VnReview
Hà Nội

Nghiên cứu: con gái chơi game nhiều sẽ suy giảm kỹ năng xã hội, nhưng con trai thì không.

Sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của trò chơi điện tử đã đặt ra khá nhiều câu hỏi cho các bậc cha mẹ, giới y học và người làm giáo dục về những tác động tích cực và tiêu cực có thể ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và xã hội của trẻ em.

Tập trung vào nhóm trẻ dành nhiều thời gian chơi game hoặc thích chơi những trò chơi bạo lực, các nhà nghiên cứu đã phát hiện thấy ảnh hưởng của trò chơi có thể chỉ tác động đến tâm lý và hành vi các bé gái ở tuổi vị thành niên, còn bé trai thì hầu như không.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Na Uy đã tiến hành theo dõi 873 học sinh trong vòng 6 năm, bắt đầu từ lúc 6 tuổi. Cứ hai năm một lần, cha mẹ hoặc đứa trẻ được nghiên cứu sẽ báo cáo khoảng thời gian mà chúng dành cho việc chơi game. Đồng thời, giáo viên phụ trách cũng sẽ đánh giá "năng lực xã hội" của trẻ, dựa trên mức độ vâng lời, kiểm soát hành vi và sự tự tin trong môi trường xã hội.

Sau khi đã loại trừ những yếu tố phụ có thể ảnh hưởng độc lập đến các kỹ năng xã hội như thừa cân hoặc béo phì, gia đình khó khăn, cha mẹ được giáo dục không trọn vẹn… thì các nhà nghiên cứu không thể tìm thấy bất kỳ mối liên hệ nào giữa thời gian chơi game và kỹ năng xã hội của các bé trai. Tuy nhiên, ngược lại ở những bé gái 10 tuổi thường dành nhiều thời gian chơi game, các kỹ năng mềm của chúng sẽ kém hơn hai năm so với những trường hợp dành ít hoặc không dành thời gian cho các trò chơi điện tử.

Ngoài ra, nếu các bé trai và bé gái trong độ tuổi 8 đến 10 có năng lực xã hội kém, thì có thể trong vòng hai năm sau đó, chúng sẽ giành nhiều thời gian để chơi game hơn những đứa trẻ khác.

"Kỹ năng xã hội tốt hay kém sẽ dự đoán được khả năng nghiện game của con trẻ trong tương lai, tuy nhiên việc trẻ nhỏ dành nhiều thời gian cho game hoàn toàn không ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội của chúng – ít nhất là đối với nam giới", Beate Hygen, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho biết.

Các nhà nghiên cứu nhận định, yếu tố về giới tính có thể liên quan đến sự khác biệt trong cách chơi game và giao tiếp giữa phái nam và nữ. Các chàng trai đa phần sẽ dành nhiều thời gian để chơi game hơn và họ có xu hướng chơi theo nhóm nhiều thành viên, trong khi đó đối với nữ, họ lại thích chơi game một mình.

"Những cô gái hay chơi game có thể sẽ bị yếu kém về giao tiếp xã hội so với các cô gái khác cùng tuổi, cũng như mất đi những kỹ năng mềm vốn dĩ học được từ việc giao tiếp đó";, Hygen viết trong email.

Tiến sỹ Suzy Tomoulos đang công tác tại trường y NYU, New York, chia sẻ: "Đối với trẻ em trước hay trong độ tuổi vị thành niên gặp khó khăn trong việc tương tác ngoài xã hội, chúng sẽ có xu hướng bị lôi cuốn vào các hoạt động trực tuyến nhiều hơn so với các bạn đồng trang lứa – những đứa trẻ có năng lực xã hội hơn".

"Trẻ em có kỹ năng xã hội yếu kém sẽ có thể lên mạng nhiều hơn bởi chúng cảm thấy "an toàn" hơn so với khi tương tác trực tiếp ngoài xã hội", ông nói thêm.

Trò chơi ngày càng được "xã hội hóa"

Tuy vậy, ngày nay, có thể nhận thấy rõ ràng các trò chơi đã khác hoàn toàn so với các thế hệ trước đây. Nếu như quay trở lại 10 hay 20 năm về trước, các tựa game chủ yếu theo hình thức solo cá nhân, thì bây giờ đã có những trò chơi mang yếu tố tương tác nhiều hơn. Trẻ em ngày nay thường chơi các trò chơi trực tuyến với bạn bè và kết bạn với nhiều người trong đó. Và việc giao tiếp trong game có thể có những lợi ích tương tự như giao tiếp ngoài đời thực, giúp trẻ em cải thiện nhận thức, cảm xúc và các kỹ năng mềm.

Tuy vậy, các bậc cha mẹ vẫn nên đảm bảo con em mình chơi game trong chừng mực, tránh ảnh hưởng đến các yếu tố khác trong cuộc sống.

"Phụ huynh nên đặt ra giới hạn thời gian về thời gian ngồi trước màn hình cho trẻ. Họ cần phải đảm bảo cho các em có những hoạt động giao tiếp ngoài xã hội, hòa nhập và vui chơi, cũng như thời gian nghỉ ngơi và các hoạt động thể chất cần thiết cho sức khỏe và sự phát triển của trẻ.", Tomopulos cho biết.

Vào thứ tư tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban hành một số hướng dẫn liên quan đến các khung thời gian mà trẻ em từ 5 tuổi trở xuống được phép ngồi trước màn hình các thiết bị điện tử. Theo đó, trẻ nhỏ từ 5 tuổi trở xuống khuyến khích chỉ 1 giờ mỗi ngày, riêng từ 1 tuổi hay nhỏ hơn, thì hoàn toàn không nên cho con trẻ tiếp xúc với chúng.

Quang Minh

Theo Business Insider

Chủ đề khác