VnReview
Hà Nội

Các chuyên gia đang đánh giá sai về điện thoại giá rẻ vì suốt ngày tiếp xúc với smartphone đầu bảng?

Con người là một sinh vật ẩn chứa nhiều điều thú vị của tạo hoá. Chúng ta không chỉ thích nghi được với gần như mọi điều kiện môi trường sống khắc nghiệt nhất, mà tâm trí của chúng ta còn có thể điều chỉnh theo những kích thích mạnh mẽ nhất diễn ra trong một thời gian dài, dù cho đó là những kích thích theo chiều hướng tích cực hay tiêu cực.

Đánh giá iPhone XR: chiếc iPhone tuyệt vời cho ai sẵn sàng hy sinh độ sang chảnh

Đánh giá Honor 8X: có gì hay trong phân khúc quá nhiều lựa chọn?

Đánh giá Asus Zenfone Max Pro M2: không còn "khô máu" nhưng vẫn rất cạnh tranh

Mặc dù những khả năng này là cần thiết để tăng cường khả năng sống sót của loài người; song nó cũng có thể khiến chúng ta khó lòng đưa ra được những đánh giá có tính khách quan, bởi vì bối cảnh nơi chúng ta đang sinh sống và làm việc hoàn toàn có khả năng "bóp méo" cái cách mà chúng ta nhìn nhận về mọi thứ.

Có lẽ hầu hết các bạn – những người dùng mạng Internet thường xuyên – đều đã từng một lần nhìn thấy ảo ảnh quang học được biểu diễn trong hình dưới đây: hai hình vuông trên ô bàn cờ dường như có sắc độ khác hẳn nhau, trong khi thực ra chúng có màu y hệt. Sự khác biệt ấy là do các yếu tố ngoại cảnh tác động (trong trường hợp này là cái bóng của khối trụ màu xanh). Một điều đáng buồn là, trong cuộc sống thực của chúng ta, những bối cảnh, hay các yếu tố ngoại cảnh có khả năng gây hiểu lầm thường không rõ ràng và không dễ để nhìn ra như vậy. Điều này có thể khiến chúng ta mặc nhiên đi đến nhận định rằng chẳng có yếu tố bối cảnh nào cả: mọi thứ đều rõ ràng như ban ngày.

Hình vuông A và hình vuông B có màu giống nhau hoàn toàn đấy. Nếu không tin, bạn có thể tự mình kiểm chứng bằng những phần mềm đồ hoạ mà xem!

Giờ, trước khi bạn đóng cửa sổ bài viết này lại và cho rằng "cái trang web chuyên đăng tin tức công nghệ này đang đi lạc đề quá", thì tôi sẽ không làm lãng phí thời gian của bạn nữa và đi thẳng vào vấn đề ngay bây giờ.

Những chuyên gia đánh giá sản phẩm công nghệ, là tác giả của những bài đánh giá chuyên nghiệp, cần phải đánh giá các sản phẩm đến từ nhiều phân khúc giá khác nhau và xác định những giá trị thực sự mà mỗi sản phẩm có thể mang đến cho khách hàng. Tuy nhiên, những người thực sự hứng thú tìm hiểu các ý kiến đánh giá của các chuyên gia này trước khi mua thường là những người sẵn sàng trả thêm tiền để sở hữu sản phẩm, khiến cho trọng tâm viết bài của những chuyên gia này thường là các sản phẩm có mức giá cao nhất trong mỗi phân khúc.

Chưa kể, những sản phẩm đắt tiền sẽ có nhiều điểm thú vị hơn để đánh giá, bình luận, và sẽ nhận được sự quan tâm tìm hiểu của nhiều độc giả hơn, thậm chí ngay cả những người không đủ tiền để sở hữu chúng – họ chỉ đọc cho vui, vì tò mò hoặc để chứng tỏ độ "cool" của mình.

Và kết quả là, các chuyên gia đánh giá sản phẩm sẽ dành nhiều thời gian hơn một cách đáng kể để trải nghiệm những lợi ích của những chiếc smartphone đầu bảng, đắt tiền, hơn là những sản phẩm có mức giá phù hợp hơn với túi tiền của đa số người tiêu dùng. Vậy, câu hỏi đặt ra là nếu phải đánh giá những sản phẩm "bình dân" hơn, thì những chuyên gia này còn có thể giữ được sự khách quan hay không?

Mặt trái của việc thường xuyên có những sản phẩm tốt nhất trong tay

Chúng ta sẽ không đi sâu vào đánh giá những "bí mật" đằng sau những gì mà các "cây bút công nghệ" được tận hưởng mỗi ngày, song từ quan sát của chúng tôi, các chuyên gia đánh giá điện thoại thông minh sở hữu nhiều mẫu điện thoại flagship đầu bảng cho cả mục đích cá nhân lẫn công việc, và năm nào cũng có những chiếc máy mới. Vậy nếu họ cầm trên tay những thiết bị có giá chỉ bằng một phần ba, thậm chí một phần tư so với những thiết bị họ thường xuyên sử dụng, thì chắc chắn áp lực kiềm chế những yếu tố tâm lý để viết nên một bài đánh giá khách quan nhất có thể sẽ rất lớn.

Chọn cái nào đây, khó quá đi!

Nếu bạn đã quen sử dụng những chiếc smartphone "khủng" có thể mở xong một ứng dụng chỉ trong 0,1 giây, và giờ đột nhiên bạn phải chuyển sang dùng một chiếc máy mất đến 0,5 giây để khởi động xong một ứng dụng, bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy chiếc máy mới này thật là chậm và giật lag. Tuy nhiên, nếu một ai đó đã quen với việc sử dụng một chiếc điện thoại 4 năm tuổi vốn mất đến 3 giây để thực hiện xong một tác vụ tương tự, thì người đó chắc chắn sẽ thấy chiếc máy 0,5 giây kia hoạt động quá là nhanh! Vậy trong trường hợp này, ai mới là người đúng? Có lẽ là cả hai, vấn đề ở đây chỉ là góc nhìn và cách tiếp cận. Và vấn đề chính cũng bắt nguồn từ đó.

Giống như một người sành rượu sẽ cảm thấy không bằng lòng và thoả mãn nếu phải uống loại rượu có giá chỉ 15 USD, trong khi những người không rành như chúng ta cảm thấy như vậy đã là quá đủ, thậm chí là chỉ uống những chai rượu với giá đó trong những dịp đặc biệt, thì những chuyên gia đánh giá sản phẩm công nghệ cũng sẽ có những thiên lệch nhất định khi viết bài đánh giá sản phẩm, theo chiều hướng ưu ái những chiếc máy cao cấp hơn và "thờ ơ" với những sản phẩm ở phân khúc thấp. Bởi vì, nếu ngay từ đầu bạn đã quen với việc sử dụng một sản phẩm đầu bảng, đã quen với những gì chiếc máy thuộc hàng "xịn" nhất trên thị trường smartphone có thể làm được, thì mọi trải nghiệm khác đều khó có thể hấp dẫn và khiến bạn cảm thấy hài lòng.

Chẳng hạn, lấy ví dụ về camera của những chiếc điện thoại thông minh. Một cách tự nhiên nhất, nếu bạn thường xuyên chụp và ngắm nghía những bức ảnh được tạo ra bởi những chiếc máy như Google Pixel hay iPhone XS, thì khi nhìn sang những bức ảnh chụp từ những chiếc máy rẻ tiền hơn, chúng ta sẽ ngay lập tức cảm thấy khó chịu và tự hỏi: tại sao màu sắc được tái tạo trong bức ảnh lại sai lệch nhiều thế kia, tại sao ảnh chụp buổi tối lại nhiều hạt nhiễu (noise) như vậy… Mặc dù sự thật là chất lượng của những bức ảnh này có thể kém hơn, song liệu có phải cứ điện thoại giá rẻ bao nhiêu thì chất lượng ảnh sẽ tệ đi tương ứng? Và liệu những người dùng muốn nâng cấp từ những chiếc máy thấp hơn lên những mẫu điện thoại như thế này có nên cảm thấy hoàn toàn thất vọng hay không? Có lẽ là không.

Việc những chiếc smartphone phân khúc thấp thiếu đi nhiều tính năng quan trọng mà bạn vốn quen dùng trên những chiếc flagship cao cấp cũng là một yếu tố có ảnh hưởng lớn đến sự nhìn nhận của bạn về những chiếc máy ở tầm giá trung. Mặc dù có thể những tính năng ấy cũng không quá quan trọng, song nếu đã quen sử dụng chúng, bạn sẽ cảm thấy khá bất tiện và điều đó khiến trải nghiệm với chiếc điện thoại mới không trọn vẹn. Chẳng hạn, nếu bạn có một bộ sạc không dây đặt trên mặt bàn làm việc ở cơ quan và một bộ sạc khác đặt trên tủ đầu giường phòng ngủ, thì một chiếc điện thoại giá rẻ không có sạc không dây sẽ buộc bạn phải trở lại với thói quen trước đó là cắm dây sạc vật lý vào ổ điện, và điều này khiến bạn có cảm giác chiếc điện thoại mới này như một món hàng đến từ thời cổ xưa. Trong khi đó, đa số người dùng smartphone tầm trung có lẽ chẳng bao giờ sử dụng sạc không dây, và do đó, thiếu đi tính năng này không ảnh hưởng nhiều đến trải nghiệm của họ.

Một số điện thoại flagship còn đi kèm với bộ sạc không dây ngay trong hộp, do đó người dùng có thể trải nghiệm ngay tính năng này mà không mất tiền mua thêm phụ kiện ngoài.

Khá là khó để định giá một cách cụ thể giá thành của mỗi tính năng, để từ đó bạn có thể xác định một cách công tâm: liệu mức giá "rẻ" của chiếc điện thoại giá rẻ có thực sự xứng đáng với những tính năng mà nhà sản xuất phải "hy sinh" cho nó hay không. Ống kính camera điện thoại có giá 150 USD? Hay 100 USD có đủ để đưa sạc không dây vào thiết bị? Thế còn jack cắm tai nghe 3,5mm truyền thống, trong thời điểm hiện tại thậm chí còn xuất hiện nhiều trên những thiết bị giá rẻ hơn là các flagship? Mặc dù bạn có thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin này trên mạng, song điều đó không có nghĩa là giá của chiếc điện thoại sẽ giảm đúng bằng mức giá của những tính năng bị thiếu.

Ý của tôi ở đây, điểm khác biệt then chốt nhất là giá thành của các sản phẩm thường rất khó để tìm hiểu và so sánh, nhất là trong môi trường chuyên nghiệp của các chuyên gia phân tích – đánh giá.

Xem xét giá, chứ không phải là… trả giá

Tất cả chúng ta đều có thể đưa ra những so sánh về các con số một cách khá dễ dàng: 1000 USD đắt gấp đôi so với 500 USD và đắt hơn khoảng 33% so với 750 USD, đại loại vậy. Tuy nhiên, cũng chẳng có gì bí mật khi nói rằng hầu hết các chuyên gia đánh giá đều nhận được các thiết bị hoàn toàn miễn phí từ nhà sản xuất để nhận xét và đưa ra bình luận. Về mặt tâm lý mà nói, mặc dù bạn biết rất rõ những con số - giá tiền bạn phải trả để sở hữu một chiếc điện thoại, song nếu bạn nhận được nó miễn phí, thì câu chuyện sẽ rất khác so với việc bạn phải thực sự rút hầu bao ra để sở hữu nó. Những cảm xúc phát sinh khi một người phải thực sự dùng tiền của chính mình để mua một sản phẩm công nghệ về là một cảm xúc rất khó để hình dung trong đầu, và các chuyên gia đánh giá thường không có được điều đó. Và việc này rõ ràng có ảnh hưởng ít nhiều đến quan điểm của họ.

Giá cả là yếu tố được các nhà đánh giá thường xuyên quan tâm và đề cập, bởi đây là yếu tố dễ dàng nhận ra nhất để xác định chất lượng của các linh kiện thành phần bên trong điện thoại, song không phải mọi khía cạnh của smartphone đều có thể so sánh với giá thành. Trở lại với ví dụ trên về những bức ảnh, không thể đánh giá chính xác bức ảnh này có chất lượng kém hơn bao nhiêu lần so với bức ảnh kia. Có phải ảnh chụp bằng smartphone tầm trung sẽ "xấu" hơn 3 lần so với ảnh chụp bằng một chiếc smartphone cao cấp? Trong đa số trường hợp, câu trả lời là không, nhưng ai dám chắc điều đó? Phải chăng màn hình của máy này hiển thị đẹp hơn gấp ba lần so với chiếc máy kia? Màn hình máy này có thể có số điểm ảnh nhiều gấp ba lần, hoặc có độ sáng lớn hơn ba lần, nhưng những con số đó không thể miêu tả chính xác được những trải nghiệm của người dùng. Và đó chính là điều mà các chuyên gia đánh giá thường xuyên phải làm: đó là xác định cái cảm giác sử dụng sản phẩm đó. Mặc dù vậy, cảm giác thì không thể đo lường được bằng những con số… Công việc này khó như vậy đấy!

Do đó, chúng tôi thường bắt gặp các chuyên gia đánh giá khen ngợi những tính năng của một chiếc điện thoại thông minh "đầu bảng" rồi cuối cùng lại chốt một câu rằng giá của nó quá cao. Nếu nói giá của một sản phẩm nào đó quá cao, điều đó thường đồng nghĩa với việc khuyên người ta không nên mua nó. Vì vậy, có ích gì đâu nếu một chiếc điện thoại có mọi tính năng vượt trội so với những chiếc điện thoại khác, để rồi cuối cùng mức giá của nó sẽ phủ nhận tất cả?

Ngoài ra, còn nhiều câu hỏi cần đặt ra khi nói về sự "chủ quan" ở đây. Nếu một chuyên gia cho rằng mức giá của chiếc điện thoại là "quá cao", sẽ có hai khả năng xảy ra: hoặc là theo họ, chiếc điện thoại này không mang lại quá nhiều cải tiến so với chiếc máy họ đang dùng (thường là những chiếc flagship mới "vài tháng tuổi"), hai là vì họ không thể đặt mình vào vị trí của những người đang sở hữu những chiếc máy đã 2-3 năm tuổi để nhận định chiếc máy mới kia có giá trị như thế nào với nhóm khách hàng đó. Một số chuyên gia có kinh nghiệm sẽ phân biệt rõ ràng giữa hai trường hợp và đưa ra lời khuyên tuỳ thuộc vào từng nhóm khách hàng cụ thể, và đây thường là cách tiếp cận tốt nhất.

Một vấn đề khác là bản thân vấn đề giá cả vốn đã rất chủ quan. Đối với một người, 1000 USD là số tiền họ kiếm được trong 4 ngày, trong khi đối với người khác, có thể mất 12 ngày để kiếm được một khoản như thế. Vì vậy, trong khi cả hai đang trả cùng một mức giá tính bằng USD, song thực chất lại có một người đang phải trả mức giá cao gấp ba lần so với người kia. Đó là một sự khác biệt rất lớn. Điều này khiến cho chúng ta không thể đưa ra một lời khuyên, một nhận định phù hợp với tất cả mọi người, nhưng các chuyên giá đánh giá vẫn luôn được kì vọng sẽ làm được điều đó. Vì vậy, thông thường các chuyên gia sẽ giả định một người có thu nhập trung bình theo tưởng tượng chủ quan của họ, và dựa vào đó sẽ đánh giá mức độ "đắt" hay "rẻ". Nếu bạn có thu nhập cao hơn hoặc thấp hơn nhiều lần so với "tiêu chuẩn", thì bạn sẽ phải tự mình đánh giá.

Tất nhiên, dù rằng đây là một trang web chuyên về công nghệ và một trong những mảng chúng tôi quan tâm nhất là đánh giá điện thoại, song tôi không khuyến khích bạn sử dụng những kết luận của những chuyên gia đánh giá ở đây làm "kim chỉ nam" để nhìn nhận về tất cả các mẫu điện thoại có trên thị trường. Và tôi cũng không trách các chuyên gia đánh giá nếu họ có đưa ra những nhận định tiêu cực hơn về các sản phẩm điện thoại thông minh tầm trung và tầm thấp so với thực tế. Đây là một yếu tố thuộc về sự thiên vị vô tình, vốn là "tác dụng phụ" của bản chất con người mà tất cả chúng ta cần phải biết và chấp nhận.

Cách hiệu quả nhất khi đọc một bài đánh giá sản phẩm trên mạng đó là bạn chỉ nên tập trung vào những phần, những tính năng mà bạn quan tâm nhất. Nếu không bao giờ sử dụng NFC, thì việc có hay không tính năng ấy cũng chẳng có gì quan trọng đối với bạn. Khi nhìn nhận về một công nghệ mới, bạn nên tưởng tượng xem chúng sẽ được sử dụng như thế nào trong cuộc sống hàng ngày của bạn, trước khi đưa ra quyết định liệu có đáng phải trả thêm tiền để sở hữu tính năng ấy hay không. Nhưng chủ đề đó chúng ta sẽ bàn tới ở một thời điểm khác.

Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả Georgi Zarkov đến từ chuyên trang PhoneArena, VnReview chuyển ngữ và giới thiệu tới bạn đọc.

Quang Huy

Chủ đề khác