VnReview
Hà Nội

Hít thở không khí ô nhiễm tại New Delhi hiện nay giống như hút 45 điếu thuốc lá/ngày

Ô nhiễm không khí vốn là một vấn nạn kinh niên với thủ đô 22 triệu dân New Delhi của Ấn Độ. Giờ đây, lại một lần nữa, New Delhi đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí cực kỳ cao. Tại một số khu vực của thành phố, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đạt tới 999 - tương đương với việc hút 45 điếu thuốc mỗi ngày.

Nhưng 999 là chỉ số tối đa đo được trên màn hình, có nghĩa là mức ô nhiễm thực tế có khả năng còn cao hơn.

Chỉ số chất lượng không khí AQI dựa trên các phép đo PM2.5, mức ô nhiễm bụi cực nhỏ tạo ra thông qua quá trình đốt cháy – những hạt bụi ô nhiễm cực nhỏ này xuất phát từ việc đốt than, từ động cơ diesel trong xe máy, ô tô và từ việc đốt rơm rạ, tất cả đều là nguồn gốc gây ô nhiễm cho New Delhi. Bụi PM2.5 nhỏ đến mức có thể lọt sâu vào phổi, khiến chứng bệnh hen suyễn nặng thêm và gây ra một loạt các ảnh hưởng sức khỏe khác

"Tôi cảm thấy khó thở ngay cả trong xe hơi. Tôi không thể mở cửa sổ khi ở nhà", ông Nishank Dadu, doanh nhân người New Delhi nói. "New Delhi đã trở thành một nơi tràn ngập không khí, bụi ô nhiễm và dường như không ai làm gì để cải thiện tình hình".

Sương mù dày đặc là nguyên nhân của các vụ tai nạn xe hơi. Trong khi đó, có cả một đống xe máy, xe ô tô hoạt động liên tục 24/7 ngay ngoài thành phố.

Ô nhiễm không khí PM2.5 ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và người già nặng nhất, và tình trạng bào thai bị phơi nhiễm PM2.5 trong bụng mẹ cũng liên quan đến một loạt các hậu quả như sinh non và nhẹ cân.

Nhưng các cư dân ở đây không chỉ lo lắng về PM2.5. Ngoài PM2.5, các phân tử ô nhiễm không khí khác, như Polycyclic aromatic hydrocarbons (PAHs). PAHs là một nhóm hơn 100 hóa chất khác nhau được giải phóng từ việc đốt than, dầu, xăng, thùng rác, thuốc lá, gỗ, hoặc các chất hữu cơ khác như thịt than nướng. Chúng còn được gọi là các hydrocacbon thơm polynuclear. PAHs được biết sẽ làm tăng nguy cơ ung thư, đặc biệt ở những người tiếp xúc với chất này khi vẫn còn là bào thai. Các chất ô nhiễm khác còn gây ảnh hưởng đến tim; thần kinh. Ô nhiễm không khí cũng làm suy yếu sự phát triển miễn dịch trong tử cung, khiến những người tiếp xúc gặp nhiều khó khăn hơn trong việc phòng chống bệnh tật.

Theo trang Quartz, trên toàn cầu, phơi nhiễm mãn tính với ô nhiễm không khí khiến khoảng 7 triệu người chết sớm mỗi năm.

Hoàng Lan

Chủ đề khác