VnReview
Hà Nội

Bill Gates và câu chuyện về chiếc toilet hoạt động nhờ... sâu trị giá 350 USD

Loài sâu có thể không có xương sống, nhưng chúng đã và đang làm những công việc cực kỳ nặng nhọc tại hơn 4.000 toilet trên toàn đất nước Ấn Độ.

Kể từ năm 2015, một loại toilet sáng tạo mới được gọi là Tiger Toilet đã được triển khai tại nhiều nhà và trường học tại quốc gia này. Nhìn từ bên ngoài, chúng trông không khác các loại toilet khác. Nhưng bên trong, chúng lại có cả một cộng đồng...giun hổ (tiger worms).

"Môi trường sống và sinh sản tự nhiên của chúng là những đống phân bò hay phân ngựa, hay những thứ đại loại như vậy" - Ajeet Oak, giám đốc công ty Tiger Toilet cho biết - "Phân, đó là nơi chúng thích sống".

Những chiếc toilet này không sử dụng cơ chế xả nước truyền thống và không kết nối đến một hệ thống cống nào cả. Thay vào đó, những con sâu được chứa trong một bể chứa bên dưới toilet, và chúng ăn chất thải con người thải ra. Quá trình hoạt động của loài sinh vật này sản sinh ra một hỗn hợp nước, carbon dioxide, và một lượng nhỏ phân sâu (tất nhiên, phân sâu không độc hại và giàu chất dinh dưỡng hơn phân người).

Hỗn hợp nước nói trên không đủ sạch để có thể uống được, nhưng nó "có thể thấm sâu xuống đất và được lọc tự nhiên từ đó" - Oak nói. Do đó, với toilet mới, chúng ta không cần các nhà máy xử lý nước thải nữa.

Để có thể đưa hệ thống toilet sâu ra thị trường, Tổ chức Bill and Melinda Gates đã đầu tư 4,8 triệu USD cho Trường Y học nhiệt đới và Vệ sinh London để họ hoàn thiện công nghệ này. Tiger Toilet cũng nhận được 170.000 USD từ Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) để tiến hành thử nghiệm ban đầu tại Ấn Độ, Myanmar và Uganda. Hiện nay, sau nhiều năm phát triển và thử nghiệm thực tế trên thế giới, công nghệ này cuối cùng cũng đến tay những người dân cần chúng nhất.

"Có nhiều người lần đầu được sử dụng toilet" - Oak nói, cho biết thêm rằng trước khi được tặng một chiếc Tiger Toilet, "họ sẽ phải đi vệ sinh ngoài đồng".

Bill Gates mới đây đã phát biểu tại Bắc Kinh rằng ông sẵn sàng chi thêm 200 triệu USD nữa để phát triển công nghệ toilet thế hệ tiếp theo giống những chiếc Tiger Toilet, vốn có thể hoạt động không cần các hệ thống cống lớn. Theo Bill Gates, đến năm 2030, tại Trung Quốc, tổng số Tiger Toilet sẽ có giá trị lên đến 6 tỷ USD.

Sâu làm sạch chất thải như thế nào?

Sâu hổ, hay tên khoa học là Eisenia Fetida, là loài động vật thích ăn chất thải, biến chúng thành một giải pháp ủ phân hoàn hảo, và chúng đặc biệt thích những thứ... rơi vào bể chứa Tiger Toilet của chúng.

"Những con sâu này sẽ không tự trốn thoát được bởi chúng không thể tồn tại trong đất" - Oak nói. Chúng cần chất thải của người để sinh tồn.

Chi phí lắp đặt hệ thống Tiger Toilet vào khoảng 350 USD và không yêu cầu phải kết nối tới đường ống thoát nước hay cống nước thải.

Khi một người đã "giải quyết nỗi buồn" xong, chất thải của họ sẽ được đưa xuống bể chứa đầy sâu bên dưới thông qua một hệ thống xả chỉ cần vài xô nước mà thôi (xô nước theo đúng nghĩa đen, vì không hề có thiết bị xả tự động trên Tiger Toilet).

Kết quả xử lý chất thải của Tiger Toilet cực kỳ ấn tượng: chúng loại bỏ 99% mầm bệnh; và để lại không quá 15% chất thải tính theo cân nặng dưới dạng phân hữu cơ. Số chất thải còn lại trở thành nước (khoảng 60-70%) và carbon dioxide. Rõ ràng kết quả này tốt hơn bể xí tự hoại nhiều.

Hơn nữa, các sản phẩm phụ tạo ra sau quá trình xử lý có thể được sử dụng làm phân bón cực tốt - theo lời Oak, bởi nó là hỗn hợp của nitrogen, phosphorous, carbon và potassium, tốt cho sự phát triển của cây cối.

Tiger Toilets (và các nhà máy xử lý sử dụng sâu hổ, như hình bên dưới) cũng không tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi và thu hút các loài sinh vật bay mang mềm bệnh khác.

"Người dùng thích Tiger Toilet hơn các loại toilet truyền thống" - USAID viết trong báo cáo thực nghiệm vào năm 2015 - "Bởi sâu xử lý chất thải rắn, toilet này tạo ra ít mùi hôi hơn và thu hút ít ruồi muỗi hơn các toilet thông thường".

Những mẫu Tiger Toilet đầu tiên hiện đã 5 năm tuổi và bể chứa sâu của chúng vẫn chưa cần phải bảo trì - những chú sâu nhỏ vẫn nhiệt tình... nhai phân. Sau khoảng 8 đến 10 năm, các toilet này mới cần bảo trì và làm sạch bể chứa sâu (người dùng bình thường không nhìn thấy bể chứa này).

Việc bảo trì cũng không phải ghê gớm gì, bởi "bạn không cần phải xử lý các loại chất nhầy" - Oak nói.

Chỉ cần mở nắp toilet, làm lộ ra lớp trên cùng của bể chứa sâu, sau đó xúc chúng ra và sử dụng làm phân bón. Sau đó lũ sâu sẽ sẵn sàng để tiếp tục hoạt động.

Tại sao con người cần toilet sâu?

Những chú sâu nhỏ sống trong phân này đang giúp con người làm những việc hết sức nặng nhọc.

Tại các quốc gia đang phát triển, nhiều người không có một nơi vệ sinh an toàn, và họ có thể chết do các điều kiện mất vệ sinh. Bệnh tiêu chảy giết 525.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm trên toàn thế giới bởi vệ sinh kém, theo tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Điều kiện vệ sinh kém còn khiến nền kinh tế toàn cầu mất khoảng 223 tỷ USD mỗi năm.

Bên cạnh đó, đi vệ sinh lộ thiên còn gây nguy hiểm cho nữ giới. Một nghiên cứu vào năm 2016 tại Ấn Độ cho thấy phụ nữ đi vệ sinh lộ thiên có nguy cơ bị tấn công tình dục bởi người lạ cao gấp đôi so với những người có nhà vệ sinh trong nhà.

Tại Ấn Độ, hàng triệu người vẫn đi vệ sinh lộ thiên - chính xác là 40% dân số quốc gia này, theo ước tính của Ngân hàng Thế giới vào năm 2015.

Ấn Độ đã đặt ra mục tiêu "Sứ mệnh Swachh Bharat" nhằm chấm dứt tình trạng đi vệ sinh lộ thiên trong năm 2019, nhưng sẽ khó mà thành công được bởi ngay cả những người có điều kiện sử dụng toilet không phải lúc nào cũng sử dụng chúng. Một khảo sát trên 9.800 người và 150 viên chức chính quyền địa phương trên toàn Ấn Độ vào năm 2018 cho thấy cứ 4 người ở các tỉnh vùng sâu vùng xa phía Nam nước này có điều kiện sử dụng toilet thì có 1 người không sử dụng chúng!

Một người phụ nữ Ấn Độ có tên là Veer cho biết có nhiều thanh niên chắn đường cô đến nhà vệ sinh công cộng, trêu ghẹo và làm nhục phụ nữ.

"Họ ăn mặc như phụ nữ, lẻn vào hàng với chúng tôi, họ có thể động chạm chúng tôi" - Veer nói - "Cứ vài ngày lại có người bị hãm hiếp. Một bên toilet là nơi chúng tôi sống, còn bên kia là rừng. Họ có thể kéo chúng tôi vào đó".

Tiger Toilet hiện đang thử nghiệm một vài loại hình toilet cho những khu dân cư đông đúc như nơi của Veer - một phiên bản toilet sâu nhỏ hơn, dễ lắp đặt trong thành phố hơn - nhưng chúng vẫn chưa sẵn sàng.

"Thách thức ở đây là phải làm ra một loại toilet cho gia đình, có thể đặt vào một căn nhà rất nhỏ" - Oak nói - "Chúng tôi sẽ gọi nó là Urban Tiger Toilet".

Chính phủ Ấn Độ cũng đã bắt đầu trợ cấp tiền cho những người dân lắp đặt toilet này trong nhà, giúp Tiger Toilet trở nên rẻ hơn đối với những hộ gia đình lần đầu lắp đặt toilet.

Mang toilet sâu ra thế giới

Lixil Group, công ty mẹ sở hữu gã khổng lồ ngành công nghiệp toilet American Standard và Grohe, cũng tỏ ra hứng thú với Tiger Toilet. Công ty này mới đây đã ký một thỏa thuận nhằm mở rộng quy mô triển khai Tiger Toilet.

"Chúng tôi muốn tạo ra một loại toilet nhỏ gọn và bạn có thể đặt bất cứ đâu" - Daigo Ishiyama, giám đốc marketing và công nghệ của Lixil nói.

Nhưng ông cho biết sẽ mất nhiều thời gian; "Chúng ta đang sử dụng những sinh vật sống - loài sâu, bạn biết đấy".

Dù vậy, phát minh mới có khả năng tạo ra những thay đổi mang tính đột phá - một chiếc toilet không đòi hỏi hệ thống cống truyền thống - là một dự án mà Gates rất hào hứng. Ông thậm chí còn so sánh nó với việc phát minh ra máy tính cá nhân.

"Đó là một danh mục sản phẩm hoàn toàn mới sắp được giới thiệu ra thị trường" - ông nói.

Minh.T.T

Chủ đề khác