VnReview
Hà Nội

Có thể bạn không để ý, quản lý bằng nhận diện gương mặt đang dần phổ biến ở Việt Nam

Không chỉ để bảo mật và mở khóa màn hình trên các thiết bị công nghệ, thời gian gần đây tính năng nhận diện gương mặt đang dần trở nên phổ biến tại các lĩnh vực ở Việt Nam.

Từ trường Đại học áp dụng nhận diện gương mặt để điểm danh

Mới đây, trường Đại học Thăng Long (Hà Nội) đã thông báo đang thử nghiệm hệ thống điểm danh thông minh, tự động nhận diện khuôn mặt sinh viên đến lớp.

Công nghệ nhận diện gương mặt của Đại học Thăng Long được đặt tên là ‘TLnet' hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm và được triển khai bởi 1 giáo viên cùng 3 sinh viên chuyên ngành IT.; Điều nổi bật của hệ thống này chính là việc làm chủ từ đầu đến cuối quy trình, nhận diện chính xác, phân biệt được rõ ràng các sinh viên mà camera ghi lại được.

Đây là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay bởi nó không phải qua bất kỳ một phần mềm trung gian nào. Trước đây cũng đã có khá nhiều trường nghiên cứu về điểm danh bằng gương mặt nhưng hầu hết đều phải qua phần mềm trung gian khiến việc điểm danh khó khăn hơn.

Theo thầy giáo phụ trách triển khai công nghệ này thì mục tiêu của hệ thống là chống học hộ, điểm danh hộ, giám sát hành vi của sinh viên trên trường theo thời gian thực. Hệ thống đang được thử nghiệm ở lớp toán tin K31 và cho độ chính xác cực cao: 99,78%.

Trước đây, cư dân mạng Việt Nam từng ‘trầm trồ' khi một số trường Đại học của Trung Quốc triển khai điểm danh qua nhận diện bằng gương mặt. Giờ đây thì có vẻ như ước mơ sắp thành hiện thực khi mà có lẽ việc ‘cúp học' hay trốn tiết của sinh viên Đại học Thăng Long chuẩn bị trở thành dĩ vãng.

Đến việc khách sạn, ngân hàng, Grab dùng nhận diện gương mặt

Mới đây, Vinpearl đã trở thành hệ thống khách sạn nghỉ dưỡng đầu tiên của Việt Nam ứng dụng nhận diện gương mặt dựa trên nền  tảng trí tuệ nhân tạo (AI). Trong giai đoạn đầu tiên, tính năng này sẽ được triển khai tại VinPearl Nha Trang.

Được biết, với nhận diện gương mặt, du khách có thể tối ưu hóa trải nghiệm với việc qua cửa tự động, check-in trong 3 giây, mở cửa phòng, thanh toán, mua hàng bằng nụ cười... Đại diện của VinPearl cho biết công nghệ này có khả năng nhận diện cực nhanh (trong khoảng 1 giây) và sở hữu hệ thống thuật toán xử lý dữ liệu lớn với quy mô hàng triệu gương mặt.

Ở lĩnh vực ngân hàng, từ tháng 5/2018, HSBC Việt Nam đã thông báo các khách hàng doanh nghiệp có thể dùng nhận diện gương mặt để đăng nhận tài khoản HSBCnet của mình.

Theo đó, các khách hàng sử dụng điện thoại iPhoneX khi truy cập vào HSBCnet có thể sử dụng tính năng nhận diện gương mặt. Công nghệ này được HSBC Việt Nam ứng dụng thông qua việc nhận diện các đặc điểm, phân tích hơn 30.000 điểm để tạo bản đồ chiều sâu của khuôn mặt. Ngân hàng này khẳng định tính năng mới giúp việc truy cập tài khoản diễn ra trong chưa đầy 1 giây.

Ở lĩnh vực giao thông – vận tải, từ tháng 8/2018 Grab đã áp dụng tính năng nhận diện gương mặt cho toàn bộ tài xế GrabCar và từ 15/1/2019 thì áp dụng cho cả GrabBike. Tính năng này được cài vào ứng dụng giúp quét gương mặt tài xế. Nếu gương mặt không trùng với tài khoản đang sử dụng thì tài xế không thể bật trực tuyến để nhận chuyến xe nữa.

Có thể nói công nghệ nhân diện gương mặt đang từng bước một, từ từ len lỏi vào trong đời sống của người Việt Nam. Tuy chưa được sử dụng đại trà như Trung Quốc khi Quốc gia này đã ứng dụng nhận diện gương mặt vào gần như mọi lĩnh vực của đời sống, kể cả chăn nuôi lợn nhưng có thể hy vọng trong tương lai không xa trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực tại Việt Nam.

T.T

Chủ đề khác