VnReview
Hà Nội

Mạng xã hội Nhật rúng động vì clip giáo viên đấm học sinh hỗn láo rách mồm

Sau khi video dài 1 phút 74 giây được lan truyền, Internet Nhật Bản đã bùng nổ tranh cãi kịch liệt về vấn đề bạo lực học đường, thái độ với người lớn hay áp lực mà nghề giáo phải chịu.

Đoạn video ngắn được các học sinh quay lại mô tả cuộc nói chuyện ngoài hành lang giữa giáo viên và một cậu học sinh. Địa điểm xảy ra là trường trung học Machida Sogo, phía tây Tokyo, thời gian là ngày 15/1 vừa qua. Cậu nhóc trong video đã 16 tuổi và học năm nhất, bị gọi ra hành lang bởi hành vi đeo khuyên tai trái với quy định mặc đồng phục của nhà trường.

Trước khi xảy ra xô xát, người thầy tỏ vẻ lắng nghe và không phản ứng nhiều, còn cậu học sinh thì lớn tiếng và nói nhiều hơn đặc biệt có những câu rất khó nghe. "Đừng có chơi tôi" - lúc đó đang rất tức giận. "Hãy dùng bộ não bé tí của ông để nghĩ thử xem" hay "ông là một thằng đần chết dẫm hả?". Và có một câu đầy tính đe dọa "Định bồi thường cho tôi kiểu đ** gì đây?"; khi nhắc đến chiếc khuyên tai đã bị tịch thu.

Tuy nhiên, sau khi cố gắng giữ bình tĩnh, người giáo viên đã có phản ứng lại vô cùng mạnh mẽ. Ông tiến tới đẩy mạnh vào ngực cậu học sinh sau đó giáng một cú vào mặt, quật cậu ta xuống sàn. Ông kéo cậu ta giữa hành lang và trước khi mọi chuyện trở nên tệ hơn, một số học sinh chạy từ trong lớp ra cố ngăn người giáo viên. Lúc này ông buông tay và để cho cậu học sinh đau đớn nằm trên sàn. Đã có báo cáo thương tích về cậu học sinh mặt bị bầm tím và bị rách miệng.

Phản ứng của truyền thông Nhật Bản là đứng về phía người giáo viên, bình luận về màn bạo lực học đường đáng kinh ngạc là những câu:

  • "Nhà trường nên giữ lại giáo viên đó và tống cổ thằng nhóc đi".

  • "Tuyệt vời! Bạn chắc chắn sẽ phải chịu ăn đấm như vậy nếu nói chuyện với người khác theo cái cách đó".

  • "Ha ha, thằng nhóc đã bị hạ nốc-ao chỉ với một đòn (‘one-hit KO' hay ‘OHKO' là cách nói ‘đấm phát chết luôn')".

  • "Hay lắm, thầy giáo ạ! Thằng nhóc đó nên bị đuổi học".

  • "Chúng ta nên gửi cho nhà trường một email nói rằng ‘Người giáo viên đó chẳng làm gì sai cả'".

Trong khi đó, trang Change.org có một bản kiến nghị yêu cầu sa thải ngay vị giáo viên đã có hành vi bạo lực. Nhưng sau bốn ngày chỉ có 39 chữ ký ủng hộ.

Mặc dù được sự ủng hộ từ các phương tiện truyền thông, nhà trường vẫn gửi tới gia đình cậu bé lời xin lỗi. Còn người giáo viên trong clip cũng lên tiếng bày tỏ sự hối hận: "Tôi đã không giữ nổi bình tĩnh vì những lời nói của cậu ta rồi trở nên bạo lực, tôi rất lấy làm tiếc đã hành động như vậy". Theo hồ sơ, người đàn ông này chưa từng ghi nhận bất kỳ trừng phạt lên thân thể học sinh nào trước đây. Nhà trường đang xem xét các biện pháp kỷ luật đối với giáo viên, cũng như đang thảo luận với cảnh sát việc có nên nộp đơn yêu cầu xử lý hình sự hay không.

Phía cha mẹ cậu bé thì không đưa ra bình luận về vụ việc. Trong khi đó, những bình luận của cộng đồng mạng thì chia làm nhiều luồng ý kiến khác nhau. Có người khẳng định bạo lực học đường là không thể chấp nhận, trong khi cũng có những người bênh vực giáo viên.

Nickname Yubaru viết: "... Giáo viên đó sai rành rành. Ông ta đã hành hung học sinh. Bất kể cậu ta nói gì, ông cũng không có quyền làm như vậy. Việc của ông ta là xoa dịa tình hình, mọi việc leo thang bởi ông ta đã mất kiểm soát", trên tờ Japan Today. Một người khác: "Những đứa trẻ ngày nay không bao giờ tồn tại trong thời đại giáo dục của chúng tôi. Bố tôi chỉ phải hỏi giáo viên lý do đánh tôi có đúng một lần. Bọn trẻ cần phải biết làm thế nào để tôn trọng người lớn tuổi hơn. Quá nhiều những bậc phụ huynh ở Nhật và cả nước ngoài ủng hộ con mình trong những tình huống kiểu này".

Một ý kiến khác lại cho rằng những quy tắc đang trở nên quá khắt khe. Bất cứ dạng trang điểm nào theo phong cách như khuyên tai, nhuộm tóc, kiểu tóc,... đều vô hại và không nói lên điều gì về nhân cách của người đi học. Tự nhận đã đi dạy được 34 năm, người này chia sẻ từng có một học sinh cũng 16 tuổi, cũng bấm khuyên xỏ vòng và nhuộm tóc màu xanh, bày tỏ rằng anh/cô ấy là giáo viên đầu tiên nhìn nhận cách ăn mặc của cậu ta, trả lời cậu ta niềm nở như với một con người. "Ở tuổi 16 và đã học có lẽ khoảng 30 giáo viên. Vậy mà chỉ có một thôi sao? Thật đáng thương!".

Một câu thành ngữ được nhiều người viết: "Spare the rod and spoil the child" - "thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi". Và một người khác nhắc lại câu nói của nhà sử học người Anh Albert Marrin rằng: "Words have consequences" (tạm dịch: Lời nói luôn đi kèm hậu quả"), mong rằng nhà trường sẽ không xử phạt quá nặng giáo viên vì đã dạy cho cậu học sinh phải nói năng đúng mực hơn. Tuy nhiên cũng có nhiều người phản đối, cho rằng không thể chấp nhận hành động phản giáo dục đó và vị giáo viên xứng đáng bị trừng phạt.

Phía Liên đoàn Nhà giáo Quốc gia của Nhật đã cân nhắc từng câu từng chữ về vụ việc đáng tiếc. "Một nhà giáo thì không bao giờ nên dùng bạo lực đối xử với học sinh và chúng tôi mong muốn các thành viên có thể giao tiếp với học trò, cần phải kiên nhẫn và tránh bất kì hành vi bạo lực nào", người phát ngôn Tamaki Terazawa cho biết. "Nhưng chúng tôi cũng nhận ra mức độ khó xử trong một số tình huống nhất định, và đây là một trường hợp như vậy. Rõ ràng từ video người giáo viên đã cố gắng nói chuyện bình tĩnh với cậu bé, nhưng hành vi của anh ta rất tệ".

Thực tế thì dù quy định hay chuẩn mực như nào, những giáo viên cũng chỉ là con người bình thường. Trong tình huống bị xúc phạm nặng nề bởi chính học trò, kiềm chế cảm xúc không phải điều đơn giản. Bất cứ ai cũng có thể bộc phát như giáo viên trong clip.

Liên đoàn đang kêu gọi Bộ Giáo dục và các cơ quan giáo dục địa phương cải thiện điều kiện làm việc của giáo viên - những người đã phải lao động trung bình 80 giờ mỗi tuần. Mức cao nhất của bất kỳ quốc gia nào trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) - để giúp giải quyết các vấn đề trong trường lớp. Makoto Watanabe, một giáo sư tại Đại học Bunkyo, cho biết đang có xu hướng lây lan nhanh trong các nam sinh vị thành niên, thường thích thể hiện (show-off) trước bạn cùng lớp.

Ông cho biết ở thời của mình, giáo viên có quyền la mắng, thậm chí tát học sinh. Nhưng ngày nay Bộ đã có quy định, vậy nên bọn trẻ trở nên cứng đầu hơn, chúng biết dù làm gì thì giáo viên cũng không được phép bạo lực hay ngược đãi thân thể mình. Và ông nêu lên một thực tế chua chát: "Đó là lý do vì sao rất ít người muốn công tác tại trường trung học cơ sở và phổ thông, đặc biệt những nơi có tiếng xấu. Đối với tôi nó giống như là mọi thứ đều tập trung xoay quanh nhân quyền dành cho học sinh, nhưng còn nhân quyền cho các giáo viên thì sao?".

Ambitious Man

Chủ đề khác