VnReview
Hà Nội

Trớ trêu: trào lưu tẩy chay hàng Trung Quốc của dân mạng Ấn Độ được thực hiện trên... smartphone Trung Quốc

Đây rõ ràng là một nghịch lý đang xảy ra không chỉ ở Ấn Độ mà còn ở nhiều quốc gia khác, chỉ đơn giản bởi các nước chưa thể tìm được ra nguồn hàng hóa và sản phẩm thay thế đủ tốt và phù hợp như hàng Trung Quốc.

Theo RT, cư dân mạng Ấn Độ đang nổ ra một làn sóng tẩy chay sản phẩm và hàng hóa Trung Quốc mang tên #BoycottChineseProducts trên mạng Twitter. Cư dân mạng Ấn Độ mong muốn thông qua chiến dịch này sẽ "dạy" cho Trung Quốc một bài học vì ngầm tiếp tay cho tội ác.

Làn sóng trên xuất hiện kể từ sau khi Trung Quốc, một đồng minh thân cận của Pakistan, yêu cầu Ủy ban Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trì hoãn quyết định đưa đưa thủ lĩnh Masood Azhar của tổ chức Jaish-e-Mohammad (JeM) vào danh sách đen sau đề nghị của Anh, Pháp và Mỹ.

Động thái trên của Trung Quốc được cho là một hành động ngầm hậu thuẫn cho tổ chức khủng bố đã gây ra cái chết cho khoảng 40 cảnh sát Ấn Độ trong vụ đánh bom hôm 14/2 vừa qua. Ấn Độ cũng bày tỏ sự thất vọng với hành động của Trung Quốc nhưng khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi mọi cách để đưa tên trùm khủng bố ra trước công lý.

Chiến dịch tẩy chay hàng hóa và dịch vụ của Trung Quốc nổ ra với đủ mọi hình thức, từ việc không sử dụng sản phẩm do Trung Quốc sản xuất hay như việc gỡ bỏ tất cả các dịch vụ ứng dụng của Trung Quốc, nổi bật như TikTok trên điện thoại.

Lướt qua Twitter với hashtag #BoycottChineseProducts có thể thấy, rất nhiều người dân Ấn Độ tỏ ra bất bình với động thái trên của Trung Quốc và quyết định sẽ xóa bỏ và ngừng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ di động của Trung Quốc.

Thậm chí nhiều người còn kêu gọi tất cả mọi người hãy ngừng mua và sử dụng những chiếc smartphone Trung Quốc. Cư dân mạng cho rằng, Ấn Độ đã và sẽ vô tình trở thành thị trường lớn nhất của Trung Quốc nếu người dân vẫn mua các sản phẩm "made in China".

Một cư dân mạng kêu gọi: "Mọi người hay mua smartphone của Samsung hoặc các thương hiệu Ấn Độ và các mặt hàng khác thay vì mua smartphone Trung Quốc. Ít nhất đây cũng là một cách để thể hiện sự phản đối của người đân Ấn Độ trước Trung Quốc".

Một người dùng Twitter khác kêu gọi mọi người nên mua các sản phẩm trong nước hoặc của các quốc gia khác: "Tôi chỉ có một khẩn cầu nho nhỏ đối với mỗi người dân Ấn Độ. Chúng ta phải trả đũa Trung Quốc bằng cách đóng góp tiền cho quốc gia chứ không phải cho các hãng Trung Quốc. Đó cũng là cách để mỗi người tưởng nhớ về những người lính đã hy sinh".

Nhưng…. có một sự thật đáng buồn đằng sau chiến dịch quy mô này

Nhiều người dùng Twitter Ấn Độ cho rằng, sẽ rất khó để không sử dụng bất cứ sản phẩm nào của Trung Quốc. Một người dùng cho biết: "Trớ trêu thay này trào lưu #BoycottChinese Products này đang được thực hiện trên những chiếc smartphone do Trung Quốc sản xuất. Không có một quốc gia nào trên Trái Đất có đủ khả năng cấm các sản phẩm của Trung Quốc tại thời điểm này".

Ấn Độ được coi là một trong những thị trường tiêu thụ hàng Trung Quốc nhiều nhất trên thế giới

Trong khi đó cũng có một số người dùng nhìn câu chuyện sang một hướng khác tích cực hơn. Họ kêu gọi thay vì trở thành "anh hùng bàn phím", mỗi người nên thể hiện lòng yêu nước thực sự và ngừng sử dụng smartphone Trung Quốc.

"Thôi nào mọi người, hãy ném điện thoại Oppo của các bạn đi trước đã và đừng mặc những chiếc áo phông có in logo của các hãng Trung Quốc", một cư dân mạnh nhấn mạnh.

Tất nhiên có những người đã hướng tới một cách giải quyết khác bền vững hơn. Họ mong muốn chính phủ Ấn Độ có thể tìm ra cách hạn chế các sản phẩm Trung Quốc tại thị trường nước này.

Hiện nay trong top 5 hãng smartphone hàng đầu thị trường Ấn Độ thì có tới 4 hãng thuộc về Trung Quốc như Oppo, Xiaomi, Vivo và Honor. Thậm chí trong nhiều quý vừa qua, Xiaomi còn dẫn đầu về doanh số tại thị trường này. Ước tính người dân Ấn Độ đã chi khoảng 7,2 tỷ USD chỉ để mua smartphone từ 4 hãng Trung Quốc.

Không chỉ chiếm sóng thị trường smartphone, Trung Quốc cũng tìm mọi cách thâm nhập và chiếm lĩnh cả thị trường dịch vụ. Đơn cử như việc lượng người dùng Ấn Độ chiếm tới 40% trong tổng 500 triệu người dùng Tik Tok trên toàn cầu.

Với sự xuất hiện rộng khắp như vậy, sẽ thật khó để người dân Ấn Độ nói riêng hay cả thế giới nói chung có thể thoát khỏi được sự ảnh hưởng của sản phẩm Trung Quốc.

Tiến Thanh

Chủ đề khác