dịch vụ như Moneygram, Western Union... có kèm link truy cập vào webiste giả mạo và yêu cầu cung cấp thông tin bảo mật. Đối tượng lừa đảo sẽ lấy các thông tin này để chiếm đoạt tài khoản.

Với những khách hàng sử dụng giao dịch trực tuyến không dùng tiền mặt như ví điện tử MoMo, Payoo... các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh nhân viên của hãng để liên hệ về những rắc rối gặp phải khi khách hàng đăng tải lên website hay fanpage của nhà cung cấp.

Sau đó, chúng lừa khách hàng cung cấp thông tin bảo mật dịch vụ ngân hàng điện tử như yêu cầu để khắc phục lỗi rồi lợi dụng để thực hiện giao dịch gian lận.

Ngoài ra, nhà băng này cũng chỉ ra một chiêu thức khác các đối tượng lừa đảo thường áp dụng với những người có nhu cầu vay tín dụng trực tuyến cận Tết là lợi dụng hồ sơ có kèm thông tin dịch vụ ngân hàng điện tử rồi thực hiện hành vi lừa đảo.

Trao đổi với Zing.vn, đại diện một ngân hàng thương mại cho biết hiện các trường hợp lừa đảo ngày càng tinh vi hơn. Có trường hợp các đối tượng xấu giả danh nhân viên ngân hàng để yêu cầu khách thực hiện các dịch vụ tài chính.

"Ngoài ra, cũng có trường hợp lợi dụng những người bán hàng online, gửi những đường dẫn yêu cầu điền thông tin rồi lợi dụng để thay đổi lệnh nhận mã OTP từ qua điện thoại thành email để thực hiện hành vi lừa đảo", vị này cho hay.

Tương tự, Techcombank cũng lên tiếng khuyến cáo khách hàng kiểm tra địa chỉ liên kết và email của người gửi xem có xác thực hay không trước khi nhấp vào, cảnh giác với những liên kết nhận được từ mạng xã hội.

Nhà băng này lưu ý khách không được cung cấp các thông tin bảo mật như tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, đặc biệt là mã OTP cho bất kỳ ai và trong hình thức nào, bởi OTP là chìa khóa quan trọng cuối cùng để bảo vệ tài khoản.

Theo Zing

Chủ đề khác