VnReview
Hà Nội

Tổng hợp cách làm 7 món mứt ngon dễ làm ngày Tết

Ngày Tết thường không thể thiếu các món mứt để ăn chơi và đãi khách. VnReview tổng hợp các món mứt ngon dễ làm, mang hương vị Tết xưa để bạn đọc tham khảo.

1. Cách làm mứt dừa viên

Biến tấu một chút so với món mứt dừa thái sợi, bạn có thể làm dạng viên nhiều màu để đãi khách dịp Tết.

Nguyên liệu:

- Cùi dừa bánh tẻ: 1 kg

- 500 gr đường kính trắng

- Củ dền: 1 củ

- 1 gói cà phê đen hòa tan

- 150 ml sữa tươi không đường

Cách làm:

Bước 1: Dừa cạo vỏ đen, rửa thật sạch, xắt miếng nhỏ hạt lựu.

Bước 2: Rửa dừa thật sạch nhiều lần cho hết dầu, rửa qua thêm một lần nước ấm cho sạch rồi ngâm nước lạnh 10 phút, vớt ra để ráo.

Bước 3: Ướp màu dừa. Bạn chia đường, dừa và sữa tươi thành 3 phần đều nhau. Mỗi phần cho vào một tô. Tô thứ nhất làm mứt dừa màu trắng: cho dừa, đường sữa đảo đều.

Tô thứ hai làm mứt dừa màu hồng, cho đường, dừa, sữa vào bát. Xay 1/2 củ dền lấy nước cho vào tô thứ 2 trộn đều.

Phần thứ 3 làm mứt dừa màu nâu: Pha cà phê với 30 ml nước nóng cho thêm sữa tươi, đường và dừa vào trộn đều. Uớp dừa trong khoảng 2 tiếng 30 phút.

Bước 4: Sên mứt: cho dừa vào chảo sên mứt. Lúc đầu to lửa khi hơi sôi lăn tăn bắt đầu cho nhỏ lửa. Khi nước đường hơi sánh lại thì đảo thật nhanh tay đến khi đường kết tinh và mứt khô là được.

2. Cách làm mứt củ năng

Để khay mứt Tết của nhà bạn thêm phần phong phú thì món mứt củ năng mới lạ này sẽ là một ý kiến hay.

Nguyên liệu:

500g củ năng

500g đường trắng

Cách làm:

Bước 1

Gọt bỏ vỏ củ năng sau đó rửa sạch.

Mỗi củ năng thái làm 3-4 lát. Cho củ năng đã thái lát vào bát sau đó thêm đường.

Bước 2

Trộn đều đường với củ năng, dùng màng bọc thực phẩm bọc kín tô củ năng sau đó cho vào tủ lạnh khoảng 3 giờ. Sau đó đổ củ năng và đường vào chảo chống dính đun sôi.

Bước 3

Khi đường sôi thì hạ nhỏ lửa để sên mứt củ năng. Thỉnh thoảng đảo chảo mứt và đun cho đến khi đường sánh lại.

Bước 4

Khi đường bắt đầu kết tinh màu trắng thì đảo nhanh tay để đường bám phủ đều vào củ năng. Vẫn đun nhỏ lửa và đảo đều cho đến khi đường kết tinh hoàn toàn là được. Để mứt nguội rồi cho vào lọ kín dùng dần.

Vào những ngày Tết thì các món mứt luôn được các chị em ưu tiên chế biến tại nhà. Các món mứt phổ biến thường được làm như mứt dừa, mứt bí đao, mứt táo, mứt vỏ cam, vỏ bưởi… để thực đơn ngày Tết thêm phong phú bạn hãy làm món mứt củ năng mới lại với vị giòn giòn rất ngon miệng này nhé!

Chúc bạn làm được món mứt củ năng thật ngon nhé.

3. Cách làm mứt khoai lang

Với nguyên liệu rẻ tiền, dễ tìm, cách chế biến lại vô cùng đơn giản nhưng mùi vị lại cực kỳ thơm ngon, mứt khoai lang rất dễ làm.;

Thời gian dự tính thực hiện món mứt khoai lang:

Thời gian chuẩn bị: 20 phút. Thời gian ngâm khoai lang với vôi: 1 đêm (khoảng 8 tiếng). Thời gian ngâm khoai lang với đường: 5 - 6 tiếng. Thời gian thực hiện: 60 phút.

Các bạn chuẩn bị nguyên liệu bên dưới cho khoảng 600 gr mứt khoai lang nhé!

Nguyên liệu và dụng cụ làm mứt khoai lang

- 2 kg khoai lang.

- 600 gr đường cát trắng (tùy khẩu vị).

- 2 ống vani.

- 2 muỗng canh vôi (khoảng 40 gr).

Các bước thực hiện mứt khoai lang

Bước 1Sơ chế nguyên liệu:

- Khoai lang mua về gọt sạch vỏ, thái miếng vuông hoặc miếng dài tùy ý.

- Khoai cắt tới đâu, thả khoai ngâm vào nước có pha ít muối. Ngâm khoai chừng 30 phút cho khoai sạch nhựa thì vớt ra cho ráo.

- Ngâm khoai lần 2 vào nước vôi trong (được pha theo tỷ lệ: Cứ 1 lít nước lại pha với 20 gr vôi trắng, để qua đêm cho lắng trong và chắt lấy phần nước lắng trong để ngâm khoai).

Lưu ý là nước phải ngập khoai hoàn toàn, ngâm khoai chừng 3 giờ hoặc qua đêm rồi vớt ra, xả lại nhiều lần qua nước lạnh cho thật sạch. Nước vôi trong có tác dụng giúp khoai giòn hơn.

Bước 2: Bắc 1 chiếc nồi lên bếp, cho vào khoảng 1.5 lít nước, đun sôi nồi nước, thả khoai vào luộc sơ khoảng 2 phút, không luộc quá chín (nước phải ngập mặt khoai).

Bước 3: Khoai sau khi chần sơ được vớt ngay ra rổ, xối rổ khoai qua nước lạnh cho khoai nguội bớt và giữ độ giòn.

Bước 4:

- Chờ cho khoai hoàn toàn ráo nước,rồi thêm đường cát vào. Vì khoai lang đã khá ngọt nên bạn có thể bớt lượng đường, nhưng không được quá ít vì mứt sẽ không đủ để kết tinh trong quá trình sên.

- Để chừng 5 – 6 tiếng cho khoai ngấm đường và đường tan chảy hoàn toàn, thỉnh thoảng nhớ đảo đều lại để đường thấm đều vào khoai.

Bước 5:

- Cho khoai và nước đường vào chảo hoặc nồi có đáy dày và đun khoai trên lửa lớn cho nước đường mau cạn, thỉnh thoảng đảo đều (hình 1).

- Tiếp theo, canh cho đến khi nước đường bắt đầu keo lại, bạn đảo đũa bắt đầu thấy hơi nặng tay thì hạ lửa nhỏ dần, gần với mức thấp nhất, đảo liên tục (hình 2).

Bước 6: 

- Khi nước đường bắt đầu khô dần, hạ nhỏ lửa đến mức thấp nhất, tay vẫn đảo đều liên tục (hình 3). 

- Khi đường kết tinh bám trắng vào khoai, từng miếng khoai tách rời nhau thì tắt bếp. Cho vào chảo mứt khoai vài giọt hoặc 2 ống vani, dùng đũa đảo đều trong khoảng 1 phút nữa là được (hình 4).

- Đổ khoai ra mâm hoặc mẹt, để khoai ở nơi nắng ấm hoặc nhiều gió cho khoai nguội ráo. Chờ khoai nguội hẳn mới cho khoai vào hũ thủy tinh để lưu trữ.

Mứt khoai lang với màu vàng bắt mắt, mùi vị lại thơm ngon, sẽ mang tới may mắn cho gia đình bạn dịp đầu năm mới đấy.

Cách chọn khoai lang ngon để làm mứt:

Để làm mứt khoai lang ngon bạn nên chọn những củ khoai có vỏ màu đỏ, trong vàng, cứng không bị dập, bị rỗ và có màu đen. Tốt nhất bạn nên chọn những củ khoai to mới được xới từ đất lên thì nó sẽ có độ tươi ngon hơn. Đặc biệt bạn nên chọn khoai nghệ thì sẽ đảm bảo mứt được làm ngon hơn. Chú ý, khi mua khoai về nếu không làm ngay thì không nên bảo quản trong tủ lạnh sẽ làm mất vị ngọt và vị béo của khoai, nên bảo quản nên khô ráo, thoáng mát.

4. Cách làm mứt khế

Với vài bước thực hiện đơn giản là đã món mứt khế ngon để cùng người thân, bạn bè nhâm nhi ngày Tết.

Tết Nguyên đán 2019: Cách làm mứt khế ngon đơn giản tại nhà. Ảnh Internet

Nguyên liệu làm mứt khế:

– 1 kg khế chua (Lưu ý: Không nên chọn khế quá xanh hay quá chín để tránh quả bị gắt hoặc nhũn. Nên chọn những quả hơi vàng xanh)

– 500 gram đường kính trắng

– 50 gram gừng tươi

– 1 ít vôi tôi

Cách làm mứt khế ngon đơn giản tại nhà:

- Bước 1: Bạn đem khế đi rửa sạch, cắt bỏ 2 đầu và phần riềm của quả. Tách khế thành từng múi và loại bỏ hạt.

Khế được làm sạch sau đó cắt diềm và tách từng múi. Ảnh Internet

- Bước 2: Cho vôi tôi vào một cái bát sạch, sau đó đổ khoảng 2 lít nước vào đó. Khuấy đều rồi gạn lấy phần nước vôi trong vào một chiếc chậu sạch.

Ngâm khế với nước vôi trong qua đêm. Ảnh Internet

Ngâm khế vào nước vôi trong trong khoảng 7-8 tiếng đồng hồ ở một cái chậu. Nước vôi trong sẽ giúp khế không bị nát khi sên, giúp thành phẩm giữ được dáng của múi khế.

- Bước 3: Khi khế đã được ngâm nước vôi xong, bạn cho khế ra rửa sạch với nước khoảng 3 lần cho hết nước vôi và mùi vôi nồng.

Sau khi rửa sạch, bạn dùng dao để ép cho khế ra bớt phần nước chua. Thao tác thực hiện này không khó nhưng bạn cần chút khéo léo để tránh làm miếng khế bị nát. Việc ép nước chua của khế là rất cần thiết, nếu không khi sên thành mứt, mứt khế có vị chua gắt và khó ăn.

- Bước 4: Đặt nồi lên bếp, cho 1 thìa phèn chua vào đó. (Tuỳ vào số lượng khế mà bạn cho sao cho hợp lý). Đổ thêm nước vào nồi và đun đến khi sôi thì thả khế vào chần qua.

Trần khế rồi rửa sạch với nước. Ảnh Internet

Dùng thìa vớt khế đã chần qua một cái rổ rồi rửa sạch cho bớt chua. Nếu thấy vẫn chua thì rửa lại vài lần.

- Bước 5: Đường và khế trộn với nhau, tỷ lệ thích hợp nhất là 1 kg khế tương ứng với 400gam đường, tuy nhiên bạn có thể tăng lên nếu muốn ăn ngọt hơn.

Trong quá trình ướp, thi thoảng bạn nhớ đảo đều để những miếng khế bên trên và bên dưới được thấm vị ngọt của đường đều nhau.

- Bước 6: Sên khế trên bếp

Cho hỗn hợp khế và đường và đun trên bếp, để lửa nhỏ và thi thoảng đảo nhẹ cho đều tay.

Gừng rửa sạch, đập nhỏ. Khi miếng mứt khế có màu cánh gián thì bỏ gừng vào đảo qua rồi đun tiếp cho đến khi thấy đường quánh lại. Khi bạn thấy đường bắt đầu quánh, nước đường sâm sấp mặt khế thì là lúc khế đã được. Đừng để đường lên mùi khét và miếng khế quá nâu, khi vớt ra chúng sẽ quá cứng và dai không còn ngon nữa.

Nước bắt đầu đặc thì bạn bỏ gừng vào đảo nhẹ cho mứt khế thơm. Lưu ý chỉ đun đến khi khế có màu cánh gián nhẹ, nước khế xâm xấp là được.

Sên mứt khế trên bếp với lửa nhỏ cho tới khi khế chuyển màu, nước đường cạn. Ảnh Internet

Cứ tiếp tục đun đến khi đường trong nồi sánh lại, nếu còn nhiều nước, bạn có thể chắt bớt nước ra rồi tiếp tục xào khế. Chú ý không đảo nhiều sẽ khiến khế bị nát. Xào lại cho miếng mứt khế khô ráo hơn.

Sau đó, bạn tắt bếp, gắp từng miếng khế ra hong nắng hoặc để vào trong tủ lạnh đến khi lớp đường được ráo. Sau đó, bạn cất mứt khế vào trong tủ để bảo quản và dùng dần.

5. Cách làm mứt quất

Mứt quất là một trong những loại mứt thơm ngon không thể thiếu trong những ngày Tết.

Thời gian dự tính thực hiện món quất:

- Thời gian ngâm vôi: 10 - 12 tiếng.

- Thời gian chuẩn bị: 1 giờ.

- Thời gian chế biến: 30 phút.

Với vị chua ngọt đặc trưng món mứt quất vừa có thể trị ho và ăn không bị ngán như các loại mứt khác. Các bạn chuẩn bị nguyên liệu dưới để làm khoảng 1/2 kg mứt thành phẩm. 

Chuẩn bị nguyên liệu và dụng cụ làm mứt quất:

Quất chín 1 kg. Đường vàng hoặc trắng 500 gr. Muối 2 muỗng cà phê. Vôi 2 muỗng cà phê. Phèn chua 2 muỗng cà phê. Cách làm mứt quất

Bước 1: Sơ chế quất

Rửa quất sạch rồi ngâm quất với nước muối khoảng 5 phút.

Dùng dao nhọn khứa quất thành 5 khía, rồi ấn dẹt cho ra nước và hạt. Nên khứa thành 5 khía để khi hoàn thành sẽ có một bông hoa 5 cánh.

Bước 2: Tạo độ dẻo dai và trong suốt cho mứt quất

Hòa vôi vào tô nước lớn, gạn lấy nước trong. Cho quất vào thau to, đổ nước vôi vào ngâm từ 10 đến 12 tiếng. Sau đó vớt ra, rửa với nhiều nước để mất mùi vôi.

Cho phèn chua vào nồi nước và đun sôi. Cho quất đã rửa sạch vôi vào chần khoảng 2 phút thì tắt bếp. Vớt quất ra, cho vào thau và rửa nhiều lần với nước cho mất mùi phèn chua.

Bước 3: Sên mứt

Trước khi sên, quất được ngâm với đường. Tùy vào sở thích của mỗi gia đình mà tùy chỉnh lượng đường cho phù hợp. Thông thường tỉ lệ đường quất là 0.5:1. Quất ngâm với đường cho đến khi đường tan hết.

Cho cả nước đường và quất vào chảo chống dính, đun sôi khoảng 7 phút đầu. Sau đó, vặn nhỏ lửa để mứt sôi lăn tăn. Đun như vậy cho đến khi quất trong veo và chuyển sang màu vàng đẹp mắt. Lúc này nước trong chảo cũng sẽ còn sền sệt.

Bước 4: Hoàn thành và bảo quản

Quất sau khi sên sẽ có độ ướt nhất định, bạn có thể phơi khô, cho vào lò vi sóng sấy khô hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh (mứt sẽ khô sau 2 ngày). Sau khi hoàn thành, cho mứt quất vào hộp thủy tinh, đậy kín nắp và bảo quản nơi thoáng mát.

Mứt quất sẽ có vị ngọt thanh, the the của vỏ quất còn vương lại. Ngoài việc ăn ngon miệng ngày nóng, mứt quất còn rất tốt cho hệ tiêu hóa, trị ho, giải đờm, chống nôn mửa và giải độc rượu.

Hãy bắt tay vào làm ngay cho gia đình mình mứt quất thơm ngon, bổ dưỡng thôi nào!

6. Cách làm mứt vỏ bưởi

Vỏ bưởi tưởng chừng như là nguyên liệu bỏ đi nhưng có thể làm được rất nhiều món ăn ngon, trong đó có mứt vỏ bưởi. Cách làm dưới đây giúp mứt vỏ bưởi hoàn toàn không bị đắng lại rất thơm ngon!

Thời gian dự tính thực hiện món mứt vỏ bưởi:

Thời gian chuẩn bị: 20 phút. Thời gian ngâm vỏ bưởi: 5 - 7 tiếng. Thời gian thực hiện: 60 phút.

Các bạn chuẩn bị nguyên liệu bên dưới cho khoảng 300 gr mứt vỏ bưởi nhé!

Nguyên liệu và dụng cụ làm mứt vỏ bưởi:

Vỏ 1 trái bưởi. Đường (tùy khẩu vị). Một ít muối. Phèn chua. Các bước thực hiện mứt vỏ bưởi

Bước 1

Vỏ bưởi cắt khúc khoảng 5 cm, bỏ bớt phần ruột trắng. Cắt vỏ bưởi thành sợi dài (hình 1). Sau đó, hòa tan muối với nước, cho vỏ bưởi vào ngâm trong khoảng 5 - 7 tiếng (hình 2). 

Bước 2:

Sau 5 - 7 tiếng, bạn vớt vỏ bưởi ra bóp thật nhiều lần với nước để ra bớt tinh dầu. Rửa sạch vỏ bưởi lại với nước, vớt ra rổ cho ráo nước (hình 3). Tiếp đến, đun sôi nước với một thìa phèn chua, cho vỏ bưởi vào luộc sơ trong khoảng 3 – 5 phút.

Bước 3:

Đổ vỏ bưởi ra rổ, rửa lại nhiều lần với nước cho hết phèn chua, bóp nhẹ vỏ bưởi cho hết nước (hình 5).  Đổ vỏ bưởi vào thau to, thêm đường vào trộn đều ngâm trong khoảng 5 tiếng để đường ngấm vào vỏ bưởi (hình 6).

Bước 4:

Cho vỏ bưởi vào chảo, đảo đều ở lửa to trên bếp đến khi gần cạn nước đường (hình 7).  Vặn nhỏ bếp, đảo đều tay đến khi vỏ bưởi khô lại và bắt đầu kết tinh trắng thì tắt bếp (hình 8).

Lưu ý: Bạn có thể làm theo cách sau để tạo nên mứt vỏ bưởi dẻo.

- Cho 35 g đường phèn với 35 ml nước vào nồi là đun với lửa nhỏ.

- Khi đường gần tan hết bạn cho vỏ bưởi vào sên khoảng 20 phút rồi cho 1 muỗng canh mật ong vào sên tiếp, đến khi nước đường sánh lại và vỏ bưởi trong veo thì tắt bếp.

Mẹo chọn bưởi ngon và làm mứt vỏ bưởi không đắng:

Bạn nên chọn trái bưởi vỏ mỏng, gai nở hết, da hơi nhăn và ít mịn bóng. Để mứt vỏ bưởi không đắng bạn lấy dao bào bào sơ phần vỏ xanh và gọt bớt phần trắng bên trong sao cho phần vỏ làm mứt mỏng nhất có thể.

Mứt vỏ bưởi khi ăn có độ dẻo và giòn, thơm thơm mùi tinh dầu rất dễ chịu. Hơn nữa, mứt vỏ bưởi lại có ưu điểm là ít ngọt hơn rất nhiều so với các loại mứt Tết khác có lẽ vì thế nên mứt vỏ bưởi trở nên cực hot trong các món ngon ngày Tết của năm nay đấy! Chúc các bạn thành công!

7. Cách làm mứt mãng cầu

Mứt mãng cầu hay còn gọi là mãng cầu gai, chứa nhiều vitamin và chất dinh dưỡng, Tết đến cả nhà cùng ngồi nhăm nhi mứt mãng cầu, uống tách trà nóng thì còn gì bằng. 

Với vị chua ngọt đặc trưng món mứt mãng cầu ăn ngon và ăn không bị ngán như các loại mứt khác. Các bạn chuẩn bị nguyên liệu dưới để làm khoảng 1/2 kg mứt thành phẩm. 

Khi chọn mãng cầu làm mứt, bạn nhớ chọn mãng cầu xiêm, da hơi vàng, gai mềm và các mắt rộng, cách xa nhau. Như thế có nghĩa là thịt mãng cầu rất ngon, to và dai. Thích hợp để làm mứt. 

Nguyên liệu và dụng cụ cần chuẩn bị để làm món mứt mãng cầu

1 quả mãng cầu xiêm chín, khoảng 1 kg. 500 gr đường cát

Cách làm mứt mãng cầu xiêm

Bước 1: Sơ chế mãng cầu:

- Mãng cầu xiêm mua về rửa sạch, để ráo rồi gọt vỏ, tách bỏ hạt và để riêng.

- Thông thường,cứ khoảng 1 kg thịt mãng cầu xiêm thì ướp với 500 gr đường kính (bạn có thể điều chỉnh theo sở thích).

Bước 2: Ướp đường mãng cầu:

- Sau khi đã tách lấy phần thịt mãng cầu xong thì bạn cho một lớp mãng cầu xiêm vào thố rồi rắc đường kính lên trên để ướp mãng cầu xiêm.

- Bạn cứ làm lần lượt một lớp mãng cầu xiêm, một lớp đường sao cho lớp trên cùng là lớp đường kính là được.

- Để như vậy trong vòng 2 tiếng, cho đường kính tan hoàn toàn và thấm đều vào mãng cầu xiêm.

Bước 3: Sên mứt:

- Sau khi đã ngâm đủ thời gian, bạn bật bếp, chờ cho chảo nóng thì cho phần mãng cầu xiêm ướp đường vào sên trên lửa nhỏ. 

- Bạn chú ý khi sên mứt mãng cầu xiêm phải khuấy nhẹ và đánh đều tay sao cho mứt mãng cầu xiêm dẻo và nhuyễn mịn là được.

- Sên mứt đều tay khoảng 40 phút. 

Bước 4: Gói mứt:

- Khi thấy mứt mãng cầu xiêm có màu vàng hơi nâu nâu, mứt dẻo và nhuyễn mịn thì tắt bếp và để nguội.

- Đợi mứt mãng cầu xiêm nguội hoàn toàn.

- Cắt 1 miếng giấy kính rộng 5 cm dài 10 cm, sau đó múc 1 ít mãng cầu cho vào giữa, xoắn 2 đầu miếng giấy bóng kính lại cho giống hình cái kẹo là được. Cứ tiếp tục làm tương tự cho đến khi hết mãng cầu. 

- Cho những viên mứt này vào một cái hũ thủy tinh có nắp đậy, đã được vệ sinh sạch sẽ. 

- Đậy kín nắp và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản và dùng dần. Nếu bảo quản kín khí, mẻ mứt của chùng ta sẽ có hạn sử dụng lâu hơn, tầm 1 - 2 tháng. 

Lưu ý:

- Nếu bạn thích ăn mứt mãng cầu khô hơn, khi sên xong bạn cho mãng cầu ra 1 cái mâm, dàn đều ra và phơi nắng 3 tiếng, cứ khoảng 1 tiếng thì lại đảo 1 lần tới khi mãng cầu khô, dẻo.

- Sau 3 tiếng phơi nắng, bạn bắt đầu gói mãng cầu vào trong miếng giấy kính chuyên dùng gói mứt. 

Tổng hợp

Chủ đề khác