VnReview
Hà Nội

Google Stadia không giải quyết được vấn đề lớn nhất của ngành game nhưng ít nhất nó có thể làm cho thay đổi

Bài viết dưới đây thể hiện quan điểm của tác giả Quentyn Kennemer trên trang Android Central.

Google công bố dịch vụ chơi game đám mây Stadia, ra mắt ngay trong năm nay

Chơi game trên đám mây chính là tương lai, dù bạn có thích hay không

Stadia là hệ thống chơi game cho phép người dùng trải nghiệm nội dung giải trí chất lượng cao cùng với đó là những ưu điểm về giá thành, tính linh hoạt, khả năng truy cập, tính phổ biến, tiện dụng và tính sáng tạo. Nó đang được giới công nghệ ca tụng là một sản phẩm mang tính đột phá.

Công nghệ đứng đằng sau Stadia chính là thứ mà Google đã tự tin làm chủ và sẵn sàng đưa ra một trong thời gian không xa tới. Song tôi tin rằng sẽ vẫn còn rất nhiều trở ngại đang chờ đón họ ở phía trước.

Về vấn đề nội dung cho Stadia. Những gì mà Google đang phải đối mặt giống với câu chuyện quả trứng có trước hay con gà có trước bởi nhà phát hành sẽ chẳng làm game cho một nền tảng không người dùng, hay không có người dùng nào sẵn sàng chi tiền cho một nền tảng mà không có game. Giải pháp là Google đã "chọn mặt gửi vàng"một nhà sản xuất game và đầu tư cho công ty tất cả nguồn lực để làm sao tạo ra những nội dung độc quyền và thúc ép các nhà phát hành game tự tạo ra sản phẩm của mình.

Ngành công nghiệp game là một ngành đặc thù, bởi nó là phương tiện giải trí duy nhất đòi hỏi người dùng phải đáp ứng những yêu cầu về phần cứng. Tính đặc thù của nó cũng được thể hiện ở chỗ thành công tức là thuyết phục người dùng bỏ ra từng đồng quý giá cho nền tảng của mình. Dù rằng việc thuyết phục người dùng bỏ tiền là điều cơ bản của nền kinh tế nhưng đối với ngành công nghiệp game không hề dễ. Nhất là với sự phát triển của Sega và Nintendo, ngành công nghiệp game đang dần trở thành một chiến trường khốc liệt.

Cạnh tranh còn từng là một điều tốt song nó chỉ mãi tốt khi mà những công ty trong ngành công nghiệp này không dùng đủ thứ thủ đoạn để moi tiền game thủ. Nào là game độc quyền, nào là phụ kiện độc quyền, nào là hệ sinh thái đóng kín, và cả mấy trò công kích "trẻ trâu" tại sân khấu của sự kiện E3, đây chính là những dẫn chứng nhỏ giúp bạn hiểu rõ hơn một phần về cuộc chiến đắng cay mà các công ty game đang tham gia.

Với quy mô khổng lồ của ngành công nghiệp game thì bất kì những sáng kiến lớn nào cũng sẽ phải đi liền với những thay đổi lớn. Không những vậy, việc phát triển game đang dần trở nên đắt đỏ, tới mức mà các nhà phát hành phải thay đổi chiến lược và ưu tiên của mình. Kết quả là chúng ta sẽ được làm quen với những buổi ra mắt game đầy những hoài nghi về chất lượng cùng với những lời hứa hẹn về việc dần tối ưu hoá trò chơi trong thời gian tới.

Thật vậy, xu hướng trên đã để lại kết quả là các công ty lớn cứ thế đổ tiền vào chỉ để khắc phục những thiếu sót hiện tại, hay đưa ra những nội dung mới sau một vài tháng hoặc năm kể từ ngày phát hành game. Trong khi đó, ở phía hậu trường, đội ngũ phát triển thì tiếp tục sửa lại những lỗi mà họ đã cố ý "bỏ quên" để sao cho kịp với cái ngày ra mắt. Nhưng đến cả việc sửa lỗi lúc này cũng tốn kém không thua gì với các công đoạn trước đó, bởi vậy, họ bắt đầu "đánh thuế" chúng ta cho những tính năng mà họ đã quảng cáo từ trước đó, trong đó có cả thứ mà đáng nhẽ ra đã phải được có sẵn trong game ngay từ những ngày đầu ra mắt.

Tôi sẽ chẳng thể nào quên được cái ngày mà Capcom giấu một vài tính năng của tựa game Resident Evil 5 bằng paywall, ngay cả khi đó là tính năng đi kèm cùng với game trong lúc ra mắt, cả khi tính năng này đã được in lên đĩa game. Lúc đó tôi đã rất cay cú, nhưng dù tôi có cố gắng "chửi đổng" nhà phát hành bao nhiêu thì cái xu hướng đó vẫn chẳng hề thay đổi. Các tựa game ra mắt sau đó vẫn có paywall và các khoản phí nho nhỏ khác. Nhà phát triển game vẫn cứ giữ lại một vài tính năng để nhằm tạo động lực cho người dùng móc hầu bao trong các đợt đặt hàng trước. Nhưng khi cộng lại thì nhiều cái "nho nhỏ" ấy sẽ khổng lồ đến bất ngờ đấy!

Rồi lúc đó Destiny vẫn là một tựa game khá hot, nhà phát hành Bungie cũng khá có tài trong việc vận hành và truyền tải tầm nhìn mà họ có. Nhưng công ty phát hành Activision thì lại muốn rằng họ nên phát hành tựa game này dưới dạng những bản nhỏ và giới hạn những nội dung ban đầu đi kèm với tựa game. Và thế là để có thể mua được vẹn tròn tựa game này người dùng sẽ phải móc ví chi cho những phiên bản DLC (downloadable content) với mức giá cắt cổ. Lần này, tương tự, tôi cũng "cay" Activision không kém gì Capcom, thậm chí tôi còn tẩy chay hãng này. Sau đó, các hãng phát hành game khác cũng dần được tôi thêm vào danh sách đen, đầu tiên là EA, rồi sau đó là Rockstar, rồi tiếp tới là Ubisoft. Dần dần trong đầu tôi dần hình thành cái mâu thuẫn, một mặt tôi ghét các chiến lược của các hãng game này, mặt khác tôi không thể "nhịn" chơi các tựa game mà họ phát hành.

Song vấn đề là không phải ai cũng có hoặc có thể quan tâm đủ để nhìn nhận ngành công nghiệp game theo cách này. Nhiều người dù chơi game nhưng lại không hiểu được những thứ đòi hỏi để tạo ra chúng. Họ cảm thấy bực tức bởi chất lượng chung của trò chơi điện tử ngày càng giảm sút, và cái sở thích mà họ bỏ tiền vào vẫn cứ mãi đắt đỏ như ngày nào.

Không những vậy, khoảng thời gian chú ý của game thủ cũng đang dần ngắn hơn, họ cũng đang có nhiều lựa chọn thay thế hơn cho mục đích giải trí của mình. Đôi khi một tựa game miễn phí lại dễ kích động sự hào hứng trong bạn hơn là một tựa game bán ra với giá 100 USD. Tôi nhận thấy rằng đây là một xu hướng của nhiều game thủ, trong đó có mình, tôi dần học được cách kiên nhẫn đủ để chờ đợi đợt giảm giá của các tựa game bom tấn mới được ra mắt.

Một trong những chuyển biến lớn nhất của văn hoá chơi game trong những năm gần đây được đánh dấu bởi sự xuất hiện của Fortnite. Nó chỉ đơn thuần là một tựa game miễn phí, nhằm vào thể loại game mới đang thu hút sự chú ý vô tận của người chơi.

Nhà phát hành của Fortnite thậm chí còn lôi kéo được một dàn sao của nhiều lĩnh vực khác nhau để tạo sự náo nhiệt trên mạng internet. Những điệu nhảy họ thêm vào tựa game này cũng chính là những đặc sản của văn hoá đại chúng. Đây chính là tựa game khiến tôi tự hào mà tận hưởng như một sở thích đúng nghĩa chứ không chỉ đơn thuần là cái mà người ta dùng để đốt thời gian trong lúc không biết làm gì.

Stadia xuất hiện, như một giải pháp cho mọi vấn đề tôi nêu ra trên đây, nhưng nếu chỉ có mỗi nền tảng này thì vẫn chưa đủ. Những game thủ cần phải được tận hưởng cảm giác kết nối. Đó chính là nhiệm vụ đòi hỏi Sony, Microsoft và Nintendo hợp tác với nhau để tìm ra một giải pháp cân bằng giữa mục tiêu kết nối và lợi nhuận.

Song những công ty này lo sợ việc phải thay đổi guồng quay của ngành công nghiệp game bởi họ không muốn cái viễn cảnh phải trở thành Sega hay Atari tiếp theo. Cùng với nỗi lo về việc phải thay đổi, áp lực về việc phải luôn lắng nghe theo mong muốn của ngành công nghiệp cũng luôn đè nặng lên vai của họ, đặc biệt là khi một công ty có tầm ảnh hưởng lớn như Google đang dần trở thành mối đe doạ sẽ bẻ hướng cả ngành công nghiệp game.

Đây chính là lí do tại sao Stadia rất quan trọng đối với tôi. Google đang dần vẽ ra một viễn cảnh, nơi tôi đang rất nóng lòng được đặt chân tới. Có thể sau này, Microsoft sẽ thay đổi sản phẩm và hình mẫu kinh doanh của mình sao cho phù hợp với tương lai hơn những gì Stadia làm được, nhưng nếu không có Stadia thì chắc tôi sẽ chẳng thể kì vọng vào tương lai nhiều như thế được. Tất cả những gì tôi biết đó là ngành công nghiệp này sẽ luôn cố gắng để tiến về phía trước, và tôi mong rằng mình sẽ là một trong những người được đồng hành với những bước chuyển mình đầy lạc quan ấy.

 

Quentyn Kennemer (Android Central) -;Trung ND (dịch)

Chủ đề khác