VnReview
Hà Nội

Tốc độ tăng trưởng ngày càng chậm không khiến người dân Trung Quốc "cai nghiện" hàng hiệu

Người tiêu dùng thuộc giới siêu giàu Trung Quốc vẫn tiếp tục cho thấy độ bạo chi của mình khi góp phần "làm giàu" cho các nhãn hàng xa xỉ nổi tiếng trên thế giới, bất chấp tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia này đang dần chậm lại.

Theo số liệu thống kê mới nhất, Trung Quốc đã chứng kiến đà suy giảm tăng trưởng kinh tế lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua. Trong năm 2018 vừa qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đạt mức thấp nhất kể từ năm 1990, cụ thể đạt khoảng 6,6% và dự kiến có thể giảm thêm xuống chỉ còn 6,3% trong năm 2019.

Nền kinh tế đi xuống là vậy nhưng tầng lớp triệu phú và tỷ phú của nước này chẳng bao giờ lo đến vấn đề đó.

Theo tính toán của hãng phân tích UBS và PricewaterhouseCoopers, trung bình cứ mỗi tuần lại có thể hai người ở Trung Quốc trở thành tỷ phú. Những cá nhân siêu giàu này nằm trong số những những người tiêu dùng chịu chơi, không quan tâm giá cả và rất thích sắm các món đồ xa xỉ. Họ chính là những vị khách siêu "sộp" đối với các nhãn hàng danh tiếng và đắt đỏ.

Công ty Pháp đa quốc gia Hermès hôm 8/2 công bố mức tăng trưởng tổng doanh thu trong Q4/2018 tăng 10%, qua đó thúc đẩy doanh thu cả năm 2018 đạt khoảng 6,7 tỷ USD. Mặt hàng có doanh thu lớn nhất của Hermès phải kể đến như túi Birkin với giá bán lẻ 10 ngàn USD. Doanh số bán hàng tại Trung Quốc và Nam Á của thương hiệu này cũng đã tăng trưởng tới 14%.

Cũng trong năm qua, doanh số bán túi xách của một số thương hiệu có tiếng của Pháp như Louis Vuitton, Givenchy và Marc Jacobs cũng tăng trưởng ấn tượng. Doanh thu năm 2018 của các công ty này đã vượt qua 11,3 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Châu Á, cụ thể tại Trung Quốc đã góp công lớn giúp doanh số của các nhãn hàng xa xỉ tăng trưởng mạnh.

Một số thương hiệu siêu cao cấp khác cũng đang kinh doanh rất tốt tại Trung Quốc bất chấp nền kinh tế toàn cầu đang suy thoái. Nnhà sản xuất xe hơi hạng sang Rolls Royce đã công bố doanh số hàng năm cao nhất trong lịch sử suốt 115 năm của hãng.

Ngược lại, doanh số bán các sản phẩm từ trung cấp đến cao cấp tại Trung Quốc lại chứng kiến đà suy giảm mạnh. Đó là lý do tại sao Apple lại đổ lỗi cho nhu cầu iPhone yếu tại Trung Quốc và doanh thu trong Q4/2018 vừa qua của Apple tại Trung Quốc chỉ đạt khoảng 13,17 tỷ USD, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước.

Lâu nay, người tiêu dùng thuộc giới siêu giàu của Trung Quốc vốn không có khái niệm e ngại tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung hay nền kinh tế suy thoái. Ngay cả trong giai đoạn khủng hoảng nhất, các nhãn hàng xa xỉ vẫn luôn có đất sống tại thị trường này. Đó là một sự bền vững đến kỳ lạ.

Một cuộc thăm dò ý kiến của hãng Agility Research đối với người tiêu dùng thuộc giới siêu giàu Trung Quốc vào tháng 11/2018 cho thấy, một nửa số người được hỏi dự định chi nhiều hơn cho hàng hóa xa xỉ trong năm 2019. Thế mới biết, giàu thì muốn gì cũng được.

Tiến Thanh

Chủ đề khác