VnReview
Hà Nội

Trên 30 tuổi được xem là “quá già” để đi xin việc trong ngành công nghệ?

Áp lực tuổi tác tồn tại trên khắp các ngành công nghiệp của Trung Quốc, nhưng đặc biệt gay gắt trong ngành công nghệ, nơi đang điên cuồng tuyển dụng các nhân tài trẻ với mong muốn chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo toàn cầu.;

9h sáng một  ngày mùa đông lạnh lẽo tháng 12/2018, Ou Jianxin tam biệt vợ và hai con nhỏ. Anh đang trên đường đến trụ sở ZTE, anh là kỹ sư nghiên cứu của ZTE nhưng đã nghỉ việc hơn một tuần trước. Người quản lý yêu cầu nói chuyện với anh thêm một lần nữa. "Có chút mâu thuẫn trong nội bộ công ty", Ou Jianxin nói với vợ. Không rõ có cuộc nói chuyện với quản lý hay không. Nhưng điều rõ ràng nhất là sau khi đến, Ou đã đi thẳng vào văn phòng cũ của mình ở tầng 26 tòa nhà, và tự tử bằng cách nhảy xuống đất. Ou Jianxin 42 tuổi.

Bốn ngày sau, vợ của Ou đã viết một bài đăng trên nền tảng blog Meipian về cái chết của chồng. ZTE từ chối đưa ra lý do nghỉ việc của Ou. Cả góa phụ Ou, cả ZTE đều không trả lời các bình luận, sau đó, bài đăng đã được góa phụ gỡ xuống.

Tuy nhiên, câu chuyện không chấm dứt. Bài viết trên Meipian đã trở thành một hiện tượng lan truyền, và thu hút hơn 100.000 lượt xem, nhưng thông qua các phương tiện truyền thông và truyền miệng, có hàng triệu người biết câu chuyện này. Tại sao ZTE lại để Ou nghỉ việc vẫn là một bí ẩn, cũng như lý do kết thúc cuộc đời của anh. Nhưng vấn đề thu hút độc giả nhất, đó là độ tuổi của Ou. Ở tuổi 42, anh ấy đã bị coi là quá già để trở thành kỹ sư ở Trung Quốc, nơi có 3/4 công nhân công nghệ trẻ hơn 30 tuổi, theo trang web việc làm lớn nhất của Trung Quốc, Zhaopin.com. Người dùng internet Trung Quốc gọi đó là "cuộc khủng hoảng trung niên trên 30 tuổi".

Helen He, một nhà tuyển dụng công nghệ ở Thượng Hải, đã quen thuộc với những áp lực liên quan đến tuổi tác: Bây giờ ở tuổi 38, cô được sếp nói rằng không tuyển dụng bất cứ ai trên 35 tuổi. Hầu hết những người ở độ tuổi 30 đã kết hôn và phải chăm sóc gia đình của họ. Họ không thể tập trung vào công việc cường độ cao.

Không riêng gì Trung Quốc, ngành công nghệ Mỹ cũng lý tưởng hóa tuổi trẻ. Steve Jobs, Bill Gates và Mark Zuckerberg đều bỏ học đại học để khởi nghiệp Apple, Microsoft và Facebook. Google đã phải chống lại vụ kiện tập thể liên quan đến tuổi tác ở California kể từ năm 2015 và vào tháng 3/2018, một cuộc điều tra cho thấy IBM đã cắt giảm 20.000 nhân viên lớn tuổi ở Mỹ trong năm năm qua để tuyển người trẻ. Cả Google và IBM đều nói họ tuân thủ luật lao động.

Ở Trung Quốc, sự phân biệt tuổi tác thậm chí còn hơn ở Mỹ, mặc dù hầu hết các công ty công nghệ nổi tiếng Trung Quốc đều khởi đầu bởi những người trên 30 tuổi. Lei Jun thành lập nhà sản xuất điện thoại thông minh Xiaomi ở tuổi 40. Jack Ma đã 34 tuổi khi ông mở công ty mua sắm trực tuyến Alibaba và Robin Li đã 31 tuổi khi xây dựng công cụ tìm kiếm Baidu. Một ngoại lệ trong số các nhà lãnh đạo hiện tại là Pony Ma, CEO của Tencent, mới 27 tuổi khi sáng lập công ty đằng sau ứng dụng truyền thông xã hội nổi tiếng WeChat. Tuy vậy, thế hệ công nghiệp đang phát triển, như Cheng Wei của ứng dụng taxi Didi Chuxing và Zhang Yiming của ứng dụng tin tức Toutiao, lại thành lập doanh nghiệp trong độ tuổi 20.

Áp lực tuổi tác tồn tại trên khắp các ngành công nghiệp của Trung Quốc, nhưng đặc biệt gay gắt trong ngành công nghệ, nơi đang điên cuồng tuyển dụng các nhân tài trẻ với mong muốn chứng tỏ mình là một nhà lãnh đạo toàn cầu. Trung Quốc đã sử dụng những tiến bộ công nghệ để thúc đẩy nền kinh tế tiến lên trong nhiều thập kỷ, nhưng kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc năm 2025 còn cao hơn. Khi quyền lực chính trị của Tập Cận Bình đã phát triển, ngành công nghiệp cũng phải khẩn trương thực hiện tham vọng: thống trị thế giới về các công nghệ tiên tiến, bao gồm chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Theo Bloomberg, cái chết của Ou có nhiều điểm tương đồng với làn sóng tự tử của những người lao động lương thấp tại các nhà máy của Foxconn trong năm 2010 và 2011. Ở đất nước 1,4 tỷ dân, nhiều công ty công nghệ Trung Quốc có thể tiến nhanh hơn các đối thủ nước ngoài bằng cách ném người lao động vào một guồng quay khắc nghiệt. Lo lắng để theo kịp sự cạnh tranh khốc liệt, các công ty internet Trung Quốc thường mong đợi nhân viên làm việc theo cái gọi là lịch trình 996: 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần, kể cả ngày lễ. Trong khi đó, sau 30 tuổi, sức khỏe người lao động sẽ khó hồi phục hơn sau  những đêm thức khuya, và các ưu tiên bắt đầu chuyển từ công việc sang gia đình, làm việc ngoài giờ trở thành gánh nặng.

Một tìm kiếm trên trang tuyển dụng Zhaopin.com cho thấy hàng chục ngàn bài đăng tuyển dụng kêu gọi ứng viên dưới 35 tuổi. Thậm chí, một nhà phát triển công nghệ ở Bắc Kinh còn cho biết sẵn sàng nới lỏng các yêu cầu tuyển dụng, trong đó có việc không cần thiết có bằng đại học, nhưng nếu già hơn 30 tuổi, thì không thể được.

Trung Quốc có luật cấm phân biệt đối xử giới tính, tôn giáo và khuyết tật, nhưng từ chối tuyển dụng lao động vì vấn đề tuổi tác lại hoàn toàn hợp pháp.

Không phải tất cả mọi người ở Trung Quốc đều phản ứng với áp lực tuyển dụng liên quan đến tuổi tác. Có những người nói rằng cơ chế này đã dạy họ làm việc chăm chỉ hơn. Từ bỏ công việc tại cơ sở Nokia ở Chengdu, Liu Huai Yi, 33 tuổi, nói anh chịu áp lực thay đổi và cải thiện kỹ năng để có công việc tốt hơn. "Tôi không đòng ý với ý tưởng rằng sau 35 bạn không thể kiếm việc. Một người làm trong ngành CNTT phải liên tục học hỏi để theo kịp xu hướng". Sau khi tìm kiếm 8 tháng, anh đã được tuyển dụng vào một vị trí CNTT tại công ty chăm sóc sức khỏe đa quốc gia.

Cuộc cạnh tranh tìm kiếm tài năng công nghệ hàng đầu mang đến mức lương cao hơn và yêu cầu tuổi tác thoải mái hơn, cho những người có kỹ năng trong các lĩnh vực phức tạp như AI và học máy, có xu hướng yêu cầu bằng cấp cao. Nếu không có gì khác, Trung Quốc sẽ buộc phải thay đổi vấn đề này. theo Ngân hàng Thế giới, 47% dân số Trung Quốc hơn 40, tăng từ mức 30% vào hai thập kỷ trước. Con số đó được dự đoán sẽ tăng lên 55% vào năm 2030. Mặc dù đã kết thúc chính sách một con, số trẻ sinh vào năm ngoái vẫn giảm xuống còn 17,2 triệu, từ 18,5 triệu vào năm 2016.

Hoàng Lan

Chủ đề khác