VnReview
Hà Nội

Chuyện gì xảy ra với Boeing 737 MAX 8?

Niềm tin là máy bay càng mới thì càng an toàn đang bị lung lay, khi kịch bản tai nạn lặp lại hai lần trong chưa đầy nửa năm đối với loại Boeing 737 MAX 8 của hãng sản xuất máy bay Mỹ.

Nhân viên cứu hộ tại hiện trường máy bay rơi ở Bishoftu, Ethiopia ngày 11-3 - Ảnh: Reuters

Thảm kịch xảy ra với chuyến bay ET 302 của Hãng hàng không Ethiopian Airlines chỉ vài phút sau khi cất cánh ngày 10-3.

Phi công báo với trạm kiểm soát không lưu về các vấn đề kỹ thuật khiến máy bay liên tục mất độ cao trước khi bổ nhào, khiến 157 hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Vụ tai nạn gần giống với tai nạn của Lion Air hồi tháng 10-2018 khiến 189 người chết.

Hai tai nạn, một "kịch bản"

Ngày 11-3, Ethiopian Airlines thông báo đã tìm thấy cả hai hộp đen của chiếc máy bay xấu số. Tuy nhiên, nguyên nhân vụ tai nạn vẫn chưa được xác định và cả Boeing lẫn Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ đều đã gửi đội ngũ đến Ethiopia.

Nhưng việc hai chiếc Boeing 737 MAX 8 gặp nạn trong khoảng thời gian quá ngắn khiến các phi công, hành khách và chuyên gia trong ngành hàng không không khỏi bàng hoàng.

"Có một đống câu hỏi nhưng không có mấy câu trả lời" - báo New York Times dẫn lời ông John Cox, cựu chủ tịch Hiệp hội Phi công hàng không.

Bà Mary Schiavo, nhà phân tích hàng không của đài CNN, cũng cho rằng "vụ tai nạn rất đáng ngờ. Chúng ta có một dòng máy bay mới toanh bị rơi hai lần trong một năm. Điều này gióng lên hồi chuông báo động trong cả ngành hàng không. Sự tương tự với vụ Lion Air quá lớn đến nỗi không thể không lo ngại".

Sau vụ việc, Hãng Boeing chỉ đưa ra tuyên bố ngắn gọn trên trang web của mình rằng "một đội kỹ thuật viên của Boeing sẽ đến hiện trường vụ rơi máy bay để hỗ trợ kỹ thuật, dưới sự chỉ đạo của Cục Điều tra tai nạn Ethiopia và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Mỹ", đồng thời gửi lời chia buồn đến gia đình những hành khách xấu số.

Đối với Boeing, lo ngại rơi trúng ngay điểm đáng lo của công ty. Loại máy bay "ngựa thồ" đời mới 737 MAX 8 được Boeing giao từ năm 2017, hiện chiếm đến 2/3 đơn hàng chưa giao và khoảng 40% lợi nhuận của hãng này.

Tính đến tháng 1-2019, Boeing đã giao được hơn 350 chiếc và đang nhận đặt hàng hơn 5.000 chiếc khác, trong đó nhiều chiếc sẽ giao cho các hãng hàng không thuộc những thị trường mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh.

"Đối với nền kinh tế toàn cầu, những chiếc máy bay này còn là động cơ tăng trưởng theo đúng nghĩa đen", ông Michel Merluzeau - Giám đốc nghiên cứu quốc phòng và hàng không của công ty nghiên cứu tại Seattle (Mỹ), nhận định.

Dòng 737 MAX là đối trọng của Boeing đối với dòng A320 thuộc Hãng Airbus của Pháp - gã khổng lồ của châu Âu trong ngành sản xuất máy bay. Dù được cải tiến hơn, động cơ của chiếc Boeing 737 MAX 8 lại lớn hơn các phiên bản cũ và điều này đặt ra thách thức về kỹ thuật, khiến Boeing phải điều chỉnh bằng phần mềm cho phép hệ thống máy tính bỏ qua sự điều chỉnh của phi công trong trường hợp hệ thống phát hiện nguy cơ tròng trành.

Trong vụ rơi máy bay của Lion Air năm ngoái, chiếc máy bay liên tục trồi sụt thất thường được cho là do phi công cố ngăn hệ thống lái làm chiếc máy bay bổ nhào. Họ đã thất bại sau 12 phút.

Thân nhân hành khách chuyến bay xấu số của Ethiopian Airlines sau khi nghe tin dữ ở sân bay quốc tế Jomo Kenyatta, Nairobi, Kenya - Ảnh: Reuters

Chưa vá lỗi sau vụ Lion Air

Sau vụ tai nạn của Lion Air, cả Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Boeing đều được kỳ vọng sẽ sớm đưa ra bản sửa lỗi phần mềm hệ thống kiểm soát lái tự động nghi là nguyên nhân vụ tai nạn của hãng hàng không Indonesia.

Bản vá lỗi dự kiến đưa ra đầu tháng 1-2019 nhưng các cuộc thảo luận giữa các nhà làm luật và Boeing kéo dài, một phần do sự khác biệt quan điểm trong các vấn đề kỹ thuật, báo Wall Street Journal tiết lộ.

FAA cho rằng việc trì hoãn là "chấp nhận được", bởi các chuyên gia khi đó đã thống nhất với Boeing rằng không có mối đe dọa an toàn tức thời nào. FAA cũng cho rằng các bước cảnh báo phi công trên toàn cầu về hệ thống trên đã đủ để giảm thiểu nguy cơ.

Sau vụ rơi máy bay của Lion Air vào tháng 10-2018, FAA gửi hướng dẫn khẩn cấp trong tháng 11-2018 và một số nước cũng yêu cầu đào tạo thêm cho nhân viên và kỹ sư về hệ thống của chiếc 737 MAX 8.

Hãng Boeing ngày 11-3 tuyên bố cuộc điều tra tai nạn của Hãng Ethiopian Airlines chỉ mới bắt đầu và không cần thiết đưa ra hướng dẫn mới về chiếc 737 MAX 8. Hãng này trước đó cho rằng nếu phi công tuân thủ hướng dẫn sẽ không có nguy cơ nào.

Trong vụ tai nạn máy bay của Ethiopia Airlines, lỗi hệ thống được cho là một trong những khả năng khiến máy bay rơi trong vòng 6 phút sau khi cất cánh, dù vẫn còn quá sớm để đưa ra kết luận.

Hành trình máy bay Boeing 737 MAX 8 của hãng Ethiopian Airlines từ lúc cất cánh tới khi gặp nạn - Đồ họa: Dailymail/Bình An chuyển ngữ.

"Hiện tại nó dường như là sự trùng hợp, nhưng tôi chắc rằng chính quyền sẽ xác định khả năng trùng hợp này và điểm chung giữa hai vụ việc. Chúng ta sẽ không có kết luận cuối cùng trong hai hoặc ba năm, nhưng thông tin từ hộp đen máy bay sẽ sớm có trong vài tuần" - chuyên gia hàng không Richard Quest nhận định.

"Đó có thể là một vấn đề lớn hơn bởi hiện tại chúng ta đang có hơn 300 chiếc 737 MAX đang vận hành" - chuyên gia Scott Hamilton của Hãng tư vấn hàng không Leeham Company nhận định.

Đối với Boeing, nếu các nhà điều tra phát hiện sự liên quan giữa hai tai nạn, đây có thể là một thảm kịch cho hãng bởi toàn bộ máy bay 737 MAX 8 có thể bị ngừng sử dụng. "Điều này sẽ rất tốn kém cho Boeing" - bà Schiavo đưa ra nhận định.

Dữ liệu: Bình An tổng hợp - Đồ họa: T.Đạt

Việt Nam chưa xét cấp chứng chỉ khai thác Boeing 737 MAX

Ngày 11-3, ông Đinh Việt Thắng - cục trưởng Cục Hàng không VN - cho biết đơn vị này quyết định chưa xem xét cấp chứng chỉ khai thác dòng máy bay Boeing 737 MAX và khẳng định hiện các hãng hàng không Việt Nam chưa khai thác loại máy bay này. (C.Trung)

Giá cổ phiếu Boeing rớt mạnh

Các nhà đầu tư đã không "nhẹ tay" với Boeing, khi cổ phiếu của hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới rớt mạnh trong ngày đầu tuần. Trước giờ mở cửa ngày 11-3 (giờ Mỹ), cổ phiếu của Boeing đã rớt hơn 10%, sau khi mất 7,6% tại Đức.

Theo Tuổi trẻ

Chủ đề khác