VnReview
Hà Nội

Tại sao NASA nói Trung Quốc và Ấn Độ trồng nhiều cây xanh nhất?

Theo một nghiên cứu của NASA, hai quốc gia đứng đầu về dân số trên thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ đang là những nước "phủ xanh" nhiều nhất cho Trái Đất trong hai thập kỷ qua.

Theo NASA, diện tích rừng trên Trái Đất đã tăng thêm 5%, tức hơn 5 triệu km2 kể từ năm 2000. Diện tích này tương đương với tổng diện tích rừng nhiệt đới Amazon.

Chen Chi, trưởng nhóm nghiên cứu đồng thời đang làm việc tại Khoa Trái Đất và Môi trường tại Đại học Boston, Mỹ khẳng định: "Trung Quốc và Ấn Độ chiếm 1/3 số rừng phủ xanh nhưng số rừng đó chỉ chiếm 9% diện tích đất trên hành tinh này".

Thành quả trên có được nhờ chương trình trồng cây đầy tham vọng của Trung Quốc và nền nông nghiệp thâm canh phát triển tại Ấn Độ.

Hồi năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu trồng một cánh rừng khổng lồ, tương đương diện tích của Ireland trong năm 2018. Trong hơn 2 thập kỷ qua, Trung Quốc đã chi khoảng 47 tỷ USD để trồng rừng trên khoảng 28 triệu ha đất bỏ hoang.

Trung Quốc chiếm tới 1/4 diện tích rừng trồng mới của Trái Đất, mặc dù nước này chỉ chiếm 6,6% diện tích thảm thực vật của thế giới. Tính đến cuối năm 2017, tỷ lệ che phủ rừng trong dự án trồng rừng cấp quốc gia của Trung Quốc đã đạt 13,57%, tăng cao so với mức 5,05% cách đây hơn 40 năm trước. Nước này đang tham vọng có thể nâng tỷ lệ che phủ rừng lên 23,04% vào năm 2020 và đạt 26% vào năm 2050.

Ngoài việc không ngừng tăng diện tích trồng rừng, Trung Quốc và Ấn Độ cũng tích cực tăng sản lượng lương thực thông qua hoạt động trồng trọt và thâm canh theo kỹ thuật mới tiên tiến hơn. Được biết 80% công sức tăng độ che phủ rừng của Ấn Độ nhờ hoạt động thâm canh nông nghiệp.

NASA khẳng định, hoạt động sản xuất ngũ cốc, trồng rau, trái cây,…đã tăng khoảng 35-40% kể từ năm 2000. Số lương thực này đã góp phần giúp nuôi sống hơn tỷ dân của mỗi nước.

Số liệu nghiên cứu được lấy từ dữ liệu ảnh chụp độ phân giải cao do hệ thống trạm thu ảnh viễn thám từ vệ tinh Moderate Resolution Imaging Spectroradiometer (MODIS) và hai vệ tinh của NASA từ năm 2000-2017.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy những dải xanh lớn ở Trung Quốc và Ấn Độ

Nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Boston lần đầu phát hiện sự gia tăng độ phủ xanh toàn cầu vào những năm 1990 nhưng không có nhiều nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân nào khiến tỷ lệ này gia tăng.

Đồng tác giả nghiên cứu chia sẻ: "Lần đầu quan sát thấy Trái Đất bắt đầu xanh trở lại, chúng tôi đã tưởng đó là hệ quả từ việc khí hậu ấm và ẩm ướt hơn. Bên cạnh đó nhờ lượng CO2 lớn trong bầu khí quyển nên đã kích thích cây ra lá nhiều hơn. Nhưng với dữ liệu hình ảnh từ MODIS, chúng tôi thấy rằng con người cũng đóng một vai trò lớn".

Mặc dù vậy ngay cả khi Trái Đất dần xanh hơn nhờ sự trợ giúp của Trung Quốc và Ấn Độ, chúng ta vẫn chưa thể an tâm. Hoạt động trồng rừng mới không thể nào bù đắp kịp tốc độ phá rừng mỗi năm tại các vùng nhiệt đới.

Nghiên cứu được công bố và đăng tải trên tạp chí Natural Sustainability hôm 11/2 mới đây.

Tiến Thanh

https://news.cgtn.com/news/3d3d774e34596a4e32457a6333566d54/index.html

https://edition.cnn.com/2019/02/13/world/china-india-greener-planet-scli-intl/index.html

https://www.scmp.com/news/china/society/article/2185977/china-india-make-world-greener-place-according-nasa-study

Chủ đề khác