VnReview
Hà Nội

Chính sách một múi giờ của Ấn Độ có tác hại như thế nào cho người dân nước này?

Chính sách một múi giờ chính là di sản còn sót lại của bộ luật Anh áp đặt lên quốc gia thuộc địa Ấn Độ, không chỉ vậy, nó còn là một biểu tượng của sự gắn kết bền chặt. Nhưng không phải ai cũng tin rằng Múi giờ Chuẩn Ấn Độ (IST) là một ý tưởng hay.

Ấn Độ trải dài 3000 km từ Đông sang Tây với 30 đường Kinh tuyến chạy qua. Điều này tương đương với việc sẽ có hai múi giờ mặt trời riêng biệt tồn tại trên lãnh thổ quốc gia này. Về mặt địa lí, điều này giống với bang New York và bang Utah ở Mỹ nhưng ở Ấn Độ, điều này đang có ảnh hưởng lên tới hơn một tỷ người, trong số đó có hàng trăm triệu người thuộc nhóm nghèo khổ.

Do điều kiện địa lí như vậy, mặt trời ở rìa Đông Ấn Độ sẽ mọc sớm hơn 2 tiếng so với rìa Tây của quốc gia này. Giới đánh giá đã dành ra nhiều thời gian để cùng bàn luận về việc Ấn Độ nên chuyển sang sử dụng hai múi giờ để có thể tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày ở phía Đông Ấn bởi ở đây mặt trời mọc và lặn sớm rất nhiều so với những khu vực ở phía Tây. Ngoài ra, người dân sinh sống ở phần phía đông cũng cần phải bắt đầu sử dụng ánh sáng sớm hơn trong ngày, do đó làm tăng lượng điện tiêu thụ.

Không chỉ vậy, sự vận động của mặt trời cũng có những ảnh hưởng nhất định tới đồng hồ sinh học của chúng ta. Khi mà trời trở tối, cơ thể chúng ta sẽ bắt đầu tiết ra hoóc-môn gây buồn ngủ melatonin.

Trong báo cáo nghiên cứu của mình, nhà Kinh tế học tại đại học Cornell, Maulik Jagnani, còn lập luận rằng chính sách một múi giờ còn làm giảm chất lượng giấc ngủ, đặc biệt là ở những trẻ em có điều kiện thiếu thốn. Ông cũng khẳng định, đây chính là nhân tố sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng giáo dục.

Và không chỉ còn trong lí thuyết, điều này giờ đây đã trở thành thực tế. Thời gian học ở các trường học trên toàn Ấn Độ có thời gian kết thúc giống nhau, nhưng những trẻ ở vùng mặt trời lặn muộn hơn sẽ phải đi ngủ muộn hơn, điều này dẫn tới chứng thiếu ngủ. Theo ước tính, mỗi một giờ mặt trời lặn muộn hơn sẽ làm giảm thời gian ngủ của trẻ đi 30 phút.

Không những vậy, từ các dữ liệu thu được từ Cục khảo sát thời gian Ấn Độ và Cục khảo sát Nhân khẩu học và Sức khoẻ quốc gia Ấn Độ, ông Jagnani phát hiện ra rằng những trẻ đang trong độ tuổi đến trường trong vùng có mặt trời lặn muộn hơn thường có số năm thụ hưởng giáo dục ít hơn, và có tỷ lệ bỏ học từ cấp Tiểu học và Trung học cao hơn.

Ông cũng tìm ra được bằng chứng gợi ý về hiện tượng thiếu ngủ do ảnh hưởng bởi sự vận động của mặt trời sẽ thường hiện hữu hơn ở nhóm người nghèo khó đặc biệt là trong giai đoạn mà những hộ gia đình phải đối mặt với những vấn đề tiêu cực với tài chính. Ông tin rằng chính những khó khăn về kinh tế sẽ là rào cản ngăn những hỗ gia đình này tiếp cận tới những phương thức giúp điều chỉnh và nâng cao chất lượng giấc ngủ.

Ngoài ảnh hưởng về vật chất, ông còn cho biết thêm: "Những người thuộc nhóm nghèo đói còn phải đối mặt với những tiêu cực về mặt tâm lí như stress, những trạng thái tình cảm tiêu cực, và phải tăng cường nhận thức, tất cả những vấn đề này sẽ ảnh hưởng tới chức năng ra quyết định của con người".

Ông Jagnani cũng phát hiện ra rằng kết quả học tập của trẻ cũng thay đổi theo thời gian mặt trời lặn trung bình cả năm của từng khu vực, trải dài từ phía Đông sang Tây, thậm chí là kết quả này cũng có thể thay đổi đối với những trẻ trong cùng một quận, huyện. Theo tính toán, cứ một tiếng chậm hơn trong chỉ số thời gian mặt trời lặn trung bình cả năm sẽ làm giảm 0,8 năm giáo dục của trẻ, những trẻ sống ở các vùng mặt trời lặn muộn hơn sẽ có khả năng bỏ học ở cấp Tiểu học và Trung học cao hơn.

Cũng theo ước tính của ông, nếu quốc gia này áp dụng hai múi giờ riêng biệt là UTC + 5 ở vùng Tây Ấn và UTC + 6 ở phần phía Đông, thì Ấn Độ sẽ tích luỹ được khoảng 4,2 tỷ USD vốn nhân lực hàng năm (tương đương với 0,2% GDP).

Cuộc tranh luận về việc có nên sử dụng chính sách hai múi giờ hay không đã nổi lên ở Ấn Độ từ lâu. Trên thực tế, những vườn chè ở phần Đông Bắc bang Assam đã đặt đồng hồ của họ sớm hơn một tiếng so với giờ IST từ lâu, đây được coi là múi giờ không chính thống của họ. Vào những năm 1980, một nhóm những nhà nghiên cứu tại một học viện hàng đầu về ngành năng lượng đã đề xuất lên một hệ thống múi giờ để có thể tiết kiệm điện năng tiêu thụ. Sau đó, vào năm 2002, chính phủ nước này đã bác bỏ một kiến nghị tương tự, với lí do mang tên "phức tạp". Và dù rằng mang lại nhiều ích lợi những chính sách hai múi giờ cũng có những rủi ro riêng. Ví dụ như một số chuyên gia bày tỏ mối lo ngại về ngành đường sắt, khi mà các con tàu sẽ phải thay đổi thời gian khi đi từ múi giờ này sang múi giờ khác.

Năm trước, những nhân viên tính công của chính phủ Ấn Độ cũng đã tự đề xuất nên sử dụng hai múi giờ, một múi cho phần lớn diện tích lãnh thổ, còn múi còn lại sẽ được áp dụng cho tám bang khác, bao gồm bảy bang nằm ở phần rìa phía Tây Bắc của quốc gia này. Hai múi giờ này sẽ cách nhau một tiếng đồng hồ.

Không chỉ có ông Jagnani, các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Vật lí quốc gia Ấn Độ cũng cho rằng chính sách một múi giờ sẽ "ảnh hưởng nghiêm trọng với cuộc sống" bởi mặt trời mọc và lặn sớm hơn so với khoảng thời gian cho phép của giờ làm việc. Họ cho rằng các văn phòng, trường học, trường cao đẳng không thể tận dụng tối đa ánh sáng ban ngày do mặt trời thì mọc sớm mà giờ làm thì lại muộn hơn. Không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống, lượng điện tiêu thụ để "giữ cho cuộc sống vận động" cũng sẽ cao hơn.

Trung ND

Chủ đề khác