VnReview
Hà Nội

Các V.I.P chê nhân sự ngành CNTT: thừa, thiếu, lệch

Trong một buổi tọa đàm có cả sự góp mặt của Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Phùng Xuân Nhạ và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn; Mạnh Hùng, các doanh nghiệp và nhà trường đã có chia sẻ thẳng thắng về nhân sự ngành Công nghệ thông tin (CNTT) hiện nay.

Nhân sự ngành CNTT: Vừa thừa, vừa thiếu, vừa lệch

Thừa, thiếu và lệch là nhận định chung của những người trong cuộc về nhân sự ngành CNTT tại buổi Tọa đàm Phát triển nguồn nhân lực ICT trình độ cao gắn kết cơ sở Giáo dục Đại học – Doanh nghiệp được tổ chức sáng 30/3 ở Hà Nội. Theo các báo cáo thống kê, hiện nay chỉ 30% sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này. Chỉ có 30% số sinh viên CNTT ra trường là có việc làm ngay.

Các chuyên gia đầu ngành đã có những chia sẻ thẳng thắn về chất lượng nhân sự ngành CNTT hiện nay.

Những con số nói trên khiến nhiều người tưởng tượng rằng nhân lực ngành công nghệ thông tin đang thừa. Tuy vậy, theo ông Phí Anh Tuấn, PCT Hội tin học thành phố Hồ Chí Minh thì trong năm 2019, nhân lực ngành CNTT sẽ thiếu khoảng 90.000 người và đến năm 2020 sẽ thiếu khoảng 100.000 người.  Cùng với đó, chỉ 28% số sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT là có thể đáp ứng được nhu cầu và làm được việc ngay, 72% còn lại cần phải đào tạo bổ sung.

Một vấn đề nữa trong nhân sự ngành công nghệ thông tin là đào tạo lệch. Nói về điều này, GS.TS Nguyễn  Thanh Thủy cho biết: ‘Nhiều trường hiện nay chưa quan tâm đến thị trường công nghệ thông tin mà mình có thế mạnh mà lại đào tạo chung chung. Đó là cái lệch  và chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường'. Cũng vì đào tạo lệch nên dẫn đến tình trạng 72% sinh viên ngành CNTT không có kinh nghiệm thực hành, 42% thiếu kỹ năng làm việc nhóm, 100% không biết lĩnh vực hành nghề.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại sự kiện

Đặc biệt hơn, sinh viên ngành CNTT của Việt Nam tỏ ra khá yếu về ngoại ngữ. Theo ông Hoàng Việt Anh – Phó tổng giám đốc FPT thì trước đây ông có nói chuyện với giám đốc phát triển toàn cầu của IBM. Ông này cho biết về kỹ năng thì kỹ sư CNTT Việt Nam không thua kém Quốc gia nào trên thế giới nhưng về ngoại ngữ thì quá yếu.

Cùng vì những lý do này mà GS.TS Nguyễn Thanh Thủy cho rằng các con số thống kê có cảm giác như nhân sự ngành CNTT Việt Nam vừa thừa, vừa thiếu, vừa lệch. Thừa ở đây là thừa về số lượng, thiếu là thiếu về chất lượng và lệch là so với nhu cầu thị trường. Đây là nhận định có căn cứ, phản ánh sát, trúng và đúng với thực tế.

Cần sự liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp

Nói về nhu cầu ngành công nghệ thông tin, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết:  ‘ICT là nền tảng của cuộc cách mạng số, cách mạng công nghiệp 4.0. Nước nào có nguồn nhân lực tốt sẽ chiến thắng trong cuộc cạnh tranh khốc liệt ngày nay'.

Cùng quan điểm này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: ‘Việc khởi nghiệp ngành CNTT là thông minh nhất và tạo ra tăng trưởng nhanh nhất, kết nối nhanh, giá trị gia tăng lớn. Hiện nay, khởi nghiệp CNTT là ưu tiên vừa trước mắt vừa lâu dài'.

Bộ trưởng Phùng Xuân nhạ phát biểu tại sự kiện

Rõ ràng, nhu cầu nhân sự chất lượng cao ngành CNTT hiện nay là rất lớn và nhà trường phải làm mọi cách để đáp ứng được điều này. Theo ông Phí Anh Tuấn – PCT Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh thì việc doanh nghiệp phải đào tạo bổ sung nhân sự là điều phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà ở cả các nước trên thế giới. Tuy vậy, vấn đề của chúng ta là phải làm sao giảm thời gian đào tạo bổ sung này xuống thấp nhất bởi với doanh nghiệp thì thời gian cũng là tiền.

Trong vấn đề này, rõ ràng việc kết nối giữa doanh nghiệp và nhà trường để đào tạo nhân sự đóng một vai trò quyết định. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp làm rất tốt việc này. Ví dụ như Samsung hàng năm vẫn tặng các suất học bổng cho sinh viên CNTT và khi tốt nghiệp thì sinh viên sẽ được làm việc tại các phòng nghiên cứu của doanh nghiệp này. Kể từ năm 2012 đến nay, Samsung đã trao 530 suất học bổng tài năng và hiện có khoảng 300 người trong số này đang làm việc tại các trung tâm nghiên cứu của Samsung.

Theo PGS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Bách Khoa Hà Nội thì hiện tại không có vướng mắc gì về cơ chế, chính sách của Nhà nước. Cái thiếu ở đây là các doanh nghiệp đang thiếu chính sách chiêu mộ nhân tài. Rất nhiều đại diện doanh nghiệp nói với trường ĐH Bách Khoa Hà Nội rằng họ chi học bổng hoặc hỗ trợ nghiên cứu thì sẽ được ưu đãi gì?

Còn theo ông Hoàng Việt Anh – Phó tổng giám đốc FPT thì việc phối hợp giữa Nhà nước – Nhà trường và doanh nghiệp cần phải tốt hơn nữa. Đồng thời, các doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh phối hợp với các trường Đại học nhằm hỗ trợ sinh viên ngành CNTT. Cùng với đó, ông cũng đề xuất việc đẩy nhanh xếp hạng các trường Đại học và tăng cường đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên CNTT.

Song song với buổi tọa đàm, Nhiều nhà trường và Doanh nghiệp lớn trong ngành Công nghệ thông tin cũng tham gia vào buổi triển lãm về phát triển nguồn nhân lực ICT thu hút rất đông sinh viên tham gia, tìm kiếm cơ hội việc làm của mình. Dưới đây là một số hình ảnh về buổi triển lãm.

T.T

Chủ đề khác