VnReview
Hà Nội

Kết quả tìm kiếm Google sẽ hiển thị "đìu hiu" như thế này khi luật bản quyền của EU có hiệu lực

Liên minh châu Âu đang gấp rút chuẩn bị để ban hành luật bản quyền mới nhằm buộc các nền tảng trực tuyến như Google và Facebook phải trả tiền cho các nhà cung cấp nội dung để được phép hiển thị thông tin cho người dùng, cũng như giám sát tình trạng vi phạm bản quyền của người dùng trên các dịch vụ mà những công ty này cung cấp.

Quyết định này được cho là sẽ gây nên hàng loạt vấn đề có thể làm thay đổi hoàn những trải nghiệm Internet của người dùng, bởi vì về lý thuyết luật này sẽ nghiêm cấm hoàn toàn việc các nền tảng này hiển thị nội dung từ các nguồn bên ngoài. Chia sẻ với Search Engine Land, Google đã minh hoạ những tác động của quy định này đến việc hiển thị kết quả tìm kiếm tin tức thông qua một số ảnh chụp màn hình như sau:

Có thể thấy qua hình ảnh trên, trang kết quả tìm kiếm hiển thị gần như trống không, bởi nó không thể hiển thị các tiêu đề bài viết, tóm tắt nội dung hay hình ảnh minh hoạ – vốn được coi là các nội dung có bản quyền.

Google dĩ nhiên sẽ không hiển thị những kết quả tìm kiếm vô dụng như thế này. Nhiều khả năng hãng sẽ ký kết thoả thuận với một số đối tác để có thể hiển thị các nội dung có bản quyền lên trang web (và rõ ràng điều này sẽ đem lại lợi thế cho các công ty, hãng tin lớn và khiến các trang tin tức nhỏ bị đẩy ra khỏi cuộc chơi).

Đối với người dùng, điều này đồng nghĩa với việc số nguồn tin mà chúng ta có thể tìm kiếm thông qua nền tảng của Google sẽ ít đi và trở nên kém phong phú hơn; do đó, nó đồng thời sẽ dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng truy cập tới các kênh truyền thông, vốn sử dụng Google như một phương tiện quảng bá thông qua việc "thăng hạng" website của mình trên trang kết quả tìm kiếm.

Trong trường hợp này, rõ ràng là hai bên sẽ cùng gặp bất lợi, cả các nhà cung cấp nội dung và các nền tảng công nghệ đều sẽ phải chứng kiến số lượt người dùng truy cập giảm sút, và điều kì lạ là các nhà làm luật của EU không nhận ra nguy cơ này – có lẽ là bởi họ quá tự tin rằng ‘giải pháp' về mặt chính sách mà họ đưa ra sẽ đem lại lợi ích cho các nhà sản xuất nội dung và những người giữ bản quyền thông qua việc buộc những cá nhân, tổ chức sử dụng thông tin của các đơn vị này phải trả tiền bản quyền. Dĩ nhiên, điều đó chỉ đúng trên lý thuyết.

Hiện vẫn chưa có thông tin cụ thể về thời gian bắt đầu áp dụng của luật bản quyền mới này – vẫn còn nhiều quy trình cần được thực hiện, vì vậy có thể phải đến năm 2021, các nước thành viên EU mới có thể đưa quy định này vào các bộ luật của quốc gia. Hy vọng rằng, các nhà lập pháp của khối sẽ sớm nhận ra và điều chỉnh lại các quy định cho phù hợp với xu thế chung của giới công nghệ.

An Huy

Chủ đề khác