VnReview
Hà Nội

Thái Lan sẽ thử nghiệm "gieo mưa" để loại bỏ khói bụi trong không khí

Phương pháp "gieo mưa" có lẽ chính là chìa khoá để giảm thiểu vấn đề liên quan tới chất lượng không khí ở thủ đô Bangkok.

Giống như kim cương hay thịt bò, chúng ta cũng có một thang điểm riêng để đo đạc chất lượng của không khí. Theo thang điểm này, chỉ số càng thấp tương đương với mức chất lượng càng thấp: từ 0 đến 50 là mức "tốt", đây là mức mà theo Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ thì lượng hạt vật chất trong không khí hoặc trong phổi người đang ở mức thấp. Nhưng khi chỉ số này (còn gọi tắt là AQI) chạm con số 101 thì những người thuộc nhóm nhạy cảm, tức là người trẻ, người yếu, người già và phụ nữ đang mang thai, nên ở trong nhà. Cao hơn nữa là mức chỉ số 151 tương đương với khuyến cáo rằng tất cả mọi người nên ở trong nhà.

Song điều đáng lo ngại rằng chỉ số AQI của thủ đô Bangkok, Thái Lan đã chạm và dần ổn định quanh con số 227 kể từ đầu tháng nay. Mức chỉ số cao tương tự ở Bangkok không phải là trường hợp đầu tiên, kết quả đo đạc chất lượng không khí tương tự cũng có thể được tìm thấy ở những thành phố khác như Salt Lake, Los Angeles hay Bắc Kinh. Tuy vậy, chính phủ nước này tự ý thức được rằng những khuyến cáo ở trong nhà và các loại khẩu trang chống ô nhiễm không phải là một giải pháp triệt để cho tình trạng này. Từ ý thức thực tiễn ấy, họ đã quyết định sẽ sử dụng những cơn mưa để làm sạch không khí.

Từ xa xưa tới nay, mưa chính là một biện pháp tự nhiên để làm sạch không khí ô nhiễm. Bởi khi các hạt mưa rơi xuống, chúng sẽ kéo theo cả những phân tử đang trôi nổi trong không khí. Tác dụng thanh lọc không khí của mưa cũng đã được chứng minh trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện vào năm 2015. Song, khả năng thanh lọc không khí bằng mưa nhân tạo hiện vẫn chưa được chứng minh bằng các luận cứ khoa học.

Để tạo ra mưa nhân tạo, người ta thường sử dụng một biện pháp đó là gieo mây. Phương thức này ban đầu được tìm ra bởi Vincent Schaefer, một nhà hoá học làm việc tại General Electric, và dần phổ biến từ năm 1946. Schaefer đã phát hiện ra rằng chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra các hạt nhân gây ra hiện tượng ngưng tụ thành mây. Ban đầu Schaefer đã thử nghiệm với đá khô, rồi những thí nghiệm sau đó đã có sự xuất hiện của máy bay và các chất hoá học khác như bạc i-ốt hay chì i-ốt. Đây cũng chính là cách thức mà Mỹ đã dùng để bí mật gieo mây trên bầu trời Việt Nam nhằm tìm cách tiến tới thắng lợi bằng việc kéo dài mùa mưa.

Cho tới tận ngày nay, việc sử dụng bạc i-ốt vẫn còn được phổ biến. Tại nhiều khu vực trên thế giới, người ta đã thành lập nhiều cơ quan nhằm phục vụ mục đích gieo mây. Hiệp hội Khí tượng thuỷ văn Trung Quốc chính là cơ quan lớn nhất thế giới được thành lập với mục tiêu này, Thái Lan cũng có một cơ quan tương tự với tên gọi là Cục Sản xuất mưa và Hàng không nông nghiệp Hoàng gia Thái Lan. Ở Los Angeles, chính quyền nơi đây còn đang tìm cách để khôi phục lớp tuyết phủ trên những ngọn núi thuộc dải Sierra Nevada bằng những chiến lược riêng của mình.

Có lẽ đây là những biện pháp mang thiên hướng hơi cực đoan để khắc phục tình trạng ô nhiễm không khí, nhưng những hạt nhỏ vô hình trong không khí vẫn là tác nhân gây ra những vấn đề đáng lo ngại. Theo Tổ chức Y tế Thế giới thì ô nhiễm không khí đóng góp 7 triệu ca tử vong sớm mỗi năm trên toàn thế giới. Dẫu vậy chúng ta vẫn chưa thể chắc chắn được rằng liệu gieo mưa có thể giải quyết được tình trạng này hay không. Và dù rằng đã có những số liệu tích cực ở một số địa phương có áp dụng phương pháp này, nhưng chúng ta vẫn còn cần tiếp tục phải thu thập dữ liệu trong cả một quá trình lâu dài.

Trong khi đó, ô nhiễm không khí thì đang ngày càng trở nên nguy hiểm, nó đặc biệt ảnh hưởng tới những quốc gia nghèo. Chúng ta có thể thấy Ấn Độ là một ví dụ điển hình. Chỉ số AQI ở quốc gia này thường xuyên ở con số 500, thủ đô nước này là Delhi cũng đã từng có thời điểm chạm mốc 999. Không chỉ là một vấn nạn cho những quốc gia có thu nhập thấp, ô nhiễm không khí đang trở thành vấn đề toàn cầu. Người ta ước tính rằng việc sống một ngày ở San Francisco trong vụ cháy rừng kinh hoàng diễn ra năm 2018 vừa qua tương đương với việc hút 10 điếu thuốc. Gieo mây có thể là một biện pháp giúp chúng ta giảm thiểu vấn nạn này, song điều chúng ta cần thực sự làm không chỉ có vậy. Chúng ta sẽ cần phải tiếp tục cắt giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch và thải ra những chất hoá học độc hại, bởi vì chúng ta chỉ có một Trái Đất mà thôi.

Trung ND

Chủ đề khác