VnReview
Hà Nội

Ý kiến luật sư về lùm xùm nâng điểm thi tốt nghiệp PTTH 2018 gây bão mạng

Ý kiến một luật sư cho rằng các trường đại học không có cơ sở để đuổi sinh viên nâng điểm, và không nên công khai danh tính các thí sinh đã được nâng điểm để đỗ thủ khoa, đại học trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 là tâm điểm gây tranh cãi trên mạng xã hội ngày hôm qua.

Có nên công bố danh tính thí sinh

Trên;Zing.vn, luật sư Trần Tuấn Anh, Giám đốc Công ty Luật Minh Bạch đã chia sẻ với báo giới rằng nếu cơ quan chức năng kết luận thí sinh và phụ huynh tham gia tác động vào điểm thi thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Khi đó, các em học sinh sẽ bị buộc thôi học và phải công khai danh tính.

Tuy vậy, nếu thí sinh không hề biết việc gia đình ‘mua' điểm thi cho mình thì có nghĩa các em sẽ không bị xử lý bởi không vi phạm hành chính. Chính vì điều đó, việc công bố danh tính thí sinh liên quan đến vụ việc sẽ phải cân nhắc bởi chưa có quy định trong việc này. Xung quanh quan điểm của Luật sư Trần Tuấn Anh, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.

Nhiều người cho rằng không thể có chuyện các em thí sinh không biết gia đình ‘mua' điểm thi THPT Quốc gia. Với hình thức thi trắc nghiệm, thí sinh chỉ cần vài ngày sau kỳ thi là biết mình được khoảng bao nhiêu điểm. Việc nâng hàng chục điểm, thậm chí hơn 20 điểm thì không thể nói là các em không biết.

Nếu đậu Đại học điểm cao, thậm chí thủ khoa mà không gian lận thì phải là học sinh có học lực rất giỏi. Thí sinh là người biết rõ năng lực của bản thân nhất. Khi học kém mà đạt điểm cao, thậm chí là thủ khoa Đại học chẳng nhẽ các em lại không hề hay biết? Thí sinh đều là những người đủ tuổi để chịu trách nhiệm hình sự. Trừ trường hợp thiếu năng lực thì chỉ cần vài ngày sau là biết chính xác mình có được nâng điểm không.

Không những vậy, có ý kiến còn cho rằng bài thi rất nhiều điểm 1, 2 được nâng lên 9, 10 thì thí sinh có khi còn là người đề nghị bố mẹ 'mua' điểm cho mình. Do đó, luồng ý kiến này cho rằng nên công khai danh tính các thí sinh này bởi các thí sinh này đã đủ tuổi và ý thức được việc làm của mình, đồng thời việc không công khai danh tính chỉ giúp bảo vệ được danh dự vài chục học sinh nhưng sẽ không bao giờ chống lại được vấn nạn gian lận trong thi cử.

Đáng lưu ý là có 53 sinh viên nhập học các trường Công an nhân dân đã ký cam kết điểm thi đầu vào của mình là điểm "xịn". Đến nay, cả 53 sinh viên này đã bị cho thôi học, trả về địa phương.

Cùng với đó, có những người cho rằng không nên công khai danh tính của thí sinh được nâng điểm bởi tương lai các em còn rất dài. Việc công khai danh tính sẽ ảnh hưởng đến tương lai, bị bạn bè xa lánh, ghét bỏ...

Có nên đuổi học thí sinh được nâng điểm?

Tuy nhiên, ý kiến gây "bão" của luật sư Trần Tuấn Anh chính là cho rằng hiện tại không có quy định nào trong việc đuổi học sinh viên được nâng điểm trúng tuyển nếu em đó không biết mình được/bị can thiệp điểm. Theo ông, quy chế hiện nay chỉ quy định ‘xử phạt trực tiếp' ở phòng thi mà không có quy định về xử lý gian lận ở phần chấm thi.

Ý kiến này của ông luật sư đã nhận được ý kiến phản đối mạnh mẽ. Trong cả trường hợp kết quả sau điều tra điểm thi thấp hơn so với điểm chuẩn, và điểm thi đủ điểm chuẩn vào trường thì nhiều người cho rằng sinh viên đó đều đáng bị đuổi học vì đã có hành vi vi phạm (gian lận điểm).

Trước hết, lý do các sinh viên không biết điểm thi của mình được nâng là phi lý. Như đã phân tích, các em học sinh không thể không biết mình được phụ huynh ‘mua điểm' cho. Và cho dù có biết hay không thì cũng là vi phạm quy chế thi, cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để lấy lại công bằng cho các thí sinh khác.

Thậm chí có ý kiến còn cho rằng tiêu thụ đồ ăn cắp dù là vô tình hay cố ý thì vẫn là phạm luật nên được nâng điểm dù có biết hay không thì vẫn là vi phạm quy chế thi. Đặc biệt hơn, những em được nâng điểm phần lớn là đậu vào những trường có điểm chuẩn rất cao. Việc tiếp tục được học tại các trường sẽ khiến chất lượng đầu ra của các trường bị ảnh hưởng.

Hiện nay, các trường Đại học đang có cách xử lý khác nhau với những thí sinh đã được nâng điểm nhưng điểm chấm lại vẫn đủ để vào trường. Với các trường khối ngành Công an, tất cả các em trong danh sách được nâng điểm đều được coi là gian lận trong thi cử và buộc thôi học. Còn trường Đại học Ngoại thương có 3 thí sinh được nâng điểm, 2 em đã bị buộc thôi học vì không đủ điểm chuẩn vào trường, 1 em điểm sau khi chấm lại vẫn đủ điểm đỗ vào trường nên tiếp tục được học tập.

Nói về điều này, thiếu tướng Bùi Minh Giám – Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết: ‘Bất kể điểm sau thẩm định của thí sinh có đạt điểm chuẩn trúng tuyển hay không thì các trường công an vẫn từ chối đào tạo những em có điểm thi gian lận'

Những trường hợp bị hủy bỏ kết quả thi theo Luật pháp

Theo khoản 5, điều 49, chương 10 của 'Thông tư Ban hành quy chế thi Trung học Phổ thông và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông' thì tất cả các trường hợp để người khác thi thay hoặc làm bài thay cho người khác dưới mọi hình thức; sửa chữa, thêm bớt vào bài làm sau khi đã nộp bài; dùng bài của người khác để nộp đều sẽ bị hủy bỏ kết quả thi.

Do đó, có thể khi phát biểu ý kiến trên luật sư Trần Tuấn Anh có thể chưa cập nhật quy chế thi Trung học Phổ thông và xét công nhận tốt nghiệp Trung học phổ thông. Theo quy định thì những thí sinh được nâng điểm đều đã được người khác tác động vào bài thi sau khi nộp bài và sẽ hủy bỏ kết quả thi.

T.T

Chủ đề khác