VnReview
Hà Nội

Diễn đàn Kinh tế Thế giới: trí tuệ nhân tạo sẽ làm bất bình đẳng toàn cầu trầm trọng hơn

Các nhà lãnh đạo chính trị và công nghệ hôm nay đã rung lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ trí tuệ nhân tạo sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tình trạng bất bình đẳng toàn cầu.

Nhiều quan điểm tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã chỉ ra rằng, mặc dù trí tuệ nhân tạo có tiềm năng rất lớn trong việc tham gia giải quyết các vấn đề cấp bách nhất (chẳng hạn như biến đổi khi hậu), nhưng nếu chỉ có một vài quốc gia và tổ chức có khả năng và tiềm lực để triển khai các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, trong khi số còn lại thì không; thì khả năng cao là những nước và những tập đoàn, tổ chức vốn đã phát triển sẽ càng bỏ xa nhóm nước đứng sau hơn nữa, từ đó giãn rộng khoảng cách bất bình đẳng giữa các nền kinh tế và dẫn đến những hậu quả không thể lường trước được tới nhân loại.

Phát biẻu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thuỵ Sĩ, Tổng thống Colombia Iván Duque Márquez, cùng với Marc Benioff (Chủ tịch và Đồng CEO của Salesforce) và Kai-Fu Lee (nhà đầu tư mạo hiểm người Trung Quốc và chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo) đã đưa ra một sáng kiến mới tại Diễn đàn nhằm mở rộng mạng lưới; "các trung tâm về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư" tới Columbia và các nền kinh tế mới nổi khác. Cùng với Colombia là các quốc gia như Israel và Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE). Đồng thời, các trung tâm liên kết các cũng đang được xem xét và lên kế hoạch thành lập.

Trung tâm về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (C4IR) được Diễn đàn Kinh tế Thế giới thành lập với tư cách là một trung tâm điều phối "các nỗ lực hợp tác toàn cầu, đa bên hữu quan nhằm phát triển các khung chính sách pháp lý và tăng cường hợp tác nhằm thúc đẩy các lợi ích về khoa học và công nghệ." Tuy nhiên, cụ thể, hoạt động của trung tâm này chú trọng đến việc phổ biến và lan toả các tiến bộ về công nghệ trên toàn thế giới với tốc độ nhanh và công bằng giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ.

Một trong những vấn đề đối với việc phổ biến rộng rãi các tiến bộ công nghệ nằm ở chỗ, các chính sách tương ứng của chính phủ các nước liên quan đến việc phát triển khoa học công nghệ có thể có sự khác biệt rất lớn. Trong khi một số khu vực có hệ thống chính sách cởi mở, thì ở một số nơi khác, luật pháp trong lĩnh vực này lại khá chặt chẽ.

Khi nói về sự lan toả của công nghệ trí tuệ nhân tạo, vốn có thể mang đến những tác động đáng kể tới các công ty và các nền kinh tế, sự bất bình đẳng mà nó có thể gây ra có thể được xem như một hình thức "vũ trang", các ý kiến tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới đã tranh luận như vậy.

Bản thân Benioff đã đề xuất thành lập và đặt trụ sở của C4IR tại San Francisco, Hoa kỳ, trung tâm của những phát kiến khoa học công nghệ quan trọng của thế giới. Như đồng thời, ông cũng nhận thức được sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng ngay tại thành phố này, giữa những cá nhân, tổ chức được hưởng lợi nhiều từ các ứng dụng của trí tuệ nhân tạo, với những người bị "bỏ lại phía sau" cuộc chơi. Tại Diễn đàn kinh tế Thế giới năm nay, ông gọi San Francisco "đống đổ nát" của sự bất bình đẳng do Thung lũng Silicon.

"Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư là một khoảnh khắc phi thường trong lịch sử nhân loại", ông nói. "Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư hứa hẹn tạo ra nhiều việc làm mới và những cách thức mới trong việc chữa bệnh và giảm bớt sự đau khổ mà con người phải chịu đựng. Nhưng mặt khác, nó cũng mang đến những rủi ro, trong đó có việc làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về kinh tế, chủng tộc, giới tính và thậm chí cả môi trường của chúng ta. Chúng ta có thể thấy trước viễn cảnh đó với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Chúng ta đang mạo hiểm trước một sự "phân chia giai cấp" trên lĩnh vực công nghệ, giữa những người có khả năng khai thác trí tuệ nhân tạo và những người không thể. Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng trí tuệ nhân tạo sẽ trở thành một quyền con người mới cần được thừa nhân. Mọi cá nhân và mọi quốc gia cần có quyền khai thác một cách bình đẳng công nghệ quan trọng này."

Ông tiếp tục: "Hiện tại, mới chỉ có một vài quốc gia và công ty có khả năng khai thác những hệ thống trí tuệ nhân tạo tốt nhất trên thế giới. Và những người có được nó sẽ có cơ hội trở nên thông minh hơn, khỏe mạnh hơn, giàu có hơn và tất nhiên, tiềm lực quân sự trong các trận chiến của họ sẽ có được mức độ tiến bộ cao hơn đáng kể. Đó là lý do tại sao nó đóng một vai trò rất quan trọng mà chúng tôi yêu cầu phải có sự bình đẳng trong lĩnh vực này, ngay bây giờ. Chúng ta đã và đang làm gì để thực sự mang những công nghệ này đến với tất cả mọi người? Những người không có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo sẽ phải đối mặt với nền giáo dục chất lượng kém hơn, yếu hơn về sức khoẻ thể chất, nghèo hơn và dễ mắc các căn bệnh. Vì vậy, chúng ta phải tự hỏi, liệu đó có phải là thế giới mà mọi người đều muốn sống hay không?"

Ông tiếp tục đưa ra dẫn chứng về tình trạng bất bình đẳng hiện đang diễn ra tại San Francisco. "Chúng ta còn đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng trầm trọng về niềm tin, gây ra bởi việc lạm dụng dữ liệu quyền riêng tư của con người vào mục đích sai trái," ông nói.

"Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin trong ngành công nghiệp của mình. Tình trạng khủng hoảng này chưa bao giờ tồi tệ như thế. Ở San Francisco, chúng ta đã đứng trên bờ vực rồi."

Quan điểm của ông là mạng lưới các Trung tâm về Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cần hỗ trợ giải quyết các vấn đề liên quan đến cách các công ty và chính phủ có thể áp dụng những thành tự công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo trong xã hội và nền kinh tế của mỗi nước.

Benioff cho rằng công nghệ không phải là tốt hoàn toàn, cũng không phải là xấu hoàn toàn, mà "điều quan trọng là cách chúng ta sử dụng chúng… Chúng ta có thể thấy hành tinh này đang ngập trong khủng hoảng. Đến năm 2050, chúng ta sẽ có một đại dương với nhiều chất thải nhựa hơn cá… Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tất cả những vấn đề này đều có thể được giải quyết thông qua các công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ tư." Ông ca ngợi các nỗ lực của Diễn đàn trong việc thiết lập trung tâm mới này ở Columbia.

Tiến sĩ Kai-Fu Lee, Chủ tịch Hội đồng Trí tuệ nhân tạo toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, cho biết: "Nhiều công ty tư vấn đã ước tính rằng trí tuệ nhân tạo có thể giúp gia tăng GDP của các quốc gia thêm 13-17 nghìn tỷ USD trong 11 năm tới. Và mọi quốc gia hiện tại đều đang có những kế hoạch khác nhau trong việc triển khai trí tuệ nhân tạo."

Tuy nhiên, theo ông, trí tuệ nhân tạo sẽ có những ảnh hưởng sâu sắc đến vấn đề việc làm, quyền riêng tư và bảo mật của mỗi người. "Chúng tôi hy vọng trung tâm sẽ có nhiệm vụ xem xét nhiều luồng quan điểm khác nhau liên quan đến vấn đề này. Chúng ta phải nhận ra rằng thái độ và tầm nhìn về trí tuệ nhân tạo của các quốc gia và khu vực có thể có sự khác biệt và chúng ta phải tìm cách hợp tác. Cách tiếp cận  coi tất cả các quốc gia là như nhau sẽ không hiệu quả. Ưu điểm độc đáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới là nó được thành lập dựa trên ý tưởng về khả năng thích ứng giải quyết nhiều trường hợp đa dạng khác nhau. Chúng tôi không ở đây để áp đặt các giá trị phương Tây hay phương Đông lên toàn thế giới." Ông cũng cho rằng việc liên kết các quốc gia với nhau để cùng hợp tác trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo sẽ giúp gia tăng khả năng ứng dụng của công nghệ này trên phạm vi toàn cầu.

Đối với Lee, cuộc chạy đua về trí tuệ nhân tạo "đang diễn ra quá nhanh, khiến nhiều người hiểu sai về nó. Và điều đó đang tạo nên sự căng thẳng giữa các quốc gia." Vì vậy, chúng ta cần có "những cuộc thảo luận rõ ràng, trong sáng" về vấn đề này.

Quang Huy

Chủ đề khác