VnReview
Hà Nội

Giáo sư Mỹ bị cáo buộc ăn cắp công trình nghiên cứu của sinh viên và bán với giá triệu đô

Đại học Missouri-Kansas City đã đệ đơn kiện một cựu giáo sư vì cho rằng, ông này đã đánh cắp và bán nghiên cứu của một cựu sinh viên với giá 1,5 triệu USD.

Theo hồ sơ vụ kiện, giáo sư Ashim Mitra đã đánh cắp công thức bào chế thuốc mang tính đột phá của một cựu sinh viên và bán cho công ty dược phẩm Auven Therapeutic với số tiền bản quyền hơn 1,5 triệu USD vào năm 2011. Thậm chí, Auven Therapeutic tiếp tục bán bản quyền trên cho một tập đoàn dược phẩm Ấn Độ với trị giá 40 triệu USD. Mọi chuyện được cho đã diễn ra trong âm thầm.

Giáo sư Mitra sau khi từ chức tại trường Đại học Missouri-Kansas City đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên của CNN. Người vợ của Mitra cũng dính líu đến vụ kiện. Bà hiện đang làm việc trong phòng thí nghiệm của chồng và tại hai công ty dược phẩm đã mua bằng sáng chế của Mitra.

Phía trường đại học Missouri-Kansas City cáo buộc Mitra đã bí mật hợp tác với công ty dược để ứng dụng bằng sáng chế. Trong đó công ty đã ứng dụng công nghệ nano để chế tạo thuốc điều trị khô mắt có tên Cequa, hiệu quả tốt hơn nhiều so với các loại thuốc nhỏ mắt thông thường. Thuốc sau đó cũng đã nhận được sự chấp thuận của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).

Theo chia sẻ của Đại học Missouri-Kansas City với kênh CNN: "Mitra đã đánh cắp phát minh thuộc sở hữu của trường và sau đó bán chúng cho các công ty dược phẩm. Ông ta cũng hỗ trợ phát triển và thương mại hóa loại thuốc đó. Tuy nhiên Mitra lại không trả tiền cho cậu sinh viên xứng đáng được nhận khoản tiền của bằng sáng chế trên. Ông ta đã cố gắng che giấu sự việc và phủ nhận mọi công sức của sinh viên".

Được biết cựu sinh viên bị đánh cắp nghiên cứu là Kishore Cholkar. Theo phía nhà trường, Cholkar đã bắt đầu nghiên cứu sáng chế trên từ năm 2010, thời điểm khi cậu còn đang công tác tại trường với tư cách là trợ lý nghiên cứu sau đại học.

Tuy nhiên vào năm 2015, bằng sáng chế bị giáo sư Mitra đánh cắp đã được cấp chứng nhận. Trong đó Mitra và một nhân viên khác thuộc công ty Auven là hai người đồng sở hữu bằng sáng chế và không có tên của Cholkar.

Chân dung giáo sư Mitra

Hồ sơ vụ kiện tiết lộ, những người có liên quan đến vụ việc đã đánh cắp, tiêu hủy nhiều chứng cứ và ghi chép của Cholkar hòng phi tang. Phía Đại học Missouri-Kansas City tin rằng, Mitra có thể nhận 1% tiền hoa hồng từ việc bán bằng sáng chế trên trong vòng 5 năm tới với số tiền khoảng 10 triệu USD.

Chính sách của Đại học Missouri-Kansas City cho phép trường có quyền sở hữu bằng sáng chế, công trình nghiên cứu có giá trị của các giáo sư, giảng viên hay sinh viên đang công tác tại trường. Nếu nhà phát minh nhận được các phần thưởng từ công trình nghiên cứu, họ sẽ chỉ được hưởng 1/3 số tiền trong khi 2/3 còn lại thuộc về trường.

Khi được hỏi thông qua điện thoại, giáo sư Mitra đã bác bỏ cáo buộc của nhà trường và tiết lộ với CNN rằng, Cholkar không xứng đáng được hưởng bằng sáng chế trên.

Mitra khẳng định: "Mọi người chỉ đang cố nhảy vào để lấy một phần trong miếng bánh của bằng sáng chế này thôi". Mitra cho biết, ông đã "thai nghén" công thức chế tạo thuốc này từ lâu và sau đó đã làm việc cùng nhiều công ty dược phẩm để tiến hành thương mại hóa. Thêm vào đó Mitra cho rằng, Cholkar chỉ tham gia nghiên cứu sau khi Mitra ký kết hợp tác cùng các công ty dược. Ông tiết lộ đang tham khảo thêm ý kiến của luật sư để tìm cách giải quyết tốt nhất cho vụ việc.

Về phía Cholkar, cựu sinh viên kiêm tiến sỹ hiện đang làm việc cho một công ty dược ở California và chưa có bình luận nào về vụ kiện trên của trường Đại học Missouri-Kansas City.

Tiến Thanh

Chủ đề khác