VnReview
Hà Nội

Wikipedia ở các nước châu Âu ngừng hoạt động để phản đối luật bản quyền gây tranh cãi

Dự thảo luật bản quyền của các nhà lập pháp khối Liên minh châu Âu (EU) được nhiều người gọi là "nguy hiểm". Các trang web từ Reddit, Twitch, và đến cả PornHub cũng đang khuyến khích người sử dụng liên hệ với các chính trị gia địa phương để bày tỏ ý kiến phản đối.

Kết quả tìm kiếm Google sẽ hiển thị "đìu hiu" như thế này khi luật bản quyền của EU có hiệu lực

Wikipedia và nhiều doanh nghiệp tại châu Âu hôm nay đã thể hiện tiếng nói phản đối trước dự thảo luật đang gây tranh cãi của Liên minh châu Âu liên quan tới vấn đề bản quyền trực tuyến.

Wikipedia ở các nước châu Âu ngừng hoạt động để phản đối luật bản quyền gây tranh cãi

Trước khi dự thảo này được biểu quyết thông qua lần cuối cùng vào thứ ba tuần sau, ngày 26 tháng 3, các trang Wikipedia của nhiều ngôn ngữ khác nhau tại châu Âu đã làm tối giao diện, chặn truy cập tới tất cả các nội dung trên trang và hướng dẫn người dùng liên hệ với đại diện EU tại địa phương/ quốc gia của họ nhằm phản đối dự thảo luật. Nhiều trang web lớn khác, trong đó có Twitch và Pornhub, đã hiển thị các banner phản đối trên trang chủ và các kênh truyền thông đại chúng chính thức. Còn với Reddit, khi người dùng đăng tải các nội dung lên diễn đàn này sẽ nhận được thông báo như sau, cùng với nút bấm "Save the Internet" (Hãy cứu lấy Internet):

Lược dịch: "Lỗi: Không thể nhận diện bản quyền

Chúng tôi không thể đăng tải liên kết hoặc tập tin đa phương tiện của bạn cho đến khi bạn có thể chứng minh rằng bạn là người sở hữu bản quyền hợp pháp đối với chúng. Trong trường hợp bạn không phải là một tập đoàn truyền thông lớn mà chỉ là một cá nhân nhỏ bé, thì chúc bạn may mắn lần sau!

CHÚNG TÔI CHỈ ĐÙA THÔI (nội dung của bạn vẫn được đăng tải bình thường). Song đây sẽ không còn là một trò đùa nữa nếu Luật Bản quyền của Liên minh châu Âu được Nghị viện châu Âu thông qua. Hãy tìm hiểu những cách bạn có thể làm để #cứulấyInternetcủabạn."

Wikipedia ở các nước châu Âu ngừng hoạt động để phản đối luật bản quyền gây tranh cãi

Dự thảo luật đang gây tranh cãi có tên gọi chính xác là Pháp lệnh về Bản quyền của Liên minh châu Âu, một phiên bản cập nhật hơn của Luật Bản quyền vốn đã tồn tại từ rất lâu. Mặc dù đa số các nội dung được sửa đổi đều khá hợp lý trong bối cảnh kỷ nguyên Internet, nhưng có hai điều luật đã trở thành tâm điểm chỉ trích và được xem là những "mối nguy hại" đối với sự tự do của Internet.

Cụ thể: Điều 11, cho phép các nhà xuất bản "đòi" tiền bản quyền của các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng dịch vụ Internet nếu họ chèn liên kết (nhấn mạnh: chỉ là "liên kết") tới nội dung của nhà xuất bản, và Điều 13, buộc các tổ chức, doanh nghiệp cung cấp nền tảng dịch vụ Internet phải chịu trách nhiệm trong trường hợp người dùng tải lên nền tảng của họ các nội dung có bản quyền.

Những người ủng hộ dự thảo này cho rằng điều đó sẽ giúp các nhà xuất bản, các nhà sáng tạo nội dung một công cụ pháp lý cần thiết để thu lại giá trị của những sản phẩm do họ làm ra từ tay các gã khổng lồ công nghệ Mỹ. Song những người chỉ trích cho rằng các chính trị gia đứng sau dự thảo luật không hiểu hết về mức độ ảnh hưởng của các điều luật mà họ đang soạn thảo, và rằng nếu được thực thi, các điều luật đó sẽ gây nguy hại tới quyền tự do trên Internet.

Wikipedia ở các nước châu Âu ngừng hoạt động để phản đối luật bản quyền gây tranh cãi

Những người chỉ trích cho rằng Điều 13 là "đặc biệt nguy hiểm". Nó sẽ buộc tất cả các nền tảng đang lưu trữ nội dung do người dùng tạo ra (mọi thứ từ trang chia sẻ hình ảnh Imgur, mạng xã hội Tumblr cho tới trang chia sẻ video YouTube) phải chịu trách nhiệm pháp lý về các nội dung có bản quyền được người dùng tải lên. Cách duy nhất để ngăn chặn các nội dung như vậy được tải lên là thiết lập các hệ thống quét nội dung của người dùng ngay từ trước khi chúng được đăng tải. Điều này có thể dẫn tới sự xuất hiện của các bộ lọc có "sai số" cao, nhận diện nhầm hoặc bị lạm dụng bởi các bên nắm giữ bản quyền.

Wikimedia, tổ chức phi lợi nhuận vận hành bách khoa toàn thư mở Wikipedia, tuyên bố các điều luật này là một "tổn thất lớn đối với nguồn tri thức mở trực tuyến". Các biên tập viên tình nguyện đến từ các phiên bản Wikipedia tiếng Đức, Sức, Đan Mạch và Slovakia đã quyết định đóng cửa trang web trong một ngày.

Cùng với việc "nhuộm đen" các trang web, hơn 5 triệu người dùng Internet đã ký vào một bản kiến nghị nhằm phản đối Điều số 13. Nhiều cuộc diễu hành, tuần hành cũng đã được lên kế hoạch tổ chức tại nhiều thành phố ở châu Âu trong dịp cuối tuần này, cũng như vào các ngày thứ hai và thứ ba tuần sau, ngay trước thềm cuộc bỏ phiếu cuối cùng.

Diego Naranjo, nhà tư vấn chính sách của tổ chức EDRi, cho rằng phiên bỏ phiếu cuối cùng được tổ chức sớm như vậy cho thấy Liên minh châu Âu cũng đang lo ngại về việc dự thảo luật sẽ không được thông qua.

"Lý do duy nhất của việc [tổ chức bỏ phiếu sớm] là để tránh áp lực từ dư luận," Naranjo trả lời phóng viên The Verge. "Họ đang liên tục nhận được hàng nghìn cuộc gọi, email và tweet, và đang tìm cách thông qua dự thảo này càng sớm càng tốt bởi họ sợ sẽ thua cuộc."

Naranjo cho biết mặc dù mọi nỗ lực chống lại dự thảo luật đang hầu như không thu được kết quả gì cho tới thời điểm hiện tại, nhưng vẫn có cơ hội rằng các nhà làm luật sẽ lắng nghe công chúng trong vụ việc này. "Tôi khá lạc quan rằng chúng ta sẽ giành chiến thắng," ông quả quyết.

Wikipedia ở các nước châu Âu ngừng hoạt động để phản đối luật bản quyền gây tranh cãi

Quang Huy

Chủ đề khác