VnReview
Hà Nội

Chính phủ Mỹ đóng cửa khiến các nhà khoa học điêu đứng vì không có tiền để nghiên cứu

Hậu quả từ việc chính phủ Mỹ đóng cửa không chỉ tác động tới các hoạt động văn hóa, du lịch của nước Mỹ mà còn gián tiếp khiến các nhà khoa học nước này không còn tâm trạng để tiếp tục nghiên cứu khoa học.

Tính tới ngày 17/1 đã là ngày thứ 27, chính phủ Mỹ đóng cửa, tức gần 1 tháng kể từ khi Tổng thống Trump từ chối ký quyết định chi ngân sách trả lương cho công nhân viên chức. Cho đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ nhượng bộ đảng Dân chủ và bỏ qua yêu sách chi 5,7 tỷ USD từ ngân sách liên bang để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.

Theo Quartz, ngoài 800 ngàn nhân viên liên bang chịu ảnh hưởng vì làm việc không lương thì cũng có hàng ngàn nhà khoa học chịu cảnh chờ đợi tương tự. Họ là những nhà khoa học hoạt động dựa vào nguồn tài trợ của liên bang.

Trong suốt nhiều năm, nhiều cơ quan khác nhau như Viện Y tế quốc gia, Cơ quan bảo vệ Môi trường, Quỹ khoa học quốc gia, Bộ năng lượng Mỹ, NASA và Cục khảo sát địa chất Mỹ đã xem xét và trao các khoản tài trợ của chính phủ liên bang cho các nhà khoa học trên khắp cả nước để thực hiện các nghiên cứu quan trọng.

Tuy nhiên với việc chính phủ Mỹ đóng cửa và không có lương để chi trả cho viên chức và các cơ quan trực thuộc chính phủ, nguồn ngân sách tài trợ cho các nhà khoa học cũng bị cắt luôn.

Rất khó để định lượng chính xác bao nhiêu khoản tài trợ khoa học đã bị cắt vì mỗi cơ quan lại có một khung hoạt động khác nhau. Tuy nhiên ngân sách liên bang phân bổ cho năm tài chính 2018 (bắt đầu từ tháng 10/2017) đã chi 176,8 tỷ USD cho nghiên cứu và phát triển.

Giả sử giai đoạn từ ngày 21/12/2017 đến 11/1/2018, cùng thời điểm chính phủ Mỹ đóng cửa hiện tại, Tổ chức khoa học quốc gia (NSF) đã cấp 307 khoản tài trợ với tổng số tiền lên tới 103 triệu USD. Như vậy trong giai đoạn 21/12/2018 đến 11/1/2019, ít nhất chính phủ cũng cần chi khoảng 103 triệu USD cho các nhóm nghiên cứu trên khắp nước Mỹ. Nhưng tất nhiên khi chính phủ đóng cửa sẽ không có bất kỳ một khoản chi nào trong lúc này.

Không chỉ chậm trễ trong nguồn chi cho các dự án nghiên cứu khoa học, rất nhiều khoản tài trợ cho sinh viên đại học cũng không còn. Nếu không có sự đảm bảo về kinh phí, giám đốc của nhiều phòng thí nghiệm sẽ khó thu nhận thêm sinh viên tốt nghiệp trong nhiều năm tới.

Các nhóm nghiên cứu thường nhận tài trợ từ nhiều cơ quan khác nhau. Mặc dù một số nhóm đã được trao tiền tài trợ nhưng có không ít cá nhân không thể tiếp tục nếu như không đảm bảo có nguồn tài trợ từ chính phủ.

Simmons, một sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành nghiên cứu vi sinh tại Đại học California – Berkeley chia sẻ, cô không thể liên lạc được với người đứng đầu phòng thí nghiệm đồng thời là người nhận tài trợ từ Bộ nông nghiệp Mỹ. Kết quả là các thí nghiệm của người này đã bị trì hoãn.

Không chỉ tại các phòng thí nghiệm riêng lẻ, nhiều nhóm nghiên cứu quốc tế cũng có nguy cơ phải dừng hoạt động. Theo báo cáo của Nature, 4 trong số 20 nhà khoa học chính làm việc trong Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã không còn làm việc chung với các đồng nghiệp quốc tế.

Nhiều cuộc họp và hoạt động thu thập thông tin cũng bị gián đoạn nghiêm trọng. Việc không có nguồn thông tin từ NASA và NOAA (Cơ quan khí quyển và đại dương quốc gia Mỹ) khiến các nhà nghiên cứu không thể so sánh nhiệt độ của năm 2018 so với nhiều năm trước. Bên cạnh đó, 700 nhà khoa học liên bang đã quyết định không tham gia vào một số cuộc họp của Hiệp hội khí tượng Mỹ và Hiệp hội thiên văn Mỹ. Sự việc này gây ra hàng trăm bài thuyết bị bị lỡ dở vì không có người.

Nghiên cứu khoa học gần như đã dậm chân suốt gần 1 tháng qua tại Mỹ. Rất nhiều nhà nghiên cứu, bao gồm ở Trung tâm dịch vụ thời tiết quốc gia đang phải làm việc không lương. Mặc dù các nguồn quỹ tư nhân có thể là giải pháp trong lúc này nhưng sẽ khó có thể duy trì lâu khi đa phần lương của các nhà khoa học do chính phủ Mỹ tài trợ.

Trong vài tuần qua đã có không ít làn sóng phản đối của người dân với việc chính phủ Mỹ đóng cửa quá lâu và viên chức phải làm việc không lương. Thậm chí nhiều di tich lịch sử và địa điểm du lịch đã buộc phải đóng cửa vì không có nhân viên.

Dù đã được một thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa khuyên mở cửa lại chính phủ nhưng tổng thống Trump vẫn rất kiên định với lập trường của mình. Ông Trump khẳng định sẽ không bao giờ lùi bước và để giữ an toàn cho nước Mỹ, ông muốn Hạ viện Mỹ phải nhượng bộ và thông qua khoản ngân sách xây bức tường biên giới.

Cuộc sống của người dân và tại các địa điểm du lịch công cộng sau khi chính phủ Mỹ đóng cửa:

Vườn quốc gia Thung lũng chết phải đóng cửa vì không có nhân viên bảo vệ

Cher Muhot cùng các con tại Nokesville, tiểu bang Virginia giơ tấm biển với dòng chữ: "Chính phủ Tổng thống Trump đóng cửa khiến gia đình tôi gặp khủng hoảng".

Rất nhiều cuộc biểu tình phản đối tình trạng chính phủ đóng cửa

Công viên Quốc gia Arches, Utah bị đóng cửa

Sở thú Quốc gia Smithsonian cũng bị đóng cửa

Du khách không thể vào tham quan bảo tàng Hàng không và Không gian Quốc gia Smithsonian ở Washington.

Phòng trưng bày nghệ thuật quốc gia ở Washington, Mỹ cũng đã bị đóng cửa.

Một công nhân nhặt rác ở Trung tâm thương mại quốc gia gần tòa nhà Quốc hội Mỹ đang phải làm không công. Nhiều nhân viên chính phủ và cả đội bảo vệ Tổng thống phải làm việc không lương gần tháng nay vì chính phủ đóng cửa

Tiến Thanh

Chủ đề khác