VnReview
Hà Nội

Ba Lan có thể cấm bán sản phẩm Huawei sau vụ nhân viên bị bắt vì nghi vấn gián điệp?

Ba Lan có thể sẽ xem xét việc cấm sử dụng các sản phẩm của Huawei sau khi một nhân viên của công ty này tại chi nhánh Ba Lan bị bắt vì nghi là gián điệp của Trung Quốc.

Theo Reuters, chính phủ ba Lan sẽ tìm cách thắt chặt luật pháp nhằm hạn chế sự xuất hiện của các sản phẩm Huawei bán ra tại thị trường này, bao gồm smartphone lẫn các thiết bị mạng. Nguyên nhân do giới chức nước này lo ngại Huawei có thể là gián điệp của Bắc Kinh đúng như những cáo buộc của các nước phương Tây khác như Mỹ, Anh, Đức.

Hôm thứ Sáu (11/1) vừa qua, Ba Lan đã bắt giữ một nhân viên của Huawei có tên Weijing W và một cựu quan chức an ninh của Ba Lan tên Piotr D với cáo buộc hoạt động gián điệp. Vụ việc trên càng khoét sâu thêm lòng tin của phương Tây với nhà sản xuất thiết bị viễn thông số một thế giới Huawei.

Tuy nhiên theo một quan chức chính phủ Ba Lan có tên Kar Kar Okonski, người chịu trách nhiệm về an ninh mạng chia sẻ với tờ Reuters, giới chức nước này vẫn đang cân nhắc về những thay đổi chính sách đột ngột với Huawei sau vụ bắt giữ nhân viên bị tình nghi là gián điệp. Trong đó không ngoại trừ việc Ba Lan sẽ cấm bán các sản phẩm của Huawei.

Mới đây ông Joachim Brudzinski, bộ trưởng nội vụ Ba Lan đã lên tiếng kêu gọi Liên minh Châu Âu và NATO cần hợp tác để loại trừ Huawei khỏi thị trường mạng viễn thông 5G trong tương lai.

Theo phát ngôn viên của một dịch vụ bảo mật tại nước này chia sẻ hôm thứ 11/1, Cơ quan An ninh nội bộ Ba Lan đã bắt giữ một quan chức vì tình nghi đã cấp giấy phép chứng nhận bảo mật cho một số thiết bị sử dụng tại cơ quan chính phủ. Người này cũng từng làm việc cho một số tổ chức chính phủ, giữ các vị trí quan trọng trong việc bảo vệ an ninh nội bộ.

Trước diễn biến trên, Huawei hôm thứ 7 (12/1) đã bất ngờ sa thải người nhân viên bị tình nghi dính líu tới hoạt động gián điệp. Đồng thời Huawei khẳng định những hành động sai trái của người nhân viên này không hề liên quan đến công ty.

Huawei hiện đang phải đối mặt với một cơn sóng gió khủng khiếp khi liên tiếp Mỹ, Nhật, Úc, New Zealand, Đức hay sắp tới có thể là Ba Lan, Na Uy sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng xây dựng mạng 5G tại những quốc gia này. Thậm chí các sản phẩm của Huawei còn có nguy cơ bị cấm bán do lo ngại ảnh hưởng đến an ninh quốc gia vì đã từ lâu hãng được coi là "tay trong" của Bắc Kinh cài cắm tại các nước phương Tây.

Tất nhiên nhiều cáo buộc trong số đó của giới chức phương Tây là đơn phương và không hề có căn cứ cụ thể nhưng trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt thì đây có thể là đòn đánh kinh tế gián tiếp của Mỹ vào Trung Quốc.

Tiến Thanh

Chủ đề khác