VnReview
Hà Nội

Tweet của Tổng thống Mỹ Donald Trump bị xoá vì vi phạm bản quyền

Ngay cả Tổng thống Mỹ cũng không thể "miễn nhiễm" với các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền trên mạng xã hội.

Hôm thứ sáu vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng tải lại một đoạn video "chế" trên nền ca khúc "Everybody Hurts" của nhóm nhạc rock R.E.M., trong đó có chứa hình ảnh phản ứng của các nghị sĩ đảng Dân chủ khi Trump đọc Thông điệp Liên bang hồi đầu tháng 2 vừa qua. Video này vốn được tạo ra bởi một nhóm người dùng Internet có biệt hiệu "Carpe Donktum", đã từng nhận giải thưởng của cuộc thi chế meme Infowars. Đến sáng thứ Bảy theo giờ miền Đông nước Mỹ (ET), video được Trump chia sẻ lại đã bị gỡ xuống sau khi nhà phát hành của R.E.M, công ty Universal Music Publishing Group, cùng với nhạc công bass Mike Mills, báo cáo vi phạm bản quyền.

Đài CNBC cho biết, người dùng Twitter khi truy cập vào đoạn video clip trên trang Twitter của Tổng thống sẽ nhận được thông điệp "Video này đã bị gỡ bỏ sau báo cáo của bên sở hữu bản quyền". Bản thân tweet của Tổng thống có lẽ cũng đã bị xoá ở một thời điểm nào đó sau khi vụ việc xảy ra.

CNBC cũng cho biết rằng đây không phải lần đầu tiên Tổng thống Trump có tranh chấp với các bên sở hữu bản quyền. Trước đây, nhóm nhạc The Rolling Stones cũng đã từng phàn nàn về việc Trump sử dụng sản phẩm âm nhạc của họ trong các chiến dịch truyền thông tranh cử, cũng như sao chép câu nói nổi tiếng mang tính biểu tượng của loạt phim Game of Thrones (thậm chí ông còn sử dụng luôn cả font chữ của họ).

"Trump trước đây đã từng nhận được nhiều lời chỉ trích về việc sử dụng nội dung có bản quyền: ca khúc "You Can't Always Get What You Want" của nhóm nhạc The Rolling Stones thường được sử dụng vào cuối các cuộc buổi mít-tinh trong chiến dịch tranh cử của Trump, đồng thời, tiếp tục được sử dụng nhiều lần tại các sự kiện của Trump kể từ khi ông trở thành Tổng thống. Ban nhạc đã một vài lần kêu gọi Trump ngừng sử dụng bài hát, nhưng yêu cầu đó không được đáp ứng.

Vào tháng 11, Trump đã tweet một bức ảnh có mặt ông cùng với dòng chữ "Sanctions are coming" (Các lệnh trừng phạt sắp đến) ở bên trên. HBO cho rằng hình ảnh này có liên quan trực tiếp và được lấy từ series phim truyền hình "Game of Thrones" đình đám của họ. Vào thời điểm đó, HBO bày tỏ nguyện vọng không muốn thương hiệu phim của mình bị sử dụng cho mục đích chính trị, nhưng Tổng thống đã không gỡ hình ảnh này xuống."

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Tổng thống tweet lại một video mà các nền tảng mạng xã hội quyết định gỡ xuống. Sau khi Trump đăng tải lại một số tweet chống Hồi giáo của một tổ chức chính trị cực hữu của Anh, Britain First, Twitter đã quyết định đình chỉ tài khoản của nhóm này, và động thái đó cũng đã tự động xóa các video vi phạm khỏi trang cá nhân của Tổng thống. Facebook cũng đã từng gỡ bỏ một quảng cáo cho chiến dịch của Trump có chứa nội dung phân biệt chủng tộc vào cuối năm 2018.

Ngay lập tức, nhóm Car Car Donktum đã phàn nàn trên trang Twitter về các nền tảng kiếm tiền từ nội dung của họ hay thậm chí là xoá bỏ chúng. Họ cũng đã tweet lại một bản sao khác của video.

Sự phổ biến của các yêu cầu gỡ bỏ nội dung vi phạm bản quyền trên các nền tảng web lớn đã trở thành một vấn đề phổ biến trong những năm gần đây. Các nền tảng đã chấp nhận thoả hiệp để tránh các vụ kiện vi phạm bản quyền. Một số ý kiến chỉ trích những động thái như vậy là "thái quá".

Chuyên trang BuzzFeed News gần đây cho biết, các yêu cầu gỡ bỏ nội dung có thể được sử dụng để xóa các nội dung gây xấu hổ. Một bài viết khác của The Verge mới đây nhấn mạnh rằng các hệ thống khiếu nại bản quyền tự động của YouTube có thể được các nhà sản xuất nội dung sử dụng để chống lại các đối thủ cạnh tranh hoặc làm phương tiện cho các nỗ lực tống tiền. Trong nhiều trường hợp, các nền tảng đã chọn phương án loại bỏ ngay cả nội dung thuộc các danh mục sử dụng hợp pháp, thay vì giữ lại và chấp nhận rủi ro bị kiện ra tòa.

Mạng xã hội Twitter, vốn có chính sách kiểm duyệt nội dung rất "lầy lội" và mơ hồ đến nỗi CEO Jack Dorsey của mạng xã hội này gần đây đã tuyên bố rằng, ông chỉ ngồi vào đàm phán với Trump nếu Tổng thống "ra lệnh cho những người theo dõi mình trên Twitter cầm vũ khí tấn công các nhà báo", dường như không có gì phải lưỡng lự khi "thẳng tay" xoá bỏ video của Tổng thống.

Tới 6h sáng ngày 16/2 (giờ ET), video trên đã xuất hiện trở lại trên trang Twitter của Tổng thống Trump, nhưng lần này sử dụng một bản nhạc nền khác, ca khúc "God Bless America".

An Huy

Chủ đề khác