VnReview
Hà Nội

8 thí nghiệm khoa học đáng sợ nhất từng thực hiện trên người và động vật

Khi khoa học vận hành theo đúng mục đích, các thí nghiệm sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng, tiến hành một cách có đạo đức và được xây dựng để giải đáp các câu hỏi quan trọng. Tuy nhiên, khi khoa học không vận hành theo đúng ý nghĩa đề ra, sẽ dẫn tới những cái kết như tinh hoàn ghép, dê lai nhện hay thuốc gây ảo giác trên voi.

Dưới đây là danh sách 8 thí nghiệm khoa học đáng sợ nhất, thực hiện trên người và động vật.

1 – Thí nghiệm cấy ghép tinh hoàn của bác sĩ Stanley

Bạn có thể nghĩ điều tồi tệ nhất tại nhà tù San Quentin là thức ăn khủng khiếp và những người bạn tù hung hãn. Tuy nhiên, nếu là tù nhân tại đây từ năm 1910 đến 1950, bạn còn có thể là "bệnh nhân bất đắc dĩ" của bác sĩ phẫu thuật Leo Stanley - một tín đồ cuồng tín thuyết ưu sinh. Vị bác sỹ này muốn triệt sản các tù nhân bạo lực và "trẻ hóa" họ bằng nguồn testosterone mới.

Ban đầu, Stanley chỉ đơn giản ghép tinh hoàn của các tù nhân trẻ tuổi mới bị xử tử vào những người đàn ông lớn tuổi hơn chịu bản án chung thân. Sau đó, khi nguồn cung cấp từ con người cạn kiệt, bác sỹ này đã nghiền tinh hoàn tách ra từ dê, lợn và hươu thành một hỗn hợp và tiêm vào bụng tù nhân.

Một số bệnh nhân cho biết cảm thấy khỏe và năng động hơn sau cuộc "điều trị" kỳ quái này. Tuy nhiên, do thiếu sự nghiêm ngặt trong thực nghiệm, không rõ có thể đem lại hiệu quả lâu dài hay không.

2 – Sẽ thế nào nếu lai dê với nhện?

Không có gì tẻ nhạt bằng việc thu hoạch tơ nhện. Đầu tiên, nhện thường rất nhỏ nên một nhân viên phòng thí nghiệm sẽ phải "nhặt nhạnh" tơ của hàng ngàn cá thể mới có thể lấp đầy một ống nghiệm. Thứ hai, nhện cực kỳ có tính lãnh thổ, vì vậy mỗi cá thể sẽ phải cách ly với những con khác chứ không thể nhốt chung vào một lồng.

Vậy phải làm sao? Chà, chỉ cần ghép gen tạo tơ của nhện vào bộ gen của một loài động vật khác dễ điều khiển hơn, như một con dê chẳng hạn. Đó chính xác là những gì các nhà nghiên cứu tại Đại học Bang Wyoming đã tiến hành vào năm 2010, cho ra kết quả là một đàn dê cái "sản xuất" sữa có chứa tơ. Những người tham gia nghiên cứu khẳng định, đàn dê vẫn hoàn toàn bình thường. Vậy nên, đừng ngạc nhiên nếu một ngày bạn đến thăm bang Wyoming và thấy một con dê Angora treo lơ lửng dưới vách đá.

3 - Thí nghiệm nhà tù Stanford

Giáo sư Philip Zimbardo

Đây là thí nghiệm "nổi tiếng" nhất trong lịch sử, thậm chí còn trở thành chủ đề cho một bộ phim phát hành năm 2015. Năm 1971, giáo sư tâm lý học của Đại học Stanford Philip Zimbardo đã tuyển 24 sinh viên. Một nửa trong số này ông gọi là "tù nhân" và nửa còn lại là "lính canh" trong một nhà tù tạm thời tại tầng hầm tòa nhà nghiên cứu. Trong 2 ngày, các "lính canh" bắt đầu khẳng định quyền lực một cách không lành mạnh, và "các tù nhân" đã chống cự lại và nổi dậy, có lúc dùng giường để chặn cửa tầng hầm.

Sau đó, mọi thứ thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát: "lính canh" đã trả đòn bằng cách bắt các tù nhân ngủ trần truồng trên bê tông, gần xô phân của chính mình. Một tù nhân đã hoàn toàn suy sụp, đấm đá và la hét không kiểm soát. (Người này sau đó đã được đưa ra khỏi thí nghiệm).

Kết quả của thí nghiệm là gì? Những người bình thường có thể đầu hàng "con quỷ đen tối" trong mình khi được trao quyền lực. Điều này giúp giải thích mọi thứ diễn ra tại các trại tập trung của Đức Quốc xã đến trại giam Abu Ghraib.

4 - Dự án Artichoke và MK-ULTRA

"Liệu rằng chúng ta có thể kiểm soát một người đến mức người đó sẽ đấu tranh với ý muốn của chính mình, thậm chí chống lại các quy luật cơ bản của tự nhiên, như tự bảo tồn?" Đó là một dòng trong một bản ghi nhớ CIA được viết vào năm 1952, bàn về ý tưởng sử dụng ma túy, thôi miên, mầm bệnh vi khuẩn, cách ly kéo dài (và ai biết còn gì khác nữa) để thu thập thông tin từ đối tượng thù địch và tù nhân.

Vào thời điểm bản ghi nhớ này được viết, Dự án Artichoke đã tiến hành được 1 năm. Đối tượng nạn nhân của các kỹ thuật này bao gồm cả người đồng tính, dân tộc thiểu số và tù nhân quân đội.

Năm 1953, Dự án Artichoke đã đổi thành MK-ULTRA ác độc hơn nhiều với việc bổ sung thêm chất gây ảo giác LSD. Đáng buồn thay, hầu hết hồ sơ của các thí nghiệm này đã bị giám đốc CIA lúc bấy giờ là Richard Helms tiêu hủy năm 1973, khi vụ bê bối Watergate đe dọa công khai thông tin chi tiết về MK-ULTRA.

5 - Nghiên cứu bệnh giang mai ở Tuskegee

Mặc dù lọt vào danh sách này, Nghiên cứu Bệnh giang mai ở Tuskegee bắt đầu vào năm 1932 với ý định rất tốt. Năm đó, Dịch vụ Y tế Công cộng Hoa Kỳ hợp tác với Đại học Tuskegee để nghiên cứu và điều trị cho những người đàn ông Mỹ gốc Phi bị nhiễm bệnh giang mai lây truyền qua đường tình dục.

Các vấn đề phát sinh do cuộc Đại suy thoái đã khiến nghiên cứu bệnh giang mai tại Tuskegee bị mất nguồn tài trợ. Tuy nhiên, thay vì tan rã, các nhà nghiên cứu tiếp tục quan sát (nhưng không điều trị) các đối tượng nhiễm bệnh trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Tệ hơn nữa, những bệnh nhân này đã không được sử dụng penicillin ngay cả sau khi kháng sinh này được chứng minh có thể điều trị hiệu quả.

Một sự vi phạm đáng kinh ngạc về đạo đức khoa học và y học. Nghiên cứu bệnh giang mai ở Tuskegee khởi phát sự mất lòng tin của những người Mỹ gốc Phi đối với các cơ sở y tế Hoa Kỳ và lý giải tại sao một số người vẫn cho rằng virus AIDS được CIA cố tình chế tạo để lây nhiễm dân số thiểu số.

6 – Những chú chuột biến đổi gen

Đôi khi bạn tự hỏi liệu các nhà khoa học có dành ra nửa ngày, đứng cạnh cây nước và trao đổi với nhau những câu đại loại như: "Hay là chúng ta lai một con gà với một con lợn? Không? OK, hay là một con gấu trúc và một cây phong?".

Tiếp nối loài dê lai nhện được mô tả ở trên, các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Y tế Đại học Rochester mới đây đã tiến hành cấy tế bào thần kinh đệm của con người vào não của chuột. Sau khi thực hiện, các tế bào thần kinh đệm nhanh chóng nhân lên và biến đổi thành tế bào hình sao giúp củng cố các kết nối thần kinh.

Sự khác biệt là tế bào hình sao của con người lớn hơn nhiều so với tế bào hình sao ở chuột với số lượng kết nối gấp hàng trăm lần. Trong khi những con chuột trong thí nghiệm này không hẳn là có thể đọc sách hay làm những điều tương tự, nhưng chúng đã thể hiện khả năng nhớ và nhận thức cải thiện đáng kể.

7- Cuộc tấn công của muỗi sát thủ

Thời gian gần đây, bạn không còn nghe nhiều về "chiến tranh côn trùng", đó là hình thức khai thác côn trùng để lây nhiễm, ngăn chặn và tiêu diệt kẻ thù. Tuy nhiên, vào giữa những năm 1950, các trận chiến côn trùng là một vấn đề lớn, khi có tới ​​3 "thí nghiệm" được Quân đội Hoa Kỳ thực hiện.

Chiến dịch Drop Kick năm 1955 đã thả 600.000 con muỗi xuống các khu phố đen ở Florida, dẫn đến hàng chục căn bệnh (có thể một vài người đã chết). Cũng trong năm đó, Chiến dịch Big Buzz chứng kiến ​​sự phát tán 300.000 con muỗi một lần nữa nhắm vào các khu vực dân tộc thiểu số. Không có thống kê cụ thể, nhưng chắc chắn đã gây ra vô số bệnh. Bên cạnh muỗi, trước đó, Chiến dịch Big Itch đã rải xuống một vùng thử nghiệm tại Utah hàng trăm ngàn con bọ chét nhiệt đới.

8 – Thử nghiệm thuốc gây ảo giác trên voi

Thuốc gây ảo giác LSD được biết đến nhiều ở Mỹ khoảng giữa thập niên 1960. Trước đó, nó là chủ đề của các nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Một số trong những thí nghiệm này là hợp lý, một số là độc ác, và một số chỉ đơn giản là vô trách nhiệm.

Năm 1962, một bác sĩ chuyên về tâm thần tại Trường Y khoa Thành phố Oklahoma đã tiêm 297 miligam thuốc ảo giác LSD vào một con voi vị thành niên. Lượng này gấp hơn 1.000 lần liều thông thường cho con người. Sau vài phút, chú voi Tusko lắc lư, oằn mình ngã xuống đất, đại tiện và lên cơn động kinh. Nhằm hồi sức cho Tusko, các nhà nghiên cứu đã tiêm một liều lớn thuốc điều trị tâm thần phân liệt để chấm dứt triệu chứng. Kết quả nghiên cứu công bố trên tạp chí khoa học Nature cho rằng LSD "có tác dụng trong việc kiểm soát voi ở châu Phi".

Hà Loan (Theo ThoughtCo)

Chủ đề khác