VnReview
Hà Nội

Tin được không: Facebook khẳng định chỉ có khoảng 200 người kịp xem livestream của kẻ khủng bố?

Trong một tuyên bố mới nhất của Facebook, mạng xã hội này cho biết chỉ có khoảng 200 người kịp xem vụ livestream khủng bố. Nhưng liệu tuyên bố này có đáng tin?

Theo The Guardian, Facebook khẳng định, đoạn livestream của tên khủng bố mới chỉ có 200 lượt xem trong lúc đang chiếu và sau khi kết thúc, chỉ có khoảng gần 4.000 lượt xem trước khi bị xóa. Mạng xã hội này cho biết, họ không nhận được bất kỳ báo cáo nào cho tới khoảng 12 phút sau khi livestream kết thúc, tức khoảng 29 phút sau khi video livestream dài 17 phút bắt đầu.

Trong khoảng 24 giờ sau vụ xả súng trên, Facebook tiết lộ đã xóa 1,5 triệu bản sao video liên quan, đồng thời ngăn chặn khoảng 1,2 triệu video liên quan đến vụ khủng bố chưa kịp tải lên. Nhưng đến sáng thứ ba (19/3), vẫn có khoảng 800 bản video chỉnh sửa khác nhau của vụ khủng bố được tải lên trót lọt.

Rõ ràng đây là một thách thức không hề nhỏ cho đội ngủ kỹ thuật của Facebook trong việc ngăn chặn sớm và liên tục các hành vi đăng video bạo lực trong vòng 24 giờ và sau đó.

Facebook hiện dựa chủ yếu vào việc người xem gắn cờ vào các video livestream để xác định nội dung có vấn đề hay không. Bởi lẽ Facebook không có đủ nhân sự kiểm duyệt để xem mọi video livestream trên thế giới. Thay vào đó, mạng xã hội này cho biết đã tạo ra cơ chế tự động xóa các nội dung và cảnh quay liên quan đến vụ khủng bố và đảm bảo, 80% video có nội dung tương tự sẽ bị chặn lại trước khi được đăng lên.

Không chỉ Facebook cũng phải đối mặt với việc kiểm soát không xuể, các mạng xã hội khác như YouTube, Reddit, Steam, Twitter cũng đang phải vật lộn với việc ngăn chặn các video khủng bố liên quan. Một phát ngôn viên của YouTube chia sẻ:

"Số lượng video liên quan đến vụ khủng bố được tải lên YouTube trong vòng 24 giờ sau cuộc tấn công là chưa từng có trong tiền lệ cả về quy mô lẫn tốc độ. Cảm giác như mỗi giây lại có một lượt tải lên YouTube vậy. Nhằm phản ứng nhanh, chúng tôi đã thực hiện một số bước, bao gồm tự động từ chối mọi cảnh bạo lực, tạm thời tạm dừng công cụ sắp xếp hoặc lọc tìm kiếm theo ngày tải lên để đảm bảo các tìm kiếm về sự kiện này chỉ hướng tới các nguồn tin đã được kiểm duyệt".

Thông qua những chia sẻ trên có thể thấy sự khó khăn đến nhường nào của các mạng xã hội trong việc ngăn chặn một sự việc không bị lan truyền quá nhanh sau khi xảy ra.

Theo các nhà quan sát, bao gồm cả Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho rằng, Facebook và nhiều nền tảng mạng xã hội khác chỉ đang biện bộ do chưa làm đúng trách nhiệm trong việc ngăn chặn nội dung thù địch. Ngoài ra, việc đưa ra con số trên có thể là cách nhằm giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vụ việc và tiếp tục thu hút quảng cáo của Facebook.

Bà cũng nhấn mạnh, Facebook có quyền hạn chế tiếp cận trực tiếp đối với các nội dung và phát ngôn mang tính bạo lực, kích động sự thù địch. Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern khẳng định sẽ xem xét vai trò truyền thông của mạng xã hội trong việc tiếp tay cho các tổ chức khủng bố.

Trước vấn đề tồn tại của Facebook và các mạng xã hội khác, nhiều nhà quảng cáo tại New Zealand như hãng viễn thông Spark New Zealand, Burger King, ASB Bank đã cam kết sẽ tẩy chay Facebook và Google.

Hay trong một tuyên bố chung vào hôm thứ Hai (18/3), Hiệp hội các nhà quảng cáo New Zealand kêu gọi các doanh nghiệp nên xem xét vấn đề chi tiêu quảng cáo cho Facebook hay Google vì các nền tảng mạng xã hội này chưa có sự đầu tư đủ mạnh để kiểm soát nội dung bạo lực và sai trái.

Tiến Thanh

Chủ đề khác