VnReview
Hà Nội

7 món ăn cho một năm mới thịnh vượng và thành công theo truyền thống Trung Quốc

Với ước nguyện năm mới may mắn, thịnh vượng và thành công, tại quốc gia đông dân nhất thế giới, người dân thường dùng những món ăn nào trong dịp Tết âm lịch và mùa lễ hội từ giao thừa đến rằm tháng giêng?

Những món ăn theo quan niệm của người Trung Quốc là mang lại may mắn dịp tết

 

Trung Quốc cung cấp thức ăn cho 1,4 tỷ dân như thế nào?

Mỗi quốc gia đều có một số món ăn nhất định được dùng nhiều trong dịp năm mới vì ý nghĩa biểu tượng của chúng. Các thực phẩm may mắn được cho là sẽ mang lại tài lộc cho năm mới. Dưới đây là 7 món ăn tiêu biểu trong ngày Tết ở Trung Quốc và ý nghĩa biểu tượng của chúng, theo China Highlights:

Cá - ngày càng sung túc hơn

Cá là một món truyền thống trong năm mới của người Trung Quốc. Trong tiếng Hoa, từ cá (鱼 Yú /yoo/) phát âm giống như từ "thặng dư, dư thừa". Như các dân tộc khác, người Trung Quốc luôn muốn có một năm mới dư dả vào cuối năm. Họ cho rằng, nếu đến cuối năm mà để dành được một cái gì đó thì năm sau họ sẽ kiếm được nhiều hơn.

Cá hấp là một trong những món ăn ngày tết nổi tiếng nhất của người Trung Quốc. Các loại cá được chọn trong bữa tối năm mới dựa trên ý nghĩa thuận lợi trong cách phát âm của chúng.

Cá chép: Ký tự đầu tiên của từ "cá chép" trong tiếng Hoa (鲫鱼 jìyú /jee-yoo/) nghe giống như từ chúc may mắn (吉 jí /jee/) nên cá chép được cho là sẽ mang lại may mắn trong năm mới.

Cá trôi tàu (mud carp): phần đầu tiên của từ "cá trôi" (鲤鱼 lǐyú /lee-yoo/) nghe giống như từ quà tặng (礼 lǐ /lee/). Do đó, người Trung Quốc nghĩ rằng ăn cá trôi trong năm mới sẽ tượng trưng cho ước vọng may mắn.

Cá tra (catfish): từ cá tra trong tiếng Hoa (鲶鱼 niányú /nyen-yoo/) nghe giống như từ 年余 (nián yú), nghĩa là "thặng dư năm". Vì vậy, ăn cá tra là ước ao một năm mới dư dả.

Ăn hai con, một con vào đêm giao thừa và một con vào ngày mùng một, điều này nghe giống như điều ước sự dư dả từ năm này qua năm khác.

Việc chỉ ăn một con cá, phần đầu vào đêm giao thừa và phần còn lại vào ngày mùng một cũng đồng âm và mang nghĩa giống như phong tục ăn hai con cá ở trên.

Ăn cá như thế nào cũng quan trọng

Cá nên là món ăn cuối cùng với một ít phần thừa, vì điều này sẽ tạo nên sự đồng âm thuận lợi là có sự dư thừa mỗi năm. Đây là phong tục ở phía Bắc sông Trường Giang (Yangtze, còn gọi là Dương Tử, sông dài nhất Trung Quốc và thứ ba thế giới), còn ở những vùng khác, đầu và đuôi cá sẽ không được ăn cho đến khi bắt đầu năm mới. Điều này biểu lộ niềm hy vọng năm mới sẽ bắt đầu và kết thúc với sự dư dả.

Có một vài quy tắc liên quan đến vị trí phần cá được ăn.

- Đầu cá được đặt hướng về các khách mời đặc biệt hoặc người lớn tuổi, thể hiện sự tôn trọng.

- Mọi người có thể thưởng thức cá chỉ khi người ngồi đối diện đầu cá ăn trước.

- Không nên di chuyển cá. Hai người đối diện đầu và đuôi cá nên nâng ly cùng nhau, một điều được cho là mang lại may mắn.

Cá có thể được chế biến theo nhiều cách khác nhau: luộc, hấp, kho. Các món cá nổi tiếng nhất Trung Quốc có thể kể ra như: cá hấp, cá Hồ Tây nấu bắp cải muối chua và ớt, cá hấp sốt dấm, cá luộc với nước dùng cay.

Sủi cảo Trung Quốc - sự giàu có

Với lịch sử ra đời hơn 1.800 năm, sủi cảo (饺子 Jiǎozi /jyaoww-dzrr/) là món ăn Trung Quốc nổi tiếng và là món truyền thống mà người Trung Quốc ăn vào ngày cuối năm. sủi cảo phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, đặc biệt ở miền Bắc.

Sủi cảo Trung Quốc có thể được làm cho giống các thỏi bạc Trung Quốc có hình con thuyền hoặc oval và hai đầu cong lên. Theo truyền thuyết, bạn càng ăn nhiều sủi cảo trong dịp mừng năm mới thì bạn càng kiếm được nhiều tiền trong năm.

Thông thường sủi cảo được làm từ thịt băm nhỏ, rau củ xắt nhỏ, đặt trong một lớp bột mỏng và dẻo. Các loại nhân sủi cảo phổ biến là heo/tôm xắt nhỏ, cá, thịt gà hay thịt bò xay, rau củ. Há cả được nấu chín bằng cách luộc, hấp, chiên hoặc nướng.

Hầu như tất cả người Trung Quốc đều có thể làm sủi cảo. Đầu tiên, họ nhào bột, rồi nặn bột thành những lớp bao hình tròn, tiếp đến bỏ nhân vào bao, sau cùng chỉnh sửa nhân thành hình dạng mong muốn rồi nấu chín.

Sủi cảo nhân dưa cải muối chua thường không được ăn vào dịp mùa xuân vì người Trung Quốc cho rằng loại nhân này hàm ý một tương lai nghèo nàn, khó khăn. Theo truyền thống, ăn sủi cảo nhân bắp cải và củ cải tươi vào ngày cuối năm sẽ có ý nghĩa là, da của ai đó sẽ trở nên sạch sẽ và tâm trạng của họ sẽ nhẹ nhàng hơn.

Làm sủi cảo may mắn như thế nào

Khi làm sủi cảo, bạn nên tạo nhiều nếp gấp. Nếu bạn tạo các nếp gấp quá phẳng, người ta sẽ nghĩ tới sự nghèo đói.

Một số người Trung Quốc còn để một sợi chỉ trắng bên trong sủi cảo, và người ăn được sủi cảo đó được cho là sẽ có được sự trường thọ. Đôi khi, người ta còn cho một đồng xu vào sủi cảo, và người ăn nó được hy vọng sẽ trở nên giàu có.
Nên xếp sủi cảo thành nhiều hàng thay vì xếp theo hình tròn, bởi vì các vòng tròn sủi cảo sẽ có ý nghĩa là cuộc đời của bạn sẽ quanh quẩn trong những vòng tròn mà không bao giờ đi tới bất kỳ đâu.

Chả giò - sự giàu có

Từ chả giò (春卷 Chūnjuǎn /chwnn- jwen/) có nghĩa gốc là gỏi cuốn mùa xuân vì theo truyền thống, người ta hay ăn chả giò trong lễ hội xuân. Chả giò đặc biệt phổ biến ở các tỉnh miền Đông Trung Quốc như: Giang Tô, Giang Tây, Thượng Hải, Phúc Kiến, Quảng Châu, Thâm Quyến (Thâm Trấn), Hồng Kông…

Cũng như chả giò Việt Nam, chả giò Trung Quốc là những cuốn hình trụ nhân rau củ, thịt hoặc nhân ngọt. Nhân được đặt trong các lớp bột mỏng rồi đem chiên cho đến khi có màu vàng đặc trưng.

Bánh gạo nếp (bánh tổ) - sung túc hơn

Bánh gạo nếp-niangao (年糕 Niángāo /nyen-gaoww/) mà ở Việt Nam thường gọi là bánh tổ là một món truyền thống trong dịp Tết ở Trung Quốc. Trong tiếng Hoa, từ bánh gạo nếp nghe giống như một lời chúc may mắn có nghĩa là "cao hơn năm này qua năm khác" (chiều cao của trẻ em, thành công trong kinh doanh, thứ hạng cao hơn trong việc học, thăng tiến trong công việc). Trong tâm trí người Trung Quốc, nó có nghĩa là, bạn càng cao hơn thì việc kinh doanh của bạn càng sung túc hơn, một sự phát triển thông thường trong cuộc sống. Thành phần chính của bánh niangao gồm gạo nếp, đường, hạt dẻ, nhãn ghi ngày tháng bằng tiếng Hoa, lá sen.

Bánh trôi - đoàn tụ gia đình

Bánh trôi (汤圆 Tāngyuán /tung-ywen/) là món ăn chính trong Lễ hội Đèn lồng của Trung Quốc diễn ra vào ngày rằm tháng giêng âm lịch. Tuy nhiên, ở miền Nam thì chúng được ăn trong suốt Lễ hội mùa xuân kéo dài từ ngày 30 tết đến giữa tháng giêng. Cách phát âm và hình dạng tròn tròn của bánh trôi được liên kết với sự đoàn tụ và ở bên nhau. Đó là lý do vì sao chúng được người Trung Quốc ưa chuộng trong các lễ hội năm mới.

Mì sợi dài trường thọ - Hạnh phúc và trường thọ

Mì trường thọ (长寿面 Chángshòu Miàn /chung-show myen/) tượng trưng cho khát vọng trường thọ. Độ dài của chúng và việc để nguyên sợi mì dài cũng mang tính biểu tượng cho cuộc đời người ăn.

Loạnày dài hơn mì bình thường, không bị cắt ngắn, được chiên và ăn trên đĩa hoặc luộc và ăn trong tô có nước dùng.

Trái cây phát tài - Sự đầy đủ và giàu có

Có một số loại trái cây nhất định được ăn trong dịp tết Nguyên đán như quýt, cam, bưởi. Chúng được chọn vì hình dạng đặc biệt là hình tròn và có màu vàng tượng trưng cho sự đầy đủ, giàu có, và còn vì âm thanh của chúng khi phát ra có ý nghĩa may mắn.

Cam, quýt được ăn và chưng trong dịp Tết vì cách phát âm và cách viết của chúng được cho là sẽ mang lại vận may. Trong tiếng Hoa, cam và quýt nói chung là 橙 (chéng /chnng/) có âm giống như "thành công" (成). Còn quả quýt có một cách viết là 桔 jú /jyoo/ có chứa ký tự tiếng Hoa có nghĩa là may mắn (吉 jí /jee/).

Còn quả bưởi thì được cho là sẽ mang lại sự thịnh vượng thường xuyên. Bạn càng ăn bưởi nhiều thì nó càng giúp bạn giàu có hơn (ngạn ngữ Trung Quốc). Quả bưởi trong tiếng Hoa có cách phát âm giống như từ "có" (有 yǒu), chỉ khác dấu, và hoàn toàn giống từ "một lần nữa" (又 yòu).

Linh Trần

Chủ đề khác