VnReview
Hà Nội

Tại sao Tổng thống Mỹ có quyền đóng cửa chính phủ?

Tính đến hôm nay, ngày 19/1/2019, chính phủ Mỹ đã đóng cửa được 28 ngày, đánh dấu lần đóng cửa dài nhất từng thấy trong lịch sử nước này.

Trong nền chính trị Mỹ, chính phủ đóng cửa diễn ra khi Quốc hội không thông qua dự thảo chi tiêu hoặc các giải pháp để đáp ứng nhu cầu hoạt động của Chính phủ Liên bang và các cơ quan liên quan, hay khi Tổng thống từ chối ký văn bản để đưa dự thảo chi tiêu và các giải pháp nói trên vào luật. Trong những trường hợp đó, theo Đạo Luật Phòng ngừa Thiếu hụt, Chính phủ Liên bang sẽ phải "đóng cửa", tức cắt giảm các hoạt động không cần thiết của các quan chức, các cơ quan, và các dịch vụ liên quan.

Ví dụ gần đây nhất, Chính phủ Mỹ đã chính thức đóng cửa từ ngày 22/12 do Quốc hội nước này không thông qua được dự thảo chi tiêu cho năm tài khóa mới. Nguyên nhân là do các cuộc đàm phán về dự luật ngân sách giữa các Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ và Nhà Trắng không đạt đồng thuận xung quanh ngân sách xây dựng bức tường biên giới với Mexico của Tổng thống Mỹ Trump.

Nhưng tại sao Tổng thống Mỹ lại có quyền đóng cửa Chính phủ?

Trên thực tế, Tổng thống Mỹ không có quyền nào gọi là "đóng cửa Chính phủ", mà chỉ có thể thực hiện một số hành động dẫn đến kết quả cuối cùng là "Chính phủ buộc phải đóng cửa".

Cụ thể, theo Hiến pháp Mỹ, Quốc hội có quyền kiểm soát công khố và chịu trách nhiệm kiểm soát các nguồn chi tiêu của Chính phủ. Các dự thảo chi tiêu này phải được cả Thượng viện lẫn Hạ viện thông qua, sau đó chuyển đến tay Tổng thống. Nếu Tổng thống ký dự thảo, nó sẽ trở thành một văn bản luật. Nếu Tổng thống phủ quyết dự thảo, nó sẽ được trả về cho Quốc hội, và tại đây, phủ quyết của Tổng thống có thể bị... phủ quyết bởi 2/3 số Nghị sỹ của cả hai viện.

Nếu vì lý do nào đó mà các dự thảo chi tiêu này bị Tổng thống phủ quyết, sau đó Quốc hội không thể phủ quyết phủ quyết của Tổng thống như đã trình bày ở trên, Chính phủ sẽ phải đóng cửa vì các cơ quan chính phủ về mặt pháp lý không được phép chi tiền để trả lương cho nhân viên.

Tổng thống còn có quyền phủ quyết các dự thảo chi tiêu có thể làm tăng hạn mức nợ của Nhà nước. Điều này cũng gián tiếp làm Chính phủ đóng cửa vì dù các cơ quan chính phủ vẫn được phép trả lương cho nhân viên, nhiều bộ phận khác trong Chính phủ - vốn đã hết hạn mức vay nợ - không thể đi vay tiền để chuyển cho các cơ quan chính phủ kia trả lương cho nhân viên. Đó chính là nguyên nhân sâu xa dẫn đến lần đóng cửa mới nhất của Chính phủ Mỹ.

Vì không đạt được thỏa thuận với Quốc hội liên quan chi phí xây tường biên giới Mỹ - Mexico, Tổng thống Donald Trump đe dọa phủ quyết dự thảo chi tiêu để tăng hạn mức nợ; nếu không thể tăng hạn mức nợ, ngân hàng trung ương sẽ không đủ tiền để trả tiền cho nhân viên chính phủ, lẫn trả lợi tức đối với trái phiếu chính phủ. Điều thú vị là vì Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ hiện nay "như mèo với chó", không thể cùng hợp tác với nhau để đạt được con số 2/3 phủ quyết lại phủ quyết của Tổng thống, nên kết quả là Chính phủ Mỹ phải đóng cửa để cắt giảm chi phí cho đến khi Tổng thống và Quốc hội đạt được một thỏa thuận mới.

Như vậy, để buộc Chính phủ đóng cửa, tất cả những gì Tổng thống phải làm là phủ quyết dự thảo chi tiêu, và trừ khi Quốc hội đảo ngược được phủ quyết này, Chính phủ Mỹ sẽ bị buộc phải đóng cửa!

Minh.T.T

Chủ đề khác