VnReview
Hà Nội

Dịch sởi bùng phát toàn cầu: Đừng đổ lỗi cho vắc-xin!

Theo các nhà khoa học, chúng ta không nên đổ lỗi cho vắc-xin khi dịch sởi bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu như hiện nay.

Dịch sởi bùng phát toàn cầu: đừng đổ lỗi cho vắc-xin

Theo SlashGear, bệnh sởi – một căn bệnh mà Mỹ đã tuyên bố tiêu diệt được gần 20 năm trước – đang "hồi sinh" mạnh mẽ tại quốc gia này. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) đã ra cảnh báo rằng số ca nhiễm bệnh sởi tại Mỹ có thể đạt mức kỷ lục trong một thời gian ngắn nữa. Tiếp theo, FDA - Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ khẳng định: với đợt bùng phát này, không thể đổ lỗi cho việc tiêm phòng vắc-xin.

Mỹ trên bờ vực của đại dịch sởi

Bệnh sởi từng là một căn bệnh phổ biến - và có khả năng gây tử vong - thường xuất hiện ở trẻ em. Mặc dù người lớn khỏe mạnh có thể phục hồi sau khi nhiễm virus nhưng một số người – đặc biệt là trẻ em – lại dễ gặp các biến chứng nghiêm trọng, bao gồm mù và tử vong.

Trước khi phát triển vắc-xin MMR – vắc-xin bảo vệ chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella – Mỹ đã trải qua khoảng 3 đến 4 triệu ca mắc sởi mỗi năm, dẫn đến khoảng 48.000 ca nhập viện, hàng trăm ca tử vong và khoảng 1.000 trường hợp bị sưng não hàng năm.

Dịch sởi bùng phát toàn cầu: đừng đổ lỗi cho vắc-xin

Tính từ đầu năm đến ngày 19 tháng 4 năm 2019, CDC xác nhận có 626 trường hợp mắc sởi ở Mỹ. Với tốc độ này, Mỹ dự kiến sẽ vượt quá kỷ lục số ca mắc sởi hàng năm được ghi nhận (667 ca vào năm 2014, tính sau thời điểm bệnh sởi được tuyên bố đã bị loại bỏ).

Theo WHO, dịch sởi hiện đang xảy ra ở Madagascar, Sudan, Thái Lan, Philippines, Ukraine, Myanmar, Ethiopia,... Đồng thời, các quan chức đã báo cáo sự gia tăng đột biến số ca mắc bệnh sởi tại các quốc gia có số lượng tiêm chủng cao, bao gồm Mỹ, Tunisia và Israel.

Vắc-xin vẫn có tác dụng, nhưng bạn phải tiêm!

CDC và WHO đều nhấn mạnh rằng chất lượng vắc-xin không phải là nguyên nhân dẫn đến sự tăng trưởng của dịch sởi. FDA cũng đã ban hành tuyên bố tương tự:

"Chúng tôi lo ngại sâu sắc khi thấy các bệnh có thể phòng ngừa được như sởi hoặc quai bị tái phát ở Mỹ và đe dọa cộng đồng.

Chúng tôi không xem nhẹ trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo sự an toàn và hiệu quả của vắc-xin. Chúng tôi cũng làm việc chăm chỉ để đánh giá sự an toàn và hiệu quả của tất cả các loại vắc-xin được cấp phép cho mục đích sử dụng. Vắc-xin MMR rất hiệu quả trong việc bảo vệ con người chống lại bệnh sởi, quai bị và rubella. Nó cũng ngăn ngừa các biến chứng gây ra bởi các bệnh này".

Vắc-xin MMR cần được tiêm hai liều với liều đầu tiên được tiêm ở tuổi 12. Nếu tiêm cả hai liều, xác suất bị nhiễm sởi giảm 97%.

Theo WHO và CDC, sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh sởi hiện tại diễn ra trong các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp. Những nhóm người nhiễm bệnh này đã truyền bệnh sang những người khác đã được tiêm vắc-xin, bao gồm cả trẻ em quá nhỏ để tiêm vắc-xin.

Bạch Đằng

Chủ đề khác