VnReview
Hà Nội

Công ty Trung Quốc trong tâm bão tranh chấp bí mật thương mại với Apple và Tesla

Xiaopeng Motors, hay XPeng, không nổi tiếng ở phương Tây, nhưng nhanh chóng tạo ra tên tuổi tại Trung Quốc trong lĩnh vực khởi nghiệp quá đông đúc là phương tiện di chuyển sử dụng điện (EV). Giờ XPeng lại nằm trong tâm bão của hai cuộc tranh chấp bí mật thương mại lớn với Tesla và Apple.

Mùa hè năm ngoái, một cựu nhân viên của Apple bị FBI buộc tội đánh cắp bí mật thương mại liên quan đến dự án xe ô tô tự lái bí mật của công ty này. Tuần này, Tesla kiện một cựu nhân viên vì cáo buộc lấy cắp bí mật thương mại liên quan đến hệ thống tự lái Autopilot. Dù cách nhau nhiều tháng, cả hai vụ việc đều có điểm chung: nhân viên bị cáo buộc lấy cắp thông tin cho một công ty khởi nghiệp về xe ô tô điện của Trung Quốc có tên Xiaopeng Motors.

Xpeng là công ty như thế nào?

Vài thập niên vừa qua, Trung Quốc chủ yếu dựa vào các nhà sản xuất ô tô nhà nước để xây dựng ngành công nghiệp xe hơi, theo Michael Dunne, người điều hành hãng tư vấn ô tô ZoZo Go. Nhưng tất cả đã thay đổi vào hai hoặc ba năm trước khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu khuyến khích các nhà đầu tư công nghệ lớn đầu tư vào lĩnh vực ô tô. Các đại gia công nghệ như Tencent và Alibaba được coi là câu trả lời tiềm năng cho tham vọng chế tạo phương tiện đẳng cấp thế giới của Trung Quốc.

Chính thay đổi này đã dẫn đến sự ra đời của XPeng. Công ty được Henry Xia và Tao He thành lập vào năm 2014 với tên gọi Guangzhou Xiaopeng Motors Technology và được tài trợ bởi (hiện đang được điều hành bởi) doanh nghiệp Internet di động He Xiaopeng. Công ty có một số tên gọi khác như Xiaopeng Motors (công ty cổ phần của Trung Quốc) hay XMotors (công ty con của Mỹ), nhưng thường được nhắc đến trong ngành với thương hiệu XPeng.

He Xiaopeng được biết đến là đã bán một công ty trình duyệt di động có tên UCWeb cho tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba. Vào thời điểm đó, đây là vụ sáp nhập Internet lớn nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sau đó, Alibaba đứng ra huy động được nguồn vốn 350 triệu đô la (bao gồm cả từ Foxconn) cho dự án tiếp theo của He là XPeng.

XPeng ra mắt xe ô tô điện đầu tiên của mình tại CES 2018 - một chiếc SUV chạy hoàn toàn bằng điện có tên G3 trông rất giống với Model X của Tesla, cả trong lẫn ngoài. G3 có hình dạng giống như Model X và có bố cục buồng lái tương tự, với một máy tính bảng màn hình cảm ứng khổng lồ được nhúng trong bảng điều khiển. Gần đây, xe bắt đầu được giao cho các chủ sở hữu đầu tiên.

Mối quan hệ với Tesla

Những điểm tương đồng không phải là ngẫu nhiên. Trong một cuộc phỏng vấn năm 2018 với Quartz, He nói rằng "Tesla đã có tác động rất lớn đối với tôi". Trên thực tế, He nói rằng một trong những lý do ông thành lập XPeng là vì Tesla đã "mở cửa" bằng sáng chế của mình vào năm 2014. Công ty đã phân tích chi tiết việc mổ xẻ những chiếc xe Tesla để hiểu rõ hơn về cách chúng được chế tạo.

Tesla nhận thấy điều này. Trong vụ kiện mà Tesla đệ đơn chống lại nhân viên cũ gần đây, hãng thừa nhận XPeng đã "thiết kế các phương tiện của mình theo các bằng sáng chế nguồn mở của Tesla và đã bắt chước một cách minh bạch thiết kế, công nghệ và thậm chí cả mô hình kinh doanh của Tesla", bao gồm cả việc startup này đang xây dựng mạng lưới các bộ sạc nhanh và bán trực tiếp cho người tiêu dùng.

Tesla cũng chỉ ra trong vụ kiện rằng XPeng đã giới thiệu phần mềm "giống như Autopilot", mà công ty gọi là "X-Pilot" và công ty của Trung Quốc tuyển dụng "ít nhất 5" cựu nhân viên Autopilot trước đây (bao gồm cả người đang bị kiện).

Trong khi Tesla khuyến khích các công ty khác sử dụng công nghệ EV được cấp bằng sáng chế của mình, Autopilot chưa bao giờ nằm trong số đó. Việc mua và sử dụng mã nguồn bí mật cấp nguồn cho Autopilot sẽ "cung cấp cho đối thủ lợi thế to lớn trong việc tái tạo công nghệ tự lái hiện tại của Tesla và dự đoán những phát triển trong tương lai", Tesla viết trong vụ kiện tuần này.

Mối quan hệ với Apple

Có rất ít kết nối trực tiếp với Apple ngoài nhân viên bị buộc tội ăn cắp bí mật thương mại vào mùa hè năm ngoái. Nhưng các công ty khởi nghiệp Trung Quốc tuyển dụng tài năng từ Thung lũng Silicon - quốc tịch Trung Quốc hoặc không - là một chủ đề phổ biến trong vài năm qua, theo James Andrew Lewis, thành viên cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Theo ông, đôi khi họ không chỉ mang theo những kỹ năng đã được tôi luyện.

"Việc nhân viên Trung Quốc mang theo một số bí mật thương mại hoặc công nghệ trở lại Trung Quốc khá phổ biến. Điều này đã xảy ra vài thập niên rồi".

Mùa hè năm ngoái, các công tố viên liên bang đã bắt giữ và buộc tội cựu nhân viên Apple là Xiaolang Zhang với hành vi lấy cắp bảng mạch và hơn 40GB dữ liệu liên quan đến dự án xe tự lái bí mật của công ty. Zhang nói với Apple và các nhà điều tra liên bang rằng anh ta đang cố gắng kiếm một công việc tại XPeng, nhưng không rõ anh ta có từng làm ở đó trước khi bị bắt hay không. Cuối cùng, khi trả lời cáo buộc, XPeng thừa nhận Zhang đã bắt đầu làm việc tại công ty.

XPeng có bị buộc tội đánh cắp bí mật thương mại?

Không. Cựu nhân viên của Apple và Tesla là những người bị buộc tội trong các cáo buộc và vụ kiện, không phải XPeng.

Hai trường hợp này có một vài khác biệt quan trọng. Zhang, làm việc cho Apple ở California từ tháng 12/2015 đến tháng 5/2018, đã bị FBI buộc tội tại tòa án liên bang vào mùa hè năm ngoái vì cáo buộc lấy cắp bí mật thương mại. Guangzhi Cao làm việc cho Tesla ở California từ tháng 4/2017 đến tháng 1/2019 và bị kiện tại tòa án dân sự California trong tuần này. Anh ta chưa bị buộc tội hình sự về tội trộm cắp bí mật thương mại.

Điểm khác biệt quan trọng trong trường hợp của Guangzhi Cao là anh ta vẫn được XPeng tuyển dụng. Tesla cáo buộc anh ta đã đánh cắp hàng trăm ngàn tệp và thư mục chứa mã nguồn Autopilot trong khi anh ta vẫn là nhân viên của Tesla và rằng XPeng có thể hưởng lợi từ vụ trộm đó - nhưng chỉ Cao là bị đơn trong vụ kiện.

Về phần mình, XPeng cho biết trong một tuyên bố với The Verge rằng hãng "hoàn toàn tôn trọng mọi quyền sở hữu trí tuệ và thông tin bí mật của bên thứ ba" và đã bắt đầu một cuộc điều tra nội bộ về cáo buộc trộm cắp của Cao. XPeng cho biết hãng "không buộc hoặc cố gắng khiến ông Cao lấy các bí mật thương mại, thông tin bí mật và độc quyền của Tesla" và rằng hãng "không biết về bất kỳ hành vi sai trái nào của ông Cao".

XPeng đưa ra một tuyên bố tương tự sau khi Zhang bị bắt vào năm ngoái. XPeng "rất coi trọng việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và luôn coi việc tuân thủ là nguyên tắc cơ bản cho tất cả nhân viên". "Zhang đã ký các tài liệu tuân thủ sở hữu trí tuệ vào ngày đầu tiên làm việc tại công ty đầu tháng Năm. Hồ sơ cho thấy anh ta không báo cáo bất kỳ thông tin nhạy cảm hoặc vi phạm nào với Xpeng".

Công ty khởi nghiệp EV đã phủ nhận mọi liên quan và giờ nói rằng hãng đã hỗ trợ điều tra. Vụ án hình sự chống lại Zhang vẫn đang được xử lý tại tòa án.

Hai trường hợp này có liên quan gì tới một loạt cáo buộc về các cuộc tấn công do chính phủ Trung Quốc tài trợ nhắm vào các công ty công nghệ Mỹ?

Không trực tiếp. Có nhiều khả năng đó là kết quả của các điều kiện và áp lực của thị trường ô tô Trung Quốc đang bùng nổ (và cạnh tranh cao).

Theo Dunne, ba năm trước, "thật tuyệt vời khi chế tạo một chiếc xe điện như Tesla". Nhưng những người sáng lập như He nhanh chóng nhận ra rằng điện khí hóa không phải là công nghệ đủ độc đáo để khác biệt với hàng chục, hoặc thậm chí hàng trăm công ty ô tô mọc lên ở Trung Quốc.

Các công nghệ tiên tiến như tự lái có thể giúp phân biệt một đối thủ như XPeng với phần còn lại. "Vì vậy, họ săn lùng các công nghệ mà họ chưa có và các công nghệ mà họ phải có được hoặc phát triển nhanh chóng". "Sự khẩn trương" có thể giải thích lý do tại sao một số công ty lại sử dụng các "lối tắt", bao gồm cả ăn cắp tài sản trí tuệ, Dunne cho biết.

Lewis đồng ý. "Khi Bắc Kinh nói, ‘mọi người nên bắt đầu sản xuất ô tô điện', bạn sẽ thấy rất nhiều công ty mong muốn có được ưu đãi. Một trong những cách để làm điều đó là đi trước dẫn đầu và một cách để đi trước là tuyển dụng nhân viên từ các công ty Mỹ với những kỹ năng hoặc kiến thức mà họ có thể sử dụng".

Theo Dunne, trong khi XPeng và các đối thủ cạnh tranh, trên giấy tờ, "độc lập cạnh tranh trong một đấu trường cạnh tranh khốc liệt và ngày càng đông đúc", cần nhớ rằng khó có thể hoạt động thực sự khi tách khỏi chính phủ Trung Quốc. "Trung Quốc là Trung Quốc để bảo đảm nguồn vốn và các khoản vay, mà cuối cùng quay trở lại với chính phủ. Chính quyền địa phương hoặc chính quyền tỉnh sẽ chỉ đạo các ngân hàng nhà nước cho các loại hình công ty này vay", Dunne nói.

Biết rằng chính phủ Trung Quốc đã tài trợ cho các cuộc tấn công gián điệp kinh tế, kéo dài hàng thập niên để lấy được sở hữu trí tuệ và thông tin bí mật từ các công ty công nghệ lớn, các tổ chức chính phủ và nhà thầu, không khó để tưởng tượng Bắc Kinh khuyến khích hành vi này hoặc ít nhất là nhắm mắt làm ngơ. "Chính phủ Trung Quốc không muốn bắt giữ những người mang công nghệ có giá trị trở lại quê hương".

L.H.X (Theo The Verge)

Chủ đề khác